Quảng Trị cho doanh nghiệp thuê đất triển khai dự án điện gió gần 2.000 tỉ đồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Hà Sỹ Đồng vừa ký quyết định số 457/QĐ-UBND ngày 25/2/2021 về việc cho Công ty Cổ phần Điện gió Liên Lập thuê đất để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Liên Lập với thời hạn 50 năm.

Cụ thể, UBND tỉnh đồng ý cho Công ty Cổ phần Điện gió Liên Lập thuê 310.121,3 m2 đất thuộc địa bàn 2 xã Tân Lập và Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với mục đích thực hiện dự án. Trong đó phần diện tích đất thuộc địa bàn xã Tân Lập 259.112,0 m2; tại xã Tân Liên 51.009,3 m2.

Thời gian cho doanh nghiệp thuê đất đến ngày 24/1/2069, theo hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm để triển khai dự án Nhà máy Điện gió Liên Lập.

Nhà máy điện gió Liên Lập được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 254/UBND-CN, có diện tích sử dụng đất khoảng 48ha, tại xã Tân Lập, xã Tân Liên và thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa).

Dự án được thiết kế 12 tuabin gió với tổng công suất 48MW, điện lượng trung bình 158,8GWh/năm. Dự án Nhà máy điện gió Liên Lập có tổng vốn đầu tư hơn 1.973 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần điện gió Liên Lập làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành phát điện vào quý III/2021.
Ngoài ra, vị trí ranh giới thuê đất được xác định theo tờ bản đồ khu đất, tỷ lệ 1/2.000 do Công ty TNHH Một thành viên Xây lắp điện 1 – Miền Bắc lập ngày 3/2/2021, được Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị xác nhận ngày 24/2/2021.

Sau 12 tháng kể từ ngày được thuê đất mà Công ty Cổ phần Điện gió Liên Lập không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích được cho thuê thì Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

 Dự án điện gió ở Quảng Trị. (Ảnh minh họa)

UBND cũng giao cho Sở TN&MT thông báo nộp phí, lệ phí; tổ chức bàn giao trên thực địa và ký hợp đồng cho thuê đất đối với Công ty Cổ phần Điện gió Liên Lập.

Đồng thời, công ty này có trách nhiệm phải hoàn thành các thủ tục về môi trường, đầu tư, xây dựng… theo quy định của pháp luật trước khi triển khai xây dựng công trình.

Trong quá trình triển khai và vận hành dự án, chủ đầu tư không được làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, đi lại của người dân và các đơn vị có liên quan trong vùng dự án; không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các chủ sử dụng đất liền kề và có biện pháp hoàn thổ mặt bằng, trồng cây xanh đối với các hạng mục phụ trợ. Đối với phần đất giao thông (đường vận hành), sau khi xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng là đường dùng chung đi lại trong khu vực, Công ty không được rào chắn, ngăn cản người dân đi lại.

Trong thời gian gần đây, liên tục xuất hiện hàng loạt các dự án điện gió đầu tư vào địa bàn tỉnh Quảng Trị với tổng mức vốn trên 12.000 tỉ đồng. 

Cụ thể là dự án Nhà máy điện gió Tân Hợp (do Công ty Cổ phần Điện gió Thành An làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 1.696 tỉ đồng); dự án Nhà máy Điện gió TNC Quảng Trị 1 (vốn đầu tư hơn 1.805 tỉ đồng); dự án Nhà máy điện gió TNC Quảng Trị 2 (mức đầu tư gần 1.700 tỉ đồng); dự án Nhà máy điện gió LIG Hướng Hoá 1 và Hướng Hóa 2; dự án Nhà máy Hướng Linh 7 và 8; dự án Nhà máy Điện gió Hoàng Hải (có vốn đầu tư 1.700 tỉ đồng với công suất thiết kế 50MW); dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1 (công suất 49,2 MW và tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng).

Ngoài ra còn 5 dự án nhà máy điện gió khác có công suất 30 đến 50MW đã được Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung (tổng cộng 6.976,7 MW) vào quy hoạch điện theo đề xuất của Bộ Công Thương và đang chờ UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.