Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Giá khí đốt tăng gần 300%, còn điều gì tồi tệ hơn?

Giá khí đốt bán buôn ở châu Âu đã tăng gần 300% trong năm qua do lượng dự trữ thấp bất thường, trong bối cảnh nhu cầu gia tăng từ các nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và một nguồn cung không được đảm bảo từ Nga.

Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Giá khí đốt tăng gần 300%, còn điều gì tồi tệ hơn?

Năm mới đã đến, nhưng những vấn đề cũ trong cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhẹ.

Chuyện của châu Âu: Chính sách năng lượng thất bại?

Châu Âu vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với những biến động không ngừng trên các thị trường khí đốt, khiến toàn khu vực lo ngại diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng năng lượng có thể còn tồi tệ hơn.

Lời cảnh báo về một mùa Đông rất lạnh do hiện tượng La Nina đã được cảnh báo từ lâu. Nhưng vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực này vẫn khó thực hiện bởi mức giá tăng chưa từng thấy. Một mùa Đông rất lạnh đã đến, nhưng cũng chưa bao giờ các cơ sở lưu trữ nhiên liệu chứa khí đốt tự nhiên của châu Âu lại trống rỗng như vậy.

Người đứng đầu Hiệp hội các nhà điều hành hệ thống lưu trữ khí và Hydro của Đức (INES) Sebastian Bleschke tuyên bố, nếu không tăng nhập khẩu thêm từ Nga, các cơ sở lưu trữ khí đốt sẽ chỉ còn 15% trữ lượng trong tháng 2, sau đó thì việc cung cấp khí đốt cho tất cả các khách hàng, bao gồm các nhà máy điện sẽ ngừng hoạt động.

Ngay đầu tháng này và cũng là tuần đầu tiên của năm mới 2022, giá khí đốt tại Trung tâm giao dịch khí đốt tự nhiên (TTF) của Hà Lan vẫn tiếp tục cao hơn khoảng 5%, có thời điểm lên tới 93,3 Euro cho mỗi MWh, các hợp đồng giao tháng 3 và 4 cũng tăng khoảng 5%, theo New York’s Intercontinental Exchange.

Chia sẻ quan điểm với CNBC, Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo nhận định, giá khí đốt ở EU và Anh vẫn phụ thuộc vào thời tiết và tốc độ vận chuyển và Nga.

“Vào những ngày đầu năm, giá khí đốt đã tiếp tục có xu hướng tăng trở lại do dự báo thời tiết sẽ lạnh hơn khiến nhu cầu sưởi ấm tăng lên, trong bối cảnh nguồn cung rất thấp từ Nga, đặc biệt là lượng khí đốt cung cấp từ hai đường ống quan trọng qua Ba Lan và Ukraine”, chuyên gia Hansen nhận định.

Liệu Nga có cố tình giữ nguồn cung để gây sức ép về sự chậm trễ phê duyệt đường ống Nord Stream 2 và cuộc khủng hoảng biên giới Ukraine hay không là điều khó nói. Nhưng tình hình cho thấy rõ các chính sách năng lượng và lưu trữ năng lượng thất bại ở châu Âu và Anh, khiến khu vực này phụ thuộc ngày càng nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là mức độ sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa đáng tin cậy.

Hiện tại, hơn 40% khí đốt tự nhiên của châu Âu do Nga cung cấp. Đây là một lý do rất đáng để Moscow không bỏ qua các cơ hội “chơi đùa” với nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu và cũng để “đánh tiếng” tới các cấp có thẩm quyền ở khu vực nhằm mục tiêu “khơi thông” những thủ tục cuối cùng cho phép Dự án Nord Stream 2 - tuyến đường ống thứ hai vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu, được khởi động. Và tình hình càng căng thẳng thì càng cho thấy ai đang “nắm đằng chuôi” trong cuộc chơi khí đốt này.

Tất nhiên, lý do cho tình trạng khủng hoảng giá khí đốt hiện tại ở châu Âu không hoàn toàn do các chính sách khí hậu của các nước trong khu vực này, nhưng đó là một lời cảnh báo rằng, phần lớn các nguồn cung cấp năng lượng cho của lục địa đang kém an toàn hơn so với trước đây.

“Cuộc đua Net Zero” với tốc độ khử carbon quá nhanh là một phần nguyên nhân dẫn đến sự hoảng loạn của thị trường năng lượng, nhưng chính nó đang mang nặng tính tự mãn của một số nền kinh tế.

Gió không phải lúc nào cũng thổi, mặt trời không phải lúc nào cũng tỏa sáng
Để giải quyết được vấn đề năng lượng của châu Âu hiện nay, thì một lời nhắc nhở hữu ích là chính sách năng lượng hướng đến bảo vệ môi trường cần phải có một lộ trình cụ thể.

