Bước ngoặt khơi thông nguồn lực cho dự án điện khí LNG

'Chốt' được hợp đồng mua bán điện, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 mở đường cho các dự án điện khí LNG trong Quy hoạch Điện VIII.

Hợp đồng mua bán điện (PPA) cho dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 và biên bản ghi nhớ (MOU) cung cấp khí LNG cho dự án Nhà máy điện LNG Quảng Trạch II được ký giữa các đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 4/10.

Đây là những hợp đồng, biên bản mang ý nghĩa quan trọng, mở đường cho việc đàm phán PPA các dự án điện sử dụng khí LNG khác trong Quy hoạch Điện VIII.

Tàu Maran Gas Achilles tiến vào Kho cảng LNG Thị Vải, đánh dấu sự kiện đầu tiên và quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của ngành năng lượng Việt Nam. Ảnh: PV Gas

Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 đặt tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là dự án trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao cho Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam-CTCP (PV Power), đơn vị thành viên của Petrovietnam, làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, công suất 1.624 MW.

Điện Nhơn Trạch 3 và 4 cũng là các dự án nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng turbine khí hiện đại, có công suất và hiệu suất cao nhất hiện nay. Dự kiến khi chính thức phát điện thương mại, dự án sẽ bổ sung hơn 9 tỷ kWh điện thương phẩm/năm cho hệ thống điện quốc gia.

Ngoài ra, MOU giữa Petrovietnam và EVN được ký cũng là cơ sở pháp lý để các đơn vị thành viên của Petrovietnam và EVN hợp tác cấp khí LNG từ dự án kho LNG Vũng Áng cho dự án Nhà máy nhiệt Điện LNG Quảng Trạch II, phù hợp với tiến độ và kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Trước đó, Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trạch II do EVN làm chủ đầu tư nằm trong Quy hoạch Điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG và nâng công suất từ 1.200 MW lên 1.500 MW.

Trong quá trình đầu tư một dự án nhà máy điện, PPA là một trong những hợp đồng quan trọng nhất, cùng với các cam kết mua điện dài hạn (Qc) và xác định khung giá điện.

Trên thực tế, quá trình đàm phán PPA đối với dự án Nhơn Trạch 3 và 4 kể từ năm 2019, đã diễn ra rất khó khăn, trong khi việc ký kết hợp đồng PPA sẽ giúp PV Power sớm ký hợp đồng mua bán khí (GSA) gắn với khối lượng LNG mua hàng năm, thời hạn xác nhận, kế hoạch giao nhận khí ổn định với giá khí hợp lý nhất.

Ngoài ra, hợp đồng PPA của dự án còn là điều kiện tiên quyết để các tổ chức tín dụng quốc tế xem xét cho PV Power vay vốn triển khai dự án.

Điện khí đang chịu nhiều áp lực

Theo Quy hoạch Điện VIII, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí tự nhiên và LNG đến năm 2030 sẽ đạt hơn 37.000 MW, tương ứng gần 1/4 tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Mục tiêu phát triển điện khí LNG đang chịu “nhiều áp lực” do Việt Nam chưa có nghiệm trong xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG, Phó GS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài Chính, nhận xét.

Điển hình là việc tìm kiếm địa điểm phù hợp, xây dựng kho cảng chứa LNG cần đảm bảo an toàn và khả năng vận hành trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các quy định, quy chuẩn quỹ thuật, khả năng bảo trì kho cảng và vận chuyển khí.

Điểm mấu chốt, theo Tiến sĩ Thịnh, hạ tầng phát triển điện khí LNG cần một lượng vốn đầu tư lớn và Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG, cơ chế mua bán sản lượng điện sản xuất ra và cơ chế giá.

“Chỉ khi có đầy đủ các chỉ số chi phí tài chính đầu vào và đầu ra, các chủ đầu tư mới có đủ cơ sở để tính toán hiệu quả của dự án và đưa ra quyết định đầu tư”, ông Thịnh nhận xét.

Hiện nay, theo ông Thịnh, nguồn cung và giá khí hóa lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường thế giới do Việt Nam vẫn chưa có khả năng sản xuất và cung ứng LNG. Điều này, dẫn đến phát triển nhiệt điện khí của Việt Nam trong tương lai sẽ không thể chủ động mà phụ thuộc lớn vào nguồn LNG nhập khẩu.

Hiện giá thành điện khí LNG duy trì ở mức cao. “Việc nguyên liệu đầu vào sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu và đặc biệt cao khi giá LNG cao, sẽ tác động đến giá thành sản xuất điện tại Việt Nam. Đây sẽ là khó khăn khi EVN ký các PPA với các chủ đầu tự do”, ông Thịnh nói.

Mặc dù vậy, việc các bên ký PPA cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 và MOU cung cấp LNG cho dự án Nhà máy điện LNG Quảng Trạch II, cũng đã giải quyết được phần vướng mắc căn bản, khơi thông nguồn lực đầu tư vào các dự án điện khí LNG trong tương lai.

Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới cũng định hướng phát triển công nghiệp khí giữ vai trò nền tảng, đồng thời ưu tiên phát triển nhiệt điện khí, các dự án điện LNG cũng như hướng tới xây dựng các trung tâm năng lượng tích hợp khí-LNG-điện, cùng các dạng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo khác.

Trình Tiêu

Theo The Leader

https://theleader.vn/buoc-ngoat-khoi-thong-nguon-luc-cho-du-an-dien-khi-lng-d37355.html