Bản tin Năng lượng xanh: IRA hỗ trợ năng lượng sạch của Mỹ có thể khiến EU tụt hậu trong cuộc chạy đua khử carbon

Các giám đốc điều hành tại Hội nghị Tuần lễ Năng lượng toàn cầu (CERAWeek 2023) cho biết hàng tỷ đô la khuyến khích tăng tốc đầu tư vào năng lượng sạch trên đất Mỹ đã làm cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) gặp rủi ro khi tiền và nhân tài từ EU bị hút sang Mỹ.

Bản tin Năng lượng xanh: IRA hỗ trợ năng lượng sạch của Mỹ có thể khiến EU tụt hậu trong cuộc chạy đua khử carbon

IRA hỗ trợ năng lượng sạch của Mỹ có thể khiến EU tụt hậu trong cuộc chạy đua khử carbon

Đạo luật Giảm phát (IRA) của Mỹ đã gây ra căng thẳng thương mại giữa Washington và các đồng minh, khi cả hai đều đang tranh giành tiền mặt và lao động lành nghề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch và chống biến đổi khí hậu. IRA đã đưa ra một số lợi ích về thuế trị giá 370 tỷ USD cho việc phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt và năng lượng tái tạo khác của Mỹ, cũng như cho các phương tiện chạy điện và các dự án giảm hoặc thu giữ khí thải nhà kính công nghiệp.

Phát biểu tại CERAWeek 2023, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết chính quyền Tổng thống Biden không đưa ra lời xin lỗi với EU vì IRA, thách thức các đồng minh EU làm theo Mỹ bằng cách cung cấp nhiều trợ cấp hơn cho chính các công ty của họ.

Enel của Ý, Newcleo của Anh liên kết về công nghệ năng lượng hạt nhân

Hôm thứ Hai (13/3), công ty cung cấp điện lớn nhất của Ý Enel và công ty công nghệ hạt nhân "sạch" Newcleo của Anh đã ký thỏa thuận hợp tác trong các dự án công nghệ của công ty khởi nghiệp Anh nhằm cung cấp năng lượng an toàn và ổn định.

Thỏa thuận đánh dấu mối quan tâm mới đối với hạt nhân trên toàn thế giới với các tập đoàn năng lượng lớn đang khám phá khả năng phát triển các giải pháp sáng tạo với các công ty khởi nghiệp như một giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.

Enel và Newcleo cho biết trong một tuyên bố: “Các giải pháp hạt nhân thế hệ IV có mục đích cung cấp nguồn điện an toàn và ổn định, đồng thời giảm đáng kể khối lượng chất thải phóng xạ hiện có”.

Newcleo có trụ sở tại London có kế hoạch thiết kế và xây dựng lò phản ứng nhanh loại nhỏ bằng chì đầu tiên được triển khai tại Pháp vào năm 2030.

Ý cấm năng lượng hạt nhân vào năm 1987 sau một cuộc trưng cầu dân ý quốc gia. Enel hiện có hơn 3,3 gigawatt (GW) công suất hạt nhân ở Tây Ban Nha và giữ cổ phần khoảng 33% trong công ty Slovenské Elektrárne của Slovakia, gần đây đã kết nối lưới điện với máy phát điện tuabin đầu tiên trong số hai máy phát điện tuabin của nhà máy điện hạt nhân Mochovce.

Úc đầu tư 4,29 tỷ USD vào năng lượng tái tạo trong quý IV/2022, gấp 10 lần 3 tháng trước đó

Hội đồng Năng lượng Sạch cho biết đầu tư vào năng lượng tái tạo và lưu trữ quy mô lớn tại Úc đã tăng tốc trong 3 tháng cuối năm 2022, tạo ra khoản đầu tư hàng quý lớn nhất trong hơn 4 năm.

Các nhà phát triển đã đưa ra các cam kết tài chính đối với năng lượng tái tạo và lưu trữ carbon với tổng trị giá 4,29 tỷ USD trong quý IV/2022, tăng gấp 10 lần so với 3 tháng trước đó. Sự bứt phá vào cuối năm đã nâng các cam kết đầu tư lên 6,2 tỷ USD cho năm 2022, tăng 17% so với năm trước.

Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ở Úc đang dựa vào số lượng dự án ít hơn nhưng quy mô lớn hơn, nếu theo dõi các xu hướng mới nhất. Năm ngoái, 15 dự án phát điện với tổng công suất lắp đặt 3,57 GW đã được phê duyệt tài chính. Hội đồng Năng lượng sạch cho biết vào năm 2021, tổng số dự án là 23 dự án với 3,06 GW.

Thanh Bình

 

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-ira-ho-tro-nang-luong-sach-cua-my-co-the-khien-eu-tut-hau-trong-cuoc-chay-dua-khu-carbon-680408.html