Cần sớm hoàn thiện chính sách để khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi

Nhằm thúc đẩy điện gió ngoài khơi, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Sebastian Hald Buhl – Giám đốc quốc gia của Ørsted tại Việt Nam.

Ông có thể đánh giá như thế nào về tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam? Lợi ích mà nó mang lại là gì?

Việt Nam có tài nguyên về điện gió thuộc loại tốt nhất thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá điện gió ngoài khơi là tốc độ gió lớn, ổn định trong thời gian dài, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, Nam bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận. Bên cạnh đó là những điều kiện khác như đáy biển, độ sâu mặt nước. Những yếu tố này cho phép xây dựng những dự án lớn với công nghệ, giá cạnh tranh.

Với hơn 3000 km bờ biển, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi, kể cả ở khu vực miền Bắc. Đây cũng là lý do Ørsted lựa chọn Việt Nam để đầu tư.

Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích khi phát triển điện gió ngoài khơi vì đây là một nguồn năng lượng tái tạo nhưng khác với điện mặt trời và điện gió trên bờ vì tốc độ gió tốt hơn nhiều, dễ dự báo cho theo ngày (kinh nghiệm từ vương quốc Anh), dễ tích hợp trong hệ thống, điều này sẽ giúp hệ thống điện hoạt động ổn định hơn, huy động được sản lượng có thể tương đương với nhiệt điện than, điện khí.

Một đặc điểm của điện gió ngoài khơi là quy mô lớn, ví dụ như dự án Tuy Phong của Ørsted đang triển khai có thể cung cấp điện cho 7 triệu hộ dân mỗi năm, giúp phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như của quốc gia.

Điện gió ngoài khơi có quy mô công suất 1 GW có thể thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 2,5 tỷ USD, tạo 15.000 việc làm chất lượng cao, đóng góp cho ngân sách. Ngoài ra còn tạo nhiều cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp năng lượng; phát triển và chuyển đổi chuỗi cung ứng trong ngành dầu khí, đóng tàu. Ví dụ như 25 % trụ tháp điện gió tại các dự án của Ørsted trong 6 năm qua đã được sản xuất tại Việt Nam.

Lợi ích nữa mà điện gió ngoài khơi mang lại là góp phần quan trọng cho Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.


Trang trại điện gió ngoài khơi Borssele 1 & 2 với công suất 752 MW là dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất ở Hà Lan và là trang trại điện gió ngoài khơi đang hoạt động lớn thứ hai trên thế giới. (Ảnh Ørsted)

Xin ông cho biết lý do vì sao Ørsted quan tâm đến việc đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Ưu điểm và kế hoạch của Ørsted tại Việt Nam là gì?

Có nhiều lý do để chúng tôi chọn Việt Nam như: Tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn; nền kinh tế Việt Nam đang có tốc độ phát triển, tăng trưởng nhanh, nhu cầu năng lượng lớn; Nền kinh tế, chính trị rất ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư như Ørsted dự kiến đầu tư hàng tỷ USD; Chủ trương phát triển điện gió ngoài khơi được sự ủng hộ tích cực bởi Chính phủ.


Ông Sebastian Hald Buhl - Giám đốc Quốc gia của Tập đoàn Ørsted tại Việt Nam

Bên cạnh đó, Việt Nam có thị trường năng lượng lớn, và chúng tôi muốn có mặt tại thị trường này.

Với chiến lược đầu tư dài hạn, năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn, quan điểm và cam kết của Ørsted là đầu tư xây dựng, vận hành cho đến hết vòng đời của dự án (Một dự án điện gió ngoài khơi có vòng đời khoảng 30-35 năm) chứ không xin dự án rồi chuyển nhượng cho đối tác khác. Chúng tôi cam kết làm đúng chất lượng, tiến độ và sẽ làm những gì chúng tôi nói.

Về kế hoạch của Ørsted tại Việt Nam, chúng tôi đã hợp tác với đối tác trong nước để xây dựng danh mục đầu tư các dự án tại Hải Phòng, Thái Bình (phía Bắc) và Ninh Thuận và Bình Thuận (phía Nam) với tiềm năng khoảng 20 GW. Tuy nhiên con số này sẽ phát triển trong nhiều năm, nhiều giai đoạn tuỳ thuộc vào quy hoạch cũng như quyết định của nhà nước.

Giai đoạn đầu tiên, chúng tôi dự kiến sẽ đưa vào vận hành 1GW điện gió ngoài khơi vào trước năm 2030 tại Tuy Phong và 1,3 GW tại Hải Phòng. Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn đang chờ giấy phép khảo sát khu vực dự án.

Khi phát triển dự án, chúng tôi cũng mong muốn khởi động một ngành công nghiệp mới tại Việt Nam. Hiện, chúng tôi đã hợp tác với nhiều đối tác trong nước như Viện dầu khí Việt Nam, Viện Năng lượng của Bộ Công Thương, Tư vấn điện 3; hợp tác các nhà cung cấp địa phương để mời họ tham gia chuỗi cung ứng.

Ưu thế thứ nhất của Ørsted là nhà đầu tư dài hạn, có năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm triển khai nhiều dự án ở Châu Âu và khu vực châu Á.

Thứ hai, chúng tôi có hơn 3.000 nhân viên chuyên nghiệp về điện gió ngoài khơi, gấp hơn 6 lần so với các công ty cùng lĩnh vực. Điều này đã giúp các dự án của Ørsted triển khai đúng tiến độ và ngân sách. Đơn cử như trong 2 năm 2021 và năm 2022, dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng những dự án của Ørsted vẫn đáp ứng tiến độ, đặc biệt là hoàn thành đúng hạn các dự án lớn nhất, nhì và ba thế giới về điện gió ngoài khơi.