Châu Âu đang đi đầu trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng, đóng cửa các cơ sở sản xuất năng lượng truyền thống để chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, nhưng đồng nghĩa với nó là sự phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng tái tạo. Đúng, năng lượng gió và mặt trời… sạch hơn nhưng thực tế là “gió thì không phải lúc nào cũng thổi và mặt trời không phải lúc nào cũng tỏa sáng".

Đơn giản là chúng ta vẫn chưa ở giai đoạn mà năng lượng tái tạo có thể lấp đầy khoảng trống bị bỏ lại do việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Và không dễ để dự đoán chính xác khi nào đến giai đoạn chuyển đổi hoàn toàn. Và việc ấn định thời gian chính xác để đạt được Net Zero ròng là rất đáng khích lệ, nhưng có một bài học mà chúng ta cần nhận thức rõ sau thế kỷ 20 là khi các nhà hoạch định chiến lược phớt lờ thực tế, thì thảm họa sẽ theo sau.

Một số người cho rằng, những khó khăn hiện tại chính là lý do để đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo.

Đây là một lập luận dựa trên quan niệm rằng, khi sở hữu nguồn năng lượng tái tạo dồi dào thì sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng khác. Ở một góc độ nào đó, đây là một lập luận không sai, tuy nhiên, vấn đề là vẫn không giải quyết được khả năng gián đoạn nguồn cung. Nếu gió không thổi, thì việc có bao nhiêu tua bin gió đã được lắp đặt chẳng có nghĩa lý gì.

Bởi vậy, nên chăng thay vì đổ nhiều tỷ USD vào việc lắp đặt một công nghệ chưa sẵn sàng, chưa đúng thời điểm, thì tốt hơn là tăng tài trợ cho nghiên cứu để tìm ra cách giải quyết các vấn đề còn tiềm ẩn, chẳng hạn tìm ra cách bù đắp khi nguồn cung bị gián đoạn. Khi đó, chi phí sẽ ít tốn kém hơn và việc sử dụng tài nguyên sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Theo Ed Morse, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Citigroup, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu là một kịch bản dự báo về những gì nước Mỹ sẽ phải đối mặt trong 10 năm tới, khi nước này chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn.

“Chúng ta chỉ đang ở trong cuộc khủng hoảng đầu tiên của quá trình chuyển đổi năng lượng”, chuyên Morse chia sẻ dự báo này trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV.

Theo đó, việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch là một “sự kiện sẽ gây xáo trộn, rối loạn và thậm chí sẽ tạo ra sự bất hòa trong nước và quốc tế - nhưng đổi lại, nó sẽ tạo ra bước tiến bộ vượt bậc.

Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi nửa sau của câu chuyện dài về chuyển đổi năng lượng. Giả sử chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đi theo hướng hiện tại, rất có thể phần còn lại trong hành trình tìm nguồn năng lượng của nước Mỹ không tươi đẹp, thậm chí những gì vị chuyên gia của Citigroup dự báo đã quá nhẹ nhàng.

Chắc chắn, quá trình chuyển đổi sẽ “gây xáo trộn” và “khó chịu” và những tác động đến nền kinh tế, xã hội và địa chính trị cũng không thể nhẹ nhàng, nếu định hướng hiện tại của chính sách khí hậu được duy trì. Giá năng lượng đang tăng vọt và đó có thể là dấu hiệu của những điều sắp xảy ra.

Xu hướng giá này có thể được đổ lỗi cho nhiều nguyên nhân, bao gồm nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, sản lượng điện tái tạo sụt giảm do thiếu gió ở châu Âu trong phần lớn năm 2021 và các chính sách khí hậu ngày càng tốn kém.

Nhưng khi đại dịch kết thúc và gió sẽ thổi trở lại, các chính sách khí hậu nhằm đạt được mức phát thải ròng “Net Zero” sẽ vẫn tiếp tục tăng giá.

Năm 2008, chính cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận rằng, giá điện sẽ tăng vọt theo các chính sách khí hậu do ông đề xuất.

Ông đã thẳng thắn rằng, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến chúng đắt hơn để thúc đẩy mọi người hướng tới các lựa chọn thay thế xanh đắt hơn và kém hiệu quả hơn. . . Bởi vậy, chi phí sẽ tiếp tục tăng khi các nền kinh tế theo đuổi mức phát thải ròng bằng không trên toàn cầu.

Theo tính toàn của Bank of America, việc đạt được Net Zero trên toàn cầu vào năm 2050 sẽ tiêu tốn 150 nghìn tỷ USD trong vòng 30 năm - gần gấp đôi GDP toàn cầu. Và chi phí hàng năm là 5 nghìn tỷ USD - nhiều hơn tất cả các chính phủ và hộ gia đình trên thế giới chi cho giáo dục.