Tiềm năng khai thác hydrogen xanh tại Việt Nam

Nguồn tài nguyên biển kết hợp nắng và gió của Việt Nam đang mang đến những cơ hội lớn cho việc sản xuất và sử dụng hydrogen xanh phục vụ phát triển bền vững.

Hydrogen xanh - "chìa khóa" hướng đến đạt phát thải ròng bằng 0

Hydrogen xanh - một chìa khóa giúp Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050 (Nguồn ảnh FreeP!k)

Theo “Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen xanh của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024, hệ sinh thái năng lượng hydrogen xanh phát triển dựa trên điện tái tạo, gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Sự “mở đường” về chính sách cùng lợi thế về nguồn tài nguyên biển kết hợp nắng và gió của Việt Nam đang mang đến những cơ hội lớn cho việc sản xuất và sử dụng hydrogen xanh phục vụ phát triển bền vững. Hydrogen xanh vì vậy, được coi là một chìa khóa giúp Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Hướng đến để hydrogen xanh có thể phát triển tại Việt Nam, dự án PtX Outreach đã đóng góp nhiều khuyến nghị tích cực nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hydrogen xanh và công nghệ sản xuất nguyên/nhiên liệu tổng hợp dựa trên hydrogen tại Việt Nam. Dự án “PtX Outreach” do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thực hiện và được tài trợ bởi Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức (BMWK).

Hydrogen xanh và tiềm năng ở Việt Nam

Với đặc thù riêng của nền kinh tế Việt Nam, hydrogen xanh được dự kiến phục vụ chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất điện, giao thông vận tải và các ngành công nghiệp khác (lọc dầu, phân bón, luyện kim, xi măng...). Trong đó, dầu khí là một trong những ngành tiên phong tiếp cận vấn đề này.

             TS. Nguyễn Hữu Lương trình bày về tiêu chuẩn kỹ thuật để sản xuất hydrogen xanh (Nguồn ảnh GIZ)

Theo TS. Nguyễn Hữu Lương - Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam, tiềm năng của hydrogen xanh trong lĩnh vực dầu khí là rất lớn. Cụ thể, hydrogen xanh có thể được sử dụng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch trong nhiều ứng dụng như chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện khí/LNG truyền thống, vận hành các nhà máy lọc dầu, sản xuất hóa chất, phân bón, điện và cung cấp năng lượng cho các phương tiện giao thông… Hydrogen có thể được sử dụng làm tác chất để chuyển hóa nguồn khí thải CO2 thành nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, để khai thác hiệu quả tiềm năng của hydrogen xanh trong ngành dầu khí, Việt Nam cần áp dụng các chiến lược sau: Thúc đẩy nghiên cứu phát triển và đầu tư vào công nghệ liên quan đến hydrogen xanh; Khuyến khích sử dụng hydrogen xanh thay thế nhiên liệu hóa thạch; Khuyến khích phát triển thị trường các sản phẩm xanh…

Con đường hướng đến nền kinh tế hydrogen Xanh

Thực tế cho thấy, để phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo cũng như hydrogen xanh cần nhiều việc phải được làm cùng lúc.

GIZ tổ chức các chương trình đào tạo để nâng cao năng lực cho đối tác về ngành công nghiệp hydrogen xanh (Nguồn ảnh GIZ)      

Ông Nguyễn Đức Minh - Cố vấn năng lượng Dự án PtX Outreach - GIZ, chia sẻ: “Công nghệ hydrogen xanh và Power-to-X (PtX) đang phát triển nhanh trên toàn thế giới và hình thành những bước đi đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đối với hydrogen xanh và PtX hiện vẫn chưa hoàn thiện. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi tại Việt Nam hầu như chưa có các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đầy đủ cho ngành này”.  

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng chưa có hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế. Hơn nữa, giá thành sản xuất của hydrogen xanh còn cao so với nhiên liệu truyền thống. Đây là những thách thức lớn cho Việt Nam khi bước vào “con đường màu xanh” của nền kinh tế hydrogen.

Các chuyên gia GIZ đã khuyến nghị 3 biện pháp để thúc đẩy sự phát triển hydrogen xanh ở Việt Nam (Nguồn ảnh GIZ)

Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của hydrogen xanh giúp hình thành nền kinh tế hydrogen tại Việt Nam, các chuyên gia Dự án PtX Outreach đã khuyến nghị 3 biện pháp cụ thể. Đó là: Thứ nhất, cần xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đối với chuỗi sản xuất hydrogen xanh từ sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu; Thứ hai, cần đưa ra các cơ chế thúc đẩy việc ứng dụng và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) khi hệ thống điện dư thừa để sản xuất hydrogen xanh; Thứ ba, cần triển khai các chiến lược cụ thể đối với các ngành nghề liên quan đến chuỗi PtX như dầu khí, phân bón, hóa chất và đảm bảo mục tiêu chiến lược chung về hydrogen xanh đã ban hành.

Trong bối cảnh tiềm năng song hành cùng thách thức, các nghiên cứu của GIZ là sự hỗ trợ bước đầu của CHLB Đức để cùng Việt Nam nâng cao nhận thức và năng lực, đồng thời, triển khai chiến lược phát triển nền kinh tế hydrogen xanh phù hợp với thực tế.

                      Các kịch bản để sản xuất hydrogen và điện tái tạo (Nguồn ảnh Viện Dầu khí Việt Nam)

Thúy Ngà

Nguồn:https://vietnamnet.vn/tiem-nang-khai-thac-hydrogen-xanh-tai-viet-nam-2269719.html