Nhiều lợi thế trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc đầu tiên cần làm là chuyển dịch năng lượng. Nhiều chuyên gia am tường về năng lượng trong, ngoài nước đều cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế về vấn đề này.

Trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã phát triển hệ thống điện Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, phù hợp cam kết tại COP26

Quy mô hệ thống điện phù hợp

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) - cho biết, chuyển dịch năng lượng đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Trong đó, các thách thức như đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, các dạng năng lượng truyền thống đang suy giảm về khả năng cung cấp, các tiềm lực trong nước còn hạn chế, trong khi phải đảm bảo tăng trưởng xanh và giảm phát thải bằng 0 theo cam kết của Chính phủ…

Trước đây, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chuyển dịch, từ nền năng lượng phi thương mại sang nền kinh tế tiếp cận các nguồn năng lượng thương mại, với các mức giá tiệm cận thế giới. Tiếp đó là chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng mới và tái tạo để giảm phát thải. Ngoài ra còn chuyển từ nguồn tập trung sang phân tán, từ phụ thuộc vào nhập khẩu sang tự chủ… Tuy nhiên, để phục vụ cho cuộc chuyển dịch năng lượng hiện nay rất cần khuôn khổ pháp lý để hấp dẫn các nhà đầu tư, cần nhanh chóng xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho các lĩnh vực được cho là trụ cột để thực hiện.

Đáng chú ý, ông Hưng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện thành công chuyển dịch năng lượng do cũng có nhiều lợi thế như đã có định hướng giảm nhanh điện than và chuyển những nhà máy nhiệt điện than sang nguồn khác.

“Quy mô của chúng ta nhỏ hơn so với nhiều nước có nguồn năng lượng lớn trên thế giới nên có lợi thế nhất định để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng”, ông Hưng nói.

Dưới giác độ quản lý nhà nước, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (NLTT) cũng khẳng định, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển dịch từ năng lượng truyền thống sang NLTT. Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại COP26.

Cụ thể, cần khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, NLTT; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch sử dụng than sang sử dụng LNG; Các nhà máy nhiệt điện than, khí sẽ chuyển dần sang dùng biomass, amoniac hoặc hydrogen khi các công nghệ đã được kiểm chứng và thương mại hóa…

Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án điện NLTT cấp điện trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân sinh, các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, điện sinh khối, điện chất thải rắn và NLTT khác.


Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp góp ý kiến cho lộ trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam

Cách nào chuyển dịch hiệu quả, chi phí thấp?

Theo ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thách thức vừa đảm bảo mục tiêu chuyển dịch năng lượng, vừa đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế không chỉ xảy ra với Việt Nam mà còn với các hệ thống điện trên thế giới.

“Chúng tôi cũng đã có những chia sẻ từ cách làm của các nước trong vấn đề này. Ví dụ ở Đức, họ đã đẩy mạnh công tác truyền tải, tuy nhiên chi phí rất lớn”, đại diện EVN nói và kiến nghị, trước hết cần có chủ trương chính sách để triển khai chương trình chuyển dịch năng lượng sao cho hiệu quả và tối ưu nhất. Sau đó là đến vấn đề về công nghệ và tài chính.

Cụ thể, với công nghệ hydrogen hay amoniac thì thời gian tới phải có giải pháp để đưa giá thành công nghệ xuống. Về tài chính, nếu có sự hỗ trợ của các tập đoàn về công nghệ như GE Việt Nam và nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế thì mục tiêu chuyển dịch năng lượng của Việt Nam để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26 là hoàn toàn có thể đạt được.

Riêng đối với EVN, ngoài việc chuyển dịch các nhà máy hiện hữu đang sử dụng than, Tập đoàn còn có nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị hệ thống để hấp thụ được các nguồn sơ cấp khác và nguồn NLTT. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh đã đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống điện hiện nay. Nhưng EVN vẫn đang xây dựng các lộ trình, chính sách để làm sao đạt hiệu quả nhất, để chuyển dịch năng lượng thành công với chi phí thấp nhất.

Ông Deepak Maloo, Giám đốc mảng điện gió, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Tập đoàn GE) - cho biết, GE đang tích cực đóng góp cho tương lai ngành năng lượng thông qua việc tăng tốc phát triển điện tái tạo kết hợp với điện khí một cách có chiến lược, giúp giảm phát thải hiệu quả đồng thời mang lại nguồn năng lượng đáng tin cậy với giá cả hợp lý.

Việt Nam đang trong quá trình trở thành một quốc gia xuất khẩu do đó cần có hệ thống năng lượng sạch, giá cả hợp lý. Để cụ thể hóa việc này, cần hướng tới công nghệ cao hơn để chuyển dịch năng lượng hiệu quả.

“Theo tôi có những cơ hội riêng có của từng quốc gia, nhưng đối với Việt Nam là quốc gia rất phù hợp để được trao các cơ hội như vậy”, ông Deepak Maloo khẳng định.

Hoàng Tú

https://baophapluat.vn/nhieu-loi-the-trong-chuyen-dich-nang-luong-o-viet-nam-post452076.html