Nỗ lực bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư

Nhận thức được sự nghiêm trọng của tình trạng săn bắt, buôn bán chim di cư trái phép, Việt Nam đã và đang tăng cường nhiều nỗ lực để bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Việt Nam sở hữu 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 7 vùng chim đặc hữu và được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong Mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư.

Đến nay, có hơn 900 loài chim đã được phát hiện ở Việt Nam, trong đó, 99 loài cần ưu tiên bảo tồn. Các vùng chim hoang dã, di cư tại các Vườn Quốc gia như: Xuân Thủy (tỉnh Nam Định), Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), Mũi Cà Mau (Cà Mau) và nhiều khu vực khác đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng của Việt Nam góp phần bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp. Đồng thời, là một trong những điểm dừng chân cho nhiều loài chim trên thế giới, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước quan trọng và gia nhập Hiệp hội Đường bay Đông Á - Australia (EAAFP) thông qua các cam kết quốc tế.

Thời gian gần đây, Việt Nam nhận thức rõ hơn về các khu vực dừng chân của chim di cư, từ đó có những chính sách, quy định nhằm bảo tồn sinh cảnh, hạn chế xung đột giữa con người và chim di cư cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động săn bắt, buôn bán chim di cư trái phép.


 Đàn chim di cư ở sông Đầm (Quảng Nam).

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng vài năm trở lại đây, quần thể chim di cư đang suy giảm nghiêm trọng tại Việt Nam nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung. Nguyên nhân là do sự phát triển nhanh chóng xuyên suốt châu Á và tình trạng săn bắn, bẫy, bắt trái phép các loài chim đã dẫn đến việc mất đi một khu vực rộng lớn các vùng đất ngập nước ven biển.

Hoạt động săn bắt, tận diệt bằng lưới, súng săn đã tiếp tay cho các nhà hàng buôn bán, tiêu thụ chim hoang dã trái pháp luật. Đây cũng là hành vi tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, mất cân bằng đa dạng sinh học, đe dọa sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới.

Nhận thức được sự nghiêm trọng của tình trạng săn bắt, buôn bán chim di cư trái phép, Việt Nam đã và đang tăng cường nhiều nỗ lực để bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư. Mới đây, ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 4/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư.

Chim di cư là loài động vật có ý nghĩa đặc biệt đối với các hệ sinh thái đất ngập nước. Việc bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết đảm bảo một hệ sinh thái khỏe mạnh, góp phần bảo tồn quần thể chim di cư trong khu vực và trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam.

Nhằm bảo tồn chim hoang dã tại Việt Nam trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần tăng cường quan hệ công tác, hợp tác với các Tổ chức Bảo tồn trong nước và quốc tế, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, Trung tâm nhằm thực hiện đồng bộ hơn các chương trình bảo tồn chim hoang dã.

Bộ Công an và các bộ liên quan, tăng cường công tác giám sát, xử lý vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần giám sát chặt chẽ hơn trong việc đánh giá các dự án tài nguyên và môi trường; các dự án thủy điện, điện gió…

Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung các nội dung liên quan tới bảo tồn động vật hoang dã, trong đó có bảo tồn các loài chim hoang dã vào chương trình học và các hoạt động ngoại khóa cho học sinh….

Hồng Vân

https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/no-luc-bao-ton-cac-loai-chim-hoang-da-chim-di-cu-123264.html