Thứ ba, Ørsted cam kết sử dụng và hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng địa phương. Hiện chúng tôi đã tìm kiếm và đã tiến hành hơn 100 cuộc trao đổi với với các nhà cung ứng tiềm năng cùng đội ngũ chuyên viên thực hiện chuỗi cung ứng.

Thứ tư, Ørsted có khả năng kết nối đưa các hãng công nghệ lớn trên thế giới cùng đồng hành dự án tại Việt Nam; Đồng thời, chúng tôi mong muốn học hỏi, hiểu văn hoá và có quan hệ tốt với đối tác địa phương.

Ngoài những yếu tố kỹ thuật, công nghệ, nhiều người còn lo ngại về chi phí đầu tư điện gió ngoài khơi. Với kinh nghiệm và khảo sát của Ørsted, ông có thể chia sẻ thêm về chi phí đầu tư vào điện gió ngoài khơi tại Việt Nam?

Chúng tôi đã nghiên cứu so sánh chi phí hoà vốn của các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam dựa trên giá nhiên liệu của thị trường cho nhà máy điện khí hoá lỏng và than. (Số liệu từ Bộ Công Thương và thị trường thế giới).

Ví dụ như chi phí hoà vốn phát điện từ khí hoá lỏng vào khoảng 157 USD/1 MWh; đối với than là 104 USD/1 MWh. Nếu so sánh giá FIT đã hết hạn năm ngoái (98 USD) thì chi phí này đã thấp hơn. Nếu phát triển điện gió ngoài khơi nếu quy mô đủ lớn, giá cả sẽ cạnh tranh hơn, kể cả so với giá FIT đã hết hạn.

Nếu so sánh chi phí LNG dài hạn, dự báo giá điện từ khí LNG năm 2021 là 81 USD/MWh (theo thông tin từ Bloomberg), số liệu của Bộ Công Thương dự báo với tình trạng giá khí tăng cao, giá điện từ khí LNG vào năm 2025-2030 là 92 USD/1MWh; năm 2031 -2045 giá điện từ khí LNG là 90 USD/1MWh.

Với công nghệ ngày càng phát triển, điện gió ngoài khơi ngày càng cạnh tranh và có xu hướng giảm. Ví dụ tại Anh và nhiều quốc gia khác, trong vòng 7 năm, giá điện gió ngoài khơi đã giảm 60-70%. Tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy giá FIT đã hết hạn cho điện gió ngoài khơi đã tiệm cận với giá điện từ LNG theo dự đoán và trong trường hợp nếu qua thời gian chi phí cho điện gió ngoài khơi chỉ giảm 10-30% thì cũng đã thấp hơn đáng kể so với LNG.

Với tiềm năng gió và lợi thế như đã đề cập ở trên, chúng tôi cho rằng, giá điện gió ngoài khơi chắc chắn sẽ đi xuống. Vấn đề hiện nay là sớm đưa ra khung pháp lý để tạo điệu kiện cho các dự án lớn đầu tiên sớm triển khai.


Hornsea 1 là trang trại Điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới do Ørsted xây dựng tại Vương quốc Anh, nằm cách bờ biển Yorkshire khoảng 120 km. Trang trại điện gió bao gồm 174 tuabin gió Siemens Gamesa 7 với tổng công suất 1.218 MW, đủ để cung cấp năng lượng cho hơn một triệu ngôi nhà ở Anh. (Ảnh Ørsted)

Để phát triển điện gió nói chung, điện gió ngoài khơi, cần rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên điện gió ngoài khơi là lĩnh vực rất mới tại Việt Nam, ông có khuyến nghị gì để Việt Nam thúc đẩy lĩnh vực này?

Một dự án điện gió ngoài khơi cần 7-10 năm để hoàn thành bao gồm nhiều khâu như đánh giá tác động môi trường cần 2-3 năm; khảo sát, nghiên cứu địa chất; thiết kế, sản xuất các cấu phần cần khoảng 3-4 năm; xây dựng, lắp đặt cần khoảng 2-3 năm.

Với mục tiêu 7 GW vào năm 2030 trong dự thảo Quy hoạch 8, thời gian vẫn khả thi nhưng cần bắt đầu ngay từ bây giờ từ việc cấp phép khảo sát địa chất và đưa ra cơ chế rõ ràng.

Theo chúng tôi, có những yếu tố quan trọng để khai mở tiềm năng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Thứ nhất là mục tiêu 7 GW đến 2030 trong Quy hoạch điện 8 là khá tham vọng; Thứ hai là cần khung pháp lý rõ ràng và sớm vì điện gió ngoài khơi rất phức tạp, đầu tư lớn. Trong đó chúng tôi cần biết quy trình thủ tục, thời cấp phép, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm; Thứ ba, tại Việt Nam cơ chế giá FIT đối với điện gió ngoài khơi đã không còn hiệu lực. Theo kinh nghiệm của Ørsted, cần phải mất 4-5 năm để hoàn thiện khung đấu giá, đấu thầu cho năng lượng tái tạo, do đó Việt Nam cần đưa ra cơ chế chuyển tiếp cạnh tranh ở giữa khoảng thời gian này là trao thầu cho dự án quy mô lớn với hợp đồng mua bán điện dài hạn để thúc đẩy điện gió ngoài khơi trước khi hệ thống đấu giá hoàn thiện và áp dụng.

Cuối cùng, Chính phủ cần ưu tiên thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi tích cực hơn nữa, tăng tốc quy trình cấp phép, chỉ đạo tăng cường phối hợp, điều phối giữa các bộ/ban ngành, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm triển khai dự án.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

PV

https://congthuong.vn/can-som-hoan-thien-chinh-sach-de-khai-thac-tiem-nang-dien-gio-ngoai-khoi-182094.html