Hà Nội hướng tới nền giáo dục sáng tạo, thực chất

Năm học 2021-2022 là một năm ngành Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đối mặt với nhiều khó khăn do hệ lụy của đại dịch Covid-19, nhưng với tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cùng sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của học sinh, sinh viên, toàn ngành đã vượt qua thử thách, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.

Kết thúc năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT ghi nhận chất lượng giáo dục được củng cố, duy trì đối với tất cả các cấp học; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao với nhiều thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục đã có bước chuyển dài chưa từng có. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đối số giáo dục diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn để đáp ứng yêu cầu thực tế.

Năm học vừa qua, ngành GD-ĐT Thủ đô đã phấn đấu đặt mục tiêu kép vừa phòng dịch vừa đảm bảo chất lượng. Tính đến hết tháng 6-2022 Hà Nội có 2.835 trường học với hơn 2.206.906 học sinh; 138.090 giáo viên. Bên cạnh đó, Hà Nội có 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn với gần 1 triệu sinh viên, học viên. Thành phố có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 192.590 học viên. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.

Hà Nội hướng tới nền giáo dục sáng tạo, thực chất

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Nội là địa phương có nhiều sáng kiến đi đầu, tiên phong, tiêu biểu trong công tác GD&ĐT cả nước. Điểm nhấn của ngành GD&ĐT Hà Nội trong năm học vừa qua là đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; triển khai thực hiện hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ giáo viên, học sinh gặp khó khăn do dịch bệnh; tập trung đầu tư mạnh cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số….

Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 125 học sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 63 huy chương, giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Hà Nội có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%); 104 trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%, cao hơn năm trước 13 đơn vị.

Năm học 2021-2022, Hà Nội xây mới, thành lập mới 6 trường học; cải tạo, sửa chữa 45 trường; bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc. Các quận, huyện, thị xã đã xây mới, thành lập mới 45 trường học các cấp học; cải tạo, sửa chữa được 560 trường; bố trí 1.260 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu, đặc biệt thiết bị cho lớp 1 và lớp 6...

Hà Nội hướng tới nền giáo dục sáng tạo, thực chất

Bước vào năm học 2022-2023 với mong muốn hướng đến xây dựng nền giáo dục thực sự sáng tạo, thực chất, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề ra nhiều nhiệm vụ kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu chung của ngành GD&ĐT Việt Nam là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.

Hà Nội hướng tới nền giáo dục sáng tạo, thực chất

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu tại chương trình ‘Sóng và máy tính cho em’

Ngành GD&ĐT Hà Nội hiện nay đang tập trung thực hiện 6 giải pháp và 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông. Hà Nội sẽ đề cao và kiên trì thực hiện mục tiêu chất lượng, chủ động có kế hoạch giáo dục ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh; quan tâm chăm lo đội ngũ giáo viên; thực hiện công tác luân chuyển, bố trí giáo viên đúng sở trường, nâng cao năng lực nhà giáo; ban hành chính sách, cơ chế thu hút nhân tài về công tác tại Hà Nội, xây dựng cải tạo trường lớp; thực hiện tốt chương trình GDPT 2018; tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường…

Điểm đặc biệt cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT Thủ đô hiện nay là tập trung nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Trường chuẩn quốc gia không phải danh hiệu thi đua mà nó là cơ sở để tạo chất lượng, là giải pháp tiên quyết góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tính đến tháng 6-2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 64,3%; Hà Nội đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn thành phố có tỷ lệ trường công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia 80-85%; đồng thời, duy trì, giữ vững chất lượng các trường đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn 2022-2025, toàn thành phố phấn đấu tăng thêm từ 432 đến 552 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Tuấn Anh

Nguồn: Hà Nội hướng tới nền giáo dục sáng tạo, thực chất (petrotimes.vn)