Chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng gió ngoài khơi

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Năng lượng gió ngoài khơi - Chia sẻ từ góc nhìn của các chuyên gia tại châu Âu sẽ được tổ chức vào ngày 28/5 tới.

Tọa đàm do Tek Com (tên đầy đủ là Vietnamese Technology Community in Europe) tổ chức. Tek Com được thành lập bởi Hội cựu sinh viên khối ngành Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại châu Âu với mong muốn góp phần tạo ra cộng đồng giao lưu, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm làm việc và cơ hội hợp tác phát triển trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Tek Com hướng tới việc khuyến khích phát triển các dự án, giúp các thành viên của Hội được cập nhật kiến thức và phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật Việt Nam và châu Âu. 

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: TS. Đỗ Minh Thắng, Trưởng bộ phận năng lượng, Công ty Meteodyn, Pháp; TS. Huỳnh Đạt Vũ Khoa, cố vấn cấp cao về địa kỹ thuật của Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI), Giám đốc Mạng lưới Năng lượng và Biển thuộc Tổ chức Khoa học & Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global); TS. Đinh Văn Nguyên, Global Head of Hydrogen & Principal Ireland & Viet Nam, Công ty Tư vấn Điện gió ngoài khơi (OWC), Tập đoàn ABL.

Ba diễn giả sẽ lần lượt đem đến những góc nhìn khái quát về các trang trại điện gió ngoài khơi, đánh giá tiềm năng điện gió, quy hoạch và phát triển đa ngành cho các dự án ngoài khơi trong đó có điện gió.

Cụ thể, TS. Đỗ Minh Thắng sẽ mở đầu tọa đàm với phần diễn thuyết về sử dụng hình ảnh radar vệ tinh để đánh giá tiềm năng gió cho các dự án ngoài khơi. Khác với các dự án điện gió trên bờ, việc lắp đặt các cột đo gió đối với các dự án điện gió ngoài khơi là không khả thi hoặc rất tốn kém ở các vùng biển sâu. Do đó, để đánh giá tiềm năng gió hiện nay, hai kỹ thuật được sử dụng phổ biến là Lidar nổi (Floating Lidar) và mô hình khí quyển (atmospheric model). 


Ảnh minh họa

Phần trình bày của ông Đỗ Minh Thắng sẽ giới thiệu một kỹ thuật rất mới, được Meteodyn và Tập đoàn CLS nghiên cứu và phát triển. Kỹ thuật này sử dụng hình ảnh radar khẩu độ tổng hợp (Synthetic aperture radar - SAR) để đo độ nhám của bề mặt biển, từ đó tính toán, xác định tốc độ và hướng gió. Kỹ thuật này được kỳ vọng là sẽ có độ chính xác cao hơn nhiều lần so với việc sử dụng mô hình khí quyển và chi phí rẻ hơn nhiều lần so với việc sử dụng Lidar nổi. Một ưu điểm nổi bật khác là sẽ không mất thời gian thu thập dữ liệu Lidar nổi (tối thiểu 1 năm) và góp phần rút ngắn tiến độ dự án.

Trong phần tiếp theo của hội thảo, TS. Huỳnh Đạt Vũ Khoa sẽ chia sẻ về xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới, tài nguyên gió ở Việt Nam và hai trong số các yếu tố quan trọng giúp tối ưu giá thành khai thác gió ngoài khơi. 

Yếu tố đầu tiên liên quan đến việc cần có chiến lược hiệu quả để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi. Các giai đoạn phát triển tại một số nơi tại châu Á (Đài Loan, Hàn Quốc...) sẽ được trình bày nhằm cung cấp một số gợi ý và kinh nghiệm cho việc xây dựng chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam tốt hơn.

Ông Huỳnh Đạt Vũ Khoa sẽ giới thiệu yếu tố thứ hai thông qua việc làm rõ câu hỏi đâu là những thách thức và giải pháp tiềm năng cho việc giảm giá thành nền móng của công trình điện gió ngoài khơi để từ đó tối ưu giá thành phát triển. Gió ngoài khơi đã trở thành một nguồn năng lượng tái tạo đáng kể trong thập kỷ qua, tuy nhiên liệu công trình điện gió ngoài khơi có ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội khác không? Ông Huỳnh Đạt Vũ Khoa sẽ giải đáp câu hỏi này trong bài trình bày tại tọa đàm.

Trong phần thứ ba của buổi tọa đàm, TS. Đinh Văn Nguyên sẽ trình bày về kinh nghiệm quy hoạch, phát triển đa ngành và dài hạn điện gió ngoài khơi. Trên cơ sở các dự án tại Ai-len và các nước châu Âu, tiến sĩ Đinh Văn Nguyên sẽ liên hệ đến Việt Nam về phát triển các trung tâm nghiên cứu thử nghiệm năng lượng tái tạo ngoài khơi, làm thế nào để giảm giá thành điện gió ngoài khơi đồng thời giảm thiểu rủi ro, phát triển năng lượng hydrogen từ điện gió ngoài khơi cũng như xây dựng và thực hiện quy hoạch không gian biển, tích hợp các quy hoạch liên quan được tốt nhất nhằm đem lại lợi ích lớn nhất và bền vững nhất cho cộng đồng, nền kinh tế và các bên liên quan. 

Tọa đàm sẽ khép lại bằng phần thảo luận giữa các diễn giả và khách tham dự sự kiện. Trong khoảng 2 giờ diễn ra sự kiện, tọa đàm hy vọng có thể đem đến một cái nhìn tổng quan về khoa học công nghệ, chính sách phát triển và quy hoạch các các dự án điện gió ngoài khơi tại các nước châu Âu và châu Á. 

Lan Anh

https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Chia-se-kinh-nghiem-phat-trien-nang-luong-gio-ngoai-khoi-6-164-16507