Nghiên cứu áp dụng công nghệ nhà máy điện ảo tại Việt Nam

Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ vừa phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo trực tuyến “Nghiên cứu áp dụng công nghệ nhà máy điện ảo tại Việt Nam”.

Chủ trì hội thảo là ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực và ông Markus Bissel, Giám đốc dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE) của GIZ. 

Công nghệ nhà máy điện ảo (Virtual power plant-VPP) là một trong những công nghệ lưới điện thông minh đang nổi lên như một công cụ hữu hiệu để quy tụ, tổng hợp các nguồn năng lượng tái tạo phân tán thành một nhà máy điện (ảo) duy nhất.

Công nghệ này hiện đã có mặt tại một số nước thế giới có tỷ trọng cao và tích hợp thành công năng lượng tái tạo vào lưới điện. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc áp dụng đầy đủ chức năng của công nghệ này để hỗ trợ quản lý, giám sát, dự báo tập trung và thực hiện các chức năng khác của các nguồn năng lượng tái tạo phân tán trong hệ thống điện và thị trường điện.  


Công nghệ nhà máy điện ảo giúp quy tụ, tổng hợp các nguồn năng lượng tái tạo phân tán thành một nhà máy điện (ảo) duy nhất. (Ảnh minh họa)

Tại buổi hội thảo, các diễn giả gồm nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế và trong nước đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về các đặc điểm chính của của mô hình nhà máy điện ảo; xem xét những mô hình thành công của quốc tế; đánh giá tình hình của các trung tâm điều khiển từ xa (OCC) cho nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam, sự khác nhau giữa chức năng của OCC và nhà máy điện ảo; giải pháp quản lý nguồn năng lượng tái tạo và ứng dụng tại Việt Nam; đề xuất việc thử nghiệm mô hình nhà máy điện ảo tại Việt Nam.  

Theo các chuyên gia, giai đoạn thử nghiệm mô hình nhà máy điện ảo được coi là một điểm khởi đầu lý tưởng giúp đánh giá hiệu suất kỹ thuật, các ứng dụng khác nhau của mô hình, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, ban hành khung pháp lý phù hợp.  

Các chuyên gia đề xuất, việc áp dụng, thử nghiệm mô hình nhà máy điện ảo nên được thực hiện sớm tại Việt Nam với quy mô và thời gian thích hợp để từ đó các đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện cũng như Cục Điều tiết Điện lực có cơ sở xem xét, ban hành các quy định pháp lý, quy định kỹ thuật vận hành để đưa mô hình này vào hoạt động hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo phân tán vào lưới điện tại Việt Nam. 

Việc nghiên cứu công nghệ nhà máy điện ảo là một trong những nhiệm vụ chính của dự án hợp tác kỹ thuật song phương SGREEE do Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam và Tổ chức GIZ (dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên Bang Đức (BMZ) phối hợp thực hiện.

Lan Anh