Phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia

Sáng 23.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia”.

Đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã cam kết: Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, việc phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều… được coi là trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với giải pháp lưu trữ năng lượng. Đây là một trong các "chìa khoá" thành công của điện gió, điện mặt trời cho Việt Nam, khi tỷ trọng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện ngày càng cao. Nhấn mạnh điều này, đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho biết, Ủy ban Đối ngoại tổ chức hội thảo nhằm thể hiện sự đồng hành của các cơ quan của Quốc hội đối với các cơ quan của Chính phủ trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, chủ động tham mưu và cập nhật thêm kiến thức về phát triển năng lượng với mục tiêu phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về: tổng quan ngành năng lượng Việt Nam; thực trạng tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam; hiện trạng triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam và phương hướng trong thời gian tới; giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững…

Đại diện Đại sứ quán một số quốc gia, vùng lãnh thổ và đại diện một số tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam cũng đã chia sẻ về tình hình phát triển năng lượng và kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng năng lượng ở châu Âu; kinh nghiệm của Hoa Kỳ về chuyển đổi năng lượng; những khuyến nghị cho Việt Nam trong chính sách phát triển năng lượng bền vững.

Các đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời và tiềm năng về năng lượng gió dồi dào nhất trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo. Đơn cử, việc tính toán chi tiết bức xạ, gió và sóng tại từng địa phương hoặc từng khu vực cụ thể đòi hỏi cần có nhiều thông tin đầu vào hơn nữa.

Một số ý kiến đề nghị, trong thời gian tới, để kết quả tính toán tiềm năng năng lượng gió và bức xạ mặt trời có thể sử dụng hiệu quả hơn nữa cho các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế tại từng khu vực cụ thể, cần tận dụng tối đa các nguồn dữ liệu quan trắc; xây dựng cơ sở dữ liệu số và thành lập các bản đồ số tiềm năng chi tiết cho từng khu vực.

Có ý kiến đề nghị, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có năng lượng gió ngoài khơi; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ từ năng lượng tái tạo; tiếp tục nghiên cứu, ban hành và triển khai các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam.


Thanh Chi

https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/phat-trien-nang-luong-phuc-vu-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-quoc-gia-i301428/