Đắk Lắk hướng tới trở thành trung tâm năng lượng tái tạo tại Tây Nguyên với điện gió

Với tiềm năng to lớn về phát triển điện năng lượng tái tạo, trong có đó điện gió, Đắk Lắk đang trở thành tâm điểm thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Tỉnh Đắk Lắk hiện hướng tới trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực Tây Nguyên với điện gió.

Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam 4.000 MW dự kiến sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 3.000 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách tỉnh Đắk Lắk

Giữa tháng 8 vừa qua, Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam 4.000 MW tại huyện Ea H’leo đã đóng điện thành công lên đường dây 500 kV. Đây là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và cũng là dự án nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam Đắk Lắk 1 – chủ đầu tư dự án cho biết nhà máy sẽ bổ sung khoảng 1.173,6GWh vào nguồn điện quốc gia.

Đồng thời, trong thời gian thực hiện, nhà máy sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 3.000 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách của địa phương, dự kiến nộp thuế giá trị gia tăng khoảng 250 tỷ đồng/năm cũng như tạo ra hàng trăm việc làm mới cho người lao động địa phương.

Trước đó, Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo với công suất 28,8 NW và tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng (giai đoạn 1) do Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng gió (HBRE) triển khai đã trở thành nhà máy điện gió đầu tiên đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dự kiến, HBRE sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (công suất 110 MW) và giai đoạn 3 (300 MW) trong năm 2022.

Theo nhận định của các chuyên gia, tỉnh Đắk Lắk có điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể, điện gió có thể đạt quy mô công suất hàng chục nghìn MW, tập trung tại khu vực phía Bắc của tỉnh với tốc độ gió đạt 6 m/s trở lên; điện mặt trời có thể khai thác với công suất 16.000 MWp nhờ lượng bức xạ mặt trời trung bình đạt 4,7 – 5 kWWh/m2/ngày. Về điện sinh khối, với nguyên liệu dồi dào từ các phụ phế phẩm nông nghiệp như bã mía (gần 8 triệu tấn) và từ cuống sắn (2,5 triệu tấn), có thể sản xuất điện đạt công suất 120 MW.

Bên cạnh các cơ chế, chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ về phát triển năng lượng tại tạo, nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, hướng tới trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực Tây Nguyên với điện gió, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 15/7/2020 về phát triển năng lượng tái tạo tại tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là "cú hích" lớn về cơ chế, tạo động lực phát triển năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Để đạt được mục tiêu này, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Lắk đang tập trung xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và liên tục, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải điện. Đồng thời, tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Theo nhận định của UBND tỉnh Đắk Lắk, việc đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành khai thác các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió trong thời gian qua đã bổ sung nguồn điện ổn định và sạch cho hệ thống điện quốc gia khoảng 3,5 - 4 tỷ kWh/năm, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm cung cấp điện cho tỉnh Đắk Lắk và khu vực kinh tế trọng điểm vùng Tây Nguyên cũng như an ninh năng lượng quốc gia.

Với những tiềm năng và sự ưu đãi về cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo trong và ngoài nước đã chọn Đắk Lắk là địa phương để phát triển các dự án, nhất là dự án điện gió với 47 dự án đăng ký đầu tư, tổng công suất khoảng 10.000MW.

Các dự án năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, giúp người dân trực tiếp thụ hưởng các tiện ích từ điện sạch, hệ thống đường giao thông được bê tông hóa và các công trình phúc lợi mà các dự án mang lại … góp phần ổn định kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

Đồng thời, các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn khi đi vào hoạt động sẽ tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau đẩy mạnh đầu tư vào địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

 


Minh Quân

http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/dak-lak-huong-toi-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-tai-tao-tai-tay-nguyen-voi-dien-gio-85044.htm