Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của thế giới đang gặp trở ngại gì?

Thiếu hụt tài chính, chậm kết nối, cơ sở hạ tầng không phù hợp,... có quá nhiều trở ngại cản trở quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Điều này, dẫn đến tình hình khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn, theo báo cáo của REN21 (mạng lưới các chuyên gia về năng lượng tái tạo) hôm thứ Năm (4.4).

 

Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của thế giới đang gặp trở ngại gì?

Vẫn còn có quá nhiều trở ngại cản trở quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Hình minh họa

 

"Hiện nay, thế giới đang đốt nhiều liệu hóa thạch hơn bao giờ hết, làm cho lượng khí thải của năng lượng toàn cầu tăng cao. Và năng lượng tái tạo vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày nhiều này”, ông Rana Adib Giám đốc điều hành REN21 tuyên bố trong một bài thông cáo.

Cần đáp ứng 1.000 GW mỗi năm

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng đã đạt mức kỷ lục khi tăng thêm 1.1% vào năm 2023.

Tại Hội nghị COP28 diễn ra ở Dubai, thế giới đã đạt được thỏa thuận “chuyển đổi” từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và tăng công suất năng lượng tái tạo lên gấp 3 lần vào năm 2030, “tạo ra một sự thúc đẩy mới và kích thích tham vọng lớn hơn".

Mặc dù, 473 GW công suất sản xuất điện tái tạo mới vào năm 2023 đã là "kỷ lục mới", nhưng con số này "không đủ so với 1.000 GW cần thiết hằng năm để đạt được các cam kết toàn cầu về khí hậu và phát triển bền vững”, theo ước tính của các chuyên gia REN21.

Hiện nay, năng lượng sạch đã bao gồm cả điện tái tạo cũng không thể “thay thế than, dầu và khí đốt với tốc độ cần thiết” để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, các chuyên gia này cho biết thêm.

Các nước đang phát triển chịu thua thiệt

“Mức tiêu thụ năng lượng tái tạo đã tăng 58% trong giai đoạn 2012-2022, nhưng trong giai đoạn này, nhu cầu năng lượng toàn cầu cũng tăng lên 16%”, chủ yếu là tăng năng lượng hóa thạch, theo REN21. Vì vậy, “khoảng 65% năng lượng tiêu thụ tăng trưởng trong giai đoạn 2012-2022” đến từ than, dầu và khí hóa thạch.

Trong khi, việc cấp vốn cho quá trình chuyển đổi và thích nghi với khí hậu sẽ là vấn đề then chốt tại Hội nghị COP29 kế tiếp vào cuối năm ở Azerbaijan, thì REN21 lại cho rằng hệ thống tài chính toàn cầu tiếp tục gây khó khăn cho các nước đang phát triển. Các dự án năng lượng tái tạo ở nhóm nước này "đắt hơn nhiều", với mức vốn lên đến 10%, trong khi đó ở các nước phát triển con số này chỉ có 4%.

REN21 cũng đặt câu hỏi về các “trở ngại đáng kể” như chậm trễ trong việc cấp phép và kết nối các dự án năng lượng tái tạo vào mạng lưới điện chung.

Theo REN21, trên quy mô toàn cầu, “3.000 GW dự án năng lượng tái tạo vẫn chưa được phát triển vào năm 2023 do cơ sở hạ tầng lưới điện không đáp ứng được, không đủ nguồn tài chính và cấp phép chậm trễ”.

Nh.Thạch

Nguồn:Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của thế giới đang gặp trở ngại gì? (petrotimes.vn)