Bảo vệ môi trường sinh thái biển vì sự sống con người

Thập kỷ khoa học biển được khởi động nhằm cảnh báo các tác động tiêu cực tới đại dương cũng như tạo động lực để phát triển và quản lý đại dương bền vững.

Đại dương bao phủ hơn 70% diện tích hành tinh, đó là nguồn sống của con người, hỗ trợ sự sống của nhân loại và của mọi sinh vật khác trên Trái Đất.

Đại dương sản xuất ít nhất 50% lượng oxy của hành tinh - nơi có đa dạng sinh học và là nguồn cung cấp protein chính cho hơn một tỉ người trên thế giới; là chìa khóa cho nền kinh tế với khoảng 40 triệu người đang làm việc trong các ngành công nghiệp dựa trên đại dương vào năm 2030.

Năm 2021 đã được UNESCO gọi là "siêu năm" đối với đại dương, bởi đây là năm khởi đầu cho một thập kỷ (2021 - 2030) của Liên Hợp Quốc đối với tất cả các quốc gia trên thế giới hướng về đại dương, không gian sinh tồn cuối cùng của con người trên trái đất, để cùng tìm hiểu, bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên giá trị này cho tương lai.

Do đó, cơ quan Liên Hợp Quốc đánh dấu năm 2021 với việc phát động "Cam kết to lớn đối với hành tinh xanh của chúng ta". UNESCO nhấn mạnh, Thập kỷ vì đại dương sẽ tạo cơ hội duy nhất cho các quốc gia hợp tác cùng nhau để thúc đẩy nền khoa học đại dương toàn cầu nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của không gian chung này.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cũng cho biết: “Việc bảo vệ và quản lý bền vững đại dương là rất cần thiết - đối với lương thực, sinh kế và giảm thiểu tác động của khí hậu cũng như các thảm họa liên quan”. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc nói thêm: “Việc khôi phục khả năng nuôi sống loài người và điều hòa khí hậu của đại dương là một thách thức lớn, đồng thời kêu gọi mọi người hòa bình với thiên nhiên để tạo ra một thế giới thịnh vượng và bình đẳng cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Vì vậy, “Thập kỷ khoa học biển” được khởi động nhằm cảnh báo các tác động tiêu cực tới đại dương cũng như tạo động lực về phát triển và quản lý đại dương bền vững. Dưới hàng loạt các tác động như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đánh bắt khai thác quá mức các loại thủy hải sản…, các nhà khoa học hy vọng rằng “Thập kỷ khoa học biển” trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030 sẽ hỗ trợ nhằm đảo ngược chu kỳ suy giảm sức khỏe sinh thái của đại dương và tạo điều kiện cải thiện, phát triển bền vững đại dương, biển và bờ biển.

Chung tay hành động trong bối cảnh dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trên khắp hành tinh. UNESCO cho rằng, điều này buộc nhiều người phải nhìn nhận lại rằng chúng ta cần dựa vào một nền kinh tế xanh đang phát triển để “đưa chúng ta trở lại” trên con đường phục hồi.

Chính vì thế, Ngày Đại dương thế giới 8/6 được Liên Hợp Quốc thông qua sẽ là cơ hội để giới thiệu những ý tưởng bảo tồn; thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm nay được lấy thông điệp là “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với ý nghĩa làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái đất.

Tại Việt Nam, để hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 cũng lấy chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, hàng loạt các chương trình, dự án của Việt Nam cũng đã được thúc đẩy thực hiện như sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”; triển khai giai đoạn 2 Đề án Tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, hải đảo giai đoạn 2020 - 2026 gồm 36 dự án, nhiệm vụ. 

Bộ TN&MT đưa ra những sáng kiến, chương trình nghiên cứu khoa học, kết nối hoạt động khoa học biển, kinh tế biển, môi trường biển giữa Việt Nam và thế giới, kết nối nhà quản lý, nhà khoa học với doanh nghiệp, người dân thông qua các hoạt động truyền thông cụ thể, là động lực thúc đẩy nền kinh tế biển Việt Nam dần chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh lam” và sớm đưa nước ta đạt được những thành tựu kinh tế biển xứng tầm tiềm năng đang có.

TS Tạ Đình Thi - Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh, các vùng ven biển và biển Việt Nam đang ngày càng bị đe dọa trước sự gia tăng của các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan như mực nước biển dâng, bão… Đồng thời, đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân. Điều này sẽ trực tiếp tác động tới cộng đồng ven biển vốn phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên thủy sản.

Do đó, cần có những chiến lược sinh kế biển cụ thể cho ngư dân trong tương lai. Đồng thời, đi đôi với khai thác kinh tế, chúng ta phải tính đến việc quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường là điều hết sức quan trọng để Việt Nam hướng tới các mục tiêu của thập kỷ, vì một “đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”. 

Thùy Linh

https://kinhtemoitruong.vn/bao-ve-moi-truong-sinh-thai-bien-vi-su-song-con-nguoi-56117.html