Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu và những cái khó trong đàm phán giá điện

Tại cuộc họp trực tuyến với Bộ Kế hoạch Đầu tư (ngày 14/10), lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị: Trong thời gian chờ Thủ tướng phê duyệt cơ chế bảo đảm Nhà nước, đề nghị Bộ Công Thương sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời cho phép EVN và Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu được “triển khai ngay” việc đàm phán Hợp đồng mua bán điện (theo thông lệ đã áp dụng với các dự án nhà máy điện có sử dụng vốn vay quốc tế trước đây). Tuy nhiên, theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, đề xuất này là rất khó thực hiện.

Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu đã có 3 bước tiến lớn, quan trọng, đó là: Đã được Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt Đánh giá tác động môi trường; Bến cảng khí hóa lỏng của dự án tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đã được Thủ tướng phê duyệt đưa vào Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam (giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050). Mặt khác, các đối tác của dự án đánh giá cao về tính khả thi, cũng như tiềm lực của các đối tác thực hiện dự án này.

Tuy vậy, hiện dự án vẫn còn 3 vấn đề thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở ký kết Hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bảo đảm Nhà nước để thực hiện dự án (theo quy định tại Điều 11, Luật Đầu tư; Điều 3, Nghị định 31 của Chính phủ) và trình Thủ tướng phê duyệt đấu nối truyền tải điện 500 kV (bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia) đáp ứng theo tiến độ của dự án.

Đặc biệt, tại cuộc họp này, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị: Trong thời gian chờ Thủ tướng phê duyệt cơ chế bảo đảm Nhà nước, đề nghị Bộ Công Thương sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời cho phép EVN và Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu được triển khai ngay việc đàm phán Hợp đồng mua bán điện (theo thông lệ đã áp dụng với các dự án nhà máy điện có sử dụng vốn vay quốc tế trước đây).

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, đề xuất này là rất khó thực hiện. Cụ thể:

Thứ nhất: Theo Bộ Công Thương cho biết, Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE - chủ đầu tư) chưa bổ sung các văn bản pháp lý, chưa làm rõ các sai khác của hồ sơ thiết kế cơ sở và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi theo yêu cầu nêu trong các văn bản của Bộ Công Thương, nên vẫn phải chờ chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục hoàn thành thẩm định.

Thứ hai: Dự án điện khí LNG Bạc Liêu là dự án điện phải tham gia thị trường điện theo quy định của Thông tư 45/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương, nên chủ đầu tư phải thống nhất với EVN về sản lượng điện hợp đồng năm theo nhu cầu mua điện của EVN và lập kế hoạch mua nhiên liệu khí LNG phù hợp (khác với nhiều dự án nhà máy điện điện sử dụng vốn vay quốc tế trước đây là dự án BOT).

Thứ ba: Việc chuyển tiếp giá mua nhiên liệu LNG vào giá điện: Chủ đầu tư cần phải đàm phán thống nhất và ký hợp đồng mua bán điện với EVN theo quy định hiện hành được hướng dẫn tại Thông tư 57/2020/TT-BCT. Đặc biệt:

Thứ tư: Riêng về giá điện, chủ đầu tư phải tính toán cụ thể, giải thích lý do giá điện hiện đề xuất 7,9 Uscent/kWh cao hơn so với cam kết trước đây (7 Uscents/kWh) - điều này cũng khác xu thế thông lệ của các dự án nhà máy điện điện thông thường trước đây.

Thứ năm: Các vấn đề về bảo lãnh thanh toán và cam kết chuyển đổi ngoại tệ do chủ đầu tư đề xuất là thiếu cơ sở theo Luật Đầu tư hiện hành, không thuộc thẩm quyền của EVN và các bộ, ngành…

Dự án điện khí LNG Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) của Singapore làm chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC. Đây được xem là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long tính tới thời điểm này, với tổng mức đầu tư trên 4 tỉ USD.

Dự án có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên diện tích đất 70 ha tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi FSU, hoặc trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU khoảng 100 ha mặt biển có công suất lưu trữ từ 150.000 đến 174.000 m3 khí LNG. Cùng với đó là trạm tái hóa khí và 35 km đường ống dẫn khí áp suất cao.

Dự án được cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 1 năm 2020, dự kiến khởi công trong năm 2021. Theo đó, tổ máy tua bin khí giai đoạn 1 (công suất khoảng 800 MW) dự kiến sẽ vận hành vào năm 2024 và tiếp tục xây lắp, đưa vào vận hành các tổ máy 2,3,4 còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

https://nangluongvietnam.vn/du-an-nha-may-dien-lng-bac-lieu-va-nhung-cai-kho-trong-dam-phan-gia-dien-27628.html