Chính sách phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng hydrogen xanh tại Việt Nam

Chính sách phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng hydrogen xanh tại Việt Nam là những chủ đề chính tại phiên đối thoại Việt Nam – Đức về năng lượng vừa diễn ra tại Hà Nội.

Từ ngày 28 đến 30/11, đại diện Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) - bà Nicole Glahnemann, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Năng lượng và Khí hậu tại khu vực châu Á có chuyến thăm và làm việc với Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ban, ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong ngành năng lượng tại Việt Nam. 

Trong chuyến thăm, bà Nicole Glahnemann đã tham gia phiên đối thoại có chủ đề “Xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam” cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương. Phiên đối thoại thu hút hơn 80 đại biểu từ các Bộ ban ngành liên quan như Cục Điều tiết điện lực, Vụ Than và Dầu khí (Bộ Công Thương), các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp và trường đại học trong cả nước tham gia. Sự kiện cũng thu hút hơn 400 người theo dõi trên nền tảng trực tuyến.

Các kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng khung chính sách phát triển năng lượng tái tạo đã được chia sẻ tại sự kiện. Theo đó, luật năng lượng tái tạo cần gắn với chiến lược trong dài hạn của quốc gia và toàn cầu, thống nhất với chính sách ngành cũng như chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng. Nội dung của luật cần ổn định, không thay đổi trong vài năm hoặc nhiều thập kỷ và cần quan tâm đến an toàn đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân. 

Đức và Việt Nam cùng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 lần lượt vào năm 2045 và 2050. Trên thế giới đã có 136 quốc gia cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. Theo chiến lược của nước Đức, có 5 trụ cột chiến lược chính để hiện thực hóa mục tiêu này bao gồm: thúc đẩy năng lượng tái tạo; loại bỏ nhiên liệu than; tăng cường hiệu quả năng lượng; điện hóa ngành giao thông vận tải, nhiệt, công nghiệp; và phát triển hydrogen sạch. Việc phát triển chính sách liên tục đã góp phần thúc đẩy việc triển khai năng lượng tái tạo ở Đức với tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo chiếm gần 50% trong sản lượng điện hiện nay. 

Chương trình đối thoại “Xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam”

Tại phiên đối thoại, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về tiềm năng phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam. Hydrogen xanh là công nghệ quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và là giải pháp tối ưu cho các lĩnh vực khó giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam có nhiều điều kiên thuận lợi để sản xuất hydrogen xanh nhưng sẽ cần chính sách và quan hệ đối tác để đảm bảo thành công. 

Bên cạnh đó, phần lớn năng lực sản xuất hydrogen phục vụ xuất khẩu có thể sẽ hình thành dựa trên quan hệ đối tác song phương với các điều kiện tài chính ưu đãi và hợp đồng cung ứng dài hạn. Theo cách tiếp cận này, Việt Nam có thể có chi phí sản xuất đủ thấp để cạnh tranh trên thị trường thế giới 

Bà Nicole Glahnemann khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam và Đức cùng hướng tới mục tiêu tham vọng về Net Zero, nước Đức hy vọng có thêm nhiều hoạt động hợp tác song phương với Việt Nam để nắm bắt cơ hội, vượt qua các thách thức trong tiến trình chuyển dịch năng lượng xanh, hướng tới sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội của quốc gia.

Cẩm Hạnh

Nguồn: Chính sách phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng hydrogen xanh tại Việt Nam (nangluongsachvietnam.vn)