Chiều 14-11, tại TP Cần Thơ, Sở Công thương TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Khoa học và Hợp tác NetZero Việt Nam – Asia (Vanza) tổ chức hội thảo "Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp ĐBSCL".
Sự kiện thu hút hơn 400 đại biểu là doanh nghiệp, đại diện các sở công thương và các ban, ngành của ĐBSCL.
Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch Vanza, phát biểu tại hội thảo
Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đến năm 2035, khu vực ĐBSCL có thể khai thác hơn 68.600 MW điện gió trên đất liền và hơn 31.500 MW điện mặt trời, thể hiện một nguồn lực kỹ thuật lớn cho việc phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng xanh trong tương lai.
Nhu cầu năng lượng tăng mỗi năm 15% trong 10 năm qua, theo dự báo sẽ tiếp tục tăng trung bình mỗi năm 12% trong thập kỷ tới. Đến năm 2030, dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ là xu thế mà còn là một phần trong chiến lược phát triển bền vững.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, khẳng định: "Chuyển đổi năng lượng xanh là xu thế tất yếu và yêu cầu bắt buộc để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam. ĐBSCL với nguồn tài nguyên phong phú về điện gió, mặt trời và sinh khối giúp đảm bảo an ninh năng lượng".
Nghị định 135/2024/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã mở ra nhiều chính sách ưu đãi mới nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Theo ông Sơn, mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà còn tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính.