Indonesia đặc biệt quan tâm tới các dự án xanh tại Việt Nam

Nhân dịp thăm và làm việc tại TPHCM trong hai ngày 14 và 15-3, ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) đã trả lời riêng Báo SGGP về quan hệ kinh tế giữa hai nước, cũng như các mục tiêu kết nối ASEAN trong năm Indonesia giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN 2023.
Nhân dịp thăm và làm việc tại TPHCM trong hai ngày 14 và 15-3, ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) đã trả lời riêng Báo SGGP về quan hệ kinh tế giữa hai nước, cũng như các mục tiêu kết nối ASEAN trong năm Indonesia giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN 2023.

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông Arsjad Rasjid, xin ông cho biết triển vọng thương mại giữa Indonesia và Việt Nam, đặc biệt trong năm nay khi hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược? Việt Nam và Indonesia đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư trong ASEAN?

- Ông Arsjad Rasjid: Chiến lược “Một Tầm nhìn, một Bản sắc, một Cộng đồng” của ASEAN không chỉ là một câu chuyện mà còn là lời kêu gọi hành động thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế nhằm thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN thông qua sức mạnh kinh tế tổng hợp, sức sống và sự đa dạng của 10 nền kinh tế thành viên. Với Việt Nam và Indonesia, hai bên đóng vai trò quan trọng trong khu vực, rất cần thiết để đạt được mục tiêu này thông qua sự tham gia và động lực thúc đẩy hòa bình, hợp tác nội khối và phát triển kinh tế.

Indonesia đặc biệt quan tâm tới các dự án xanh tại Việt Nam  ảnh 1

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid

Việc Việt Nam nổi lên như một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất toàn cầu là nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, đang thúc đẩy tiêu dùng và thu hút đầu tư nước ngoài. Sự tham gia của Việt Nam vào các nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực, chẳng hạn như Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) rất quan trọng. Mặt khác, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất ASEAN, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thị trường nội địa rộng lớn và đang phát triển, với lực lượng lao động trẻ và ngày càng mở rộng.

Quan hệ đối tác kinh tế lâu đời giữa Việt Nam và Indonesia được xây dựng trên sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, đã dẫn đến các mối quan hệ kinh tế và thương mại bền chặt. Việt Nam đứng thứ 11 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Indonesia, với kim ngạch thương mại đạt 14 tỷ USD vào năm 2022. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm phát triển nông thôn, sử dụng than và khí đốt cũng như hợp tác pháp lý. Quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Indonesia là minh chứng cho sức mạnh của ngoại giao và hợp tác trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Indonesia mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ cao và chuyển đổi kỹ thuật số, với mục tiêu thể hiện ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN.

* Thưa ông, lĩnh vực nào nhà đầu tư Indonesia quan tâm nhất tại Việt Nam?

- Việt Nam và Indonesia có nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, thương mại và đầu tư. Đầu tư của Indonesia vào Việt Nam trong các lĩnh vực như ngư nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ cao và chuyển đổi kỹ thuật số phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam. Do Indonesia hiện đang là Chủ tịch ASEAN, chức năng chủ tịch hướng tới mục tiêu cốt lõi là phát triển xanh. Tháng 1 vừa qua, hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác phát triển các lĩnh vực năng lượng và tài nguyên khoáng sản, bao gồm nhà máy điện mặt trời, nhà máy thủy điện và lưới điện thông minh. Sự hợp tác này cũng mang đến cơ hội hợp tác phát triển xe điện. Thị trường xe điện ở Việt Nam dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng và khả năng sản xuất xe điện của Indonesia có thể được tận dụng để đáp ứng nhu cầu này.

Về chuyển đổi kỹ thuật số, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, Indonesia và Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất trong khu vực. Với nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia, dự kiến sẽ tăng gấp ba lần về giá trị, lên 133 tỷ USD vào năm 2025 và nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 52 tỷ USD vào cùng năm. Do đó, việc xây dựng quan hệ đối tác doanh nghiệp và đầu tư giữa hai quốc gia trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số là rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển hơn nữa của nền kinh tế kỹ thuật số và hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực.

Lĩnh vực khách sạn của Việt Nam rất hấp dẫn đối với FDI, dự kiến sẽ tăng trưởng 2,12 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2026, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 14,43%. Đó là một nền tảng vững chắc, với không gian lớn hơn để phát triển. Vì vậy, KADIN đặt mục tiêu cải thiện đặc biệt đối với hợp tác đầu tư các dự án xanh với Việt Nam. Với sự hợp tác mới được tăng cường giữa Indonesia và Việt Nam trong lĩnh vực khoáng sản và năng lượng tái tạo, triển vọng của các dự án xanh từ Indonesia và Việt Nam là rất hấp dẫn.

Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), thông qua di sản của mình, chúng tôi mong muốn khuyến khích các doanh nghiệp Indonesia kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư năng lượng xanh và tái tạo. Lĩnh vực an ninh lương thực, để giảm thiểu sự gián đoạn của biến đổi khí hậu đối với nguồn lương thực, chúng tôi mong muốn hợp tác với các bên liên quan tại Việt Nam để trở thành quan hệ đối tác khép kín toàn diện nhằm mục đích nâng cao năng suất của nông dân, cũng như trao quyền cho nông dân để họ thích ứng với các thực hành xanh và bền vững.

* Được biết, ASEAN QR Code và ASEAN One-Shot là hai mục tiêu chính của KADIN - ASEAN-BAC 2023. Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai?

- Trong kết nối thanh toán ASEAN QR Code, các ưu tiên giữa các quốc gia ASEAN rất đa dạng. Ngân hàng Trung ương/cơ quan quản lý tài chính và khối doanh nghiệp được mong đợi sẽ xây dựng sự đồng thuận và cam kết trong ngành với chính phủ để thúc đẩy kết nối thanh toán trong ASEAN. Chính sách tài chính ở mỗi nước khác nhau nên cần tăng cường thiết kế mã QR sao cho phù hợp với chính sách tài chính của từng nước ASEAN. Các nguyên tắc về tính chắc chắn, hợp lệ, minh bạch, linh hoạt và hiệu quả sẽ rất quan trọng trong việc hướng dẫn xây dựng và triển khai các tiêu chuẩn mã QR khu vực.

Indonesia đặc biệt quan tâm tới các dự án xanh tại Việt Nam  ảnh 2

Một nhà máy may mặc tại Indonesia

Các doanh nghiệp cũng có thể đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bền vững để đảm bảo kết nối thanh toán được triển khai cho đến cấp độ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chưa tham gia vào hệ sinh thái kỹ thuật số. Hiện, thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới đã được triển khai hợp tác với 3 quốc gia là Malaysia, Thái Lan và Singapore; Philippines sẽ tham gia vào năm 2023. Sáng kiến này bắt đầu trong nhiệm kỳ Indonesia làm Chủ tịch G20 (năm 2022) và đang được triển khai tại các quốc gia ASEAN 5, với Indonesia dẫn đầu sáng kiến.

Về chiến dịch chăm sóc sức khỏe ASEAN One-Shot, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở ASEAN vẫn chưa hội nhập hoàn toàn. Sự thiếu hợp tác và hội nhập này đang cản trở khả năng của khu vực trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho người dân. Hãy tưởng tượng một kịch bản Indonesia hoặc Việt Nam phát triển thành công một loại vaccine quan trọng có thể cứu sống người dân các quốc gia ASEAN khác. Tuy nhiên, do không có một hệ thống toàn ASEAN để hỗ trợ việc sử dụng, loại vaccine này có thể không đến được với những người cần nó nhất. Đây chỉ là một ví dụ. Do đó, việc xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe có khả năng phục hồi trong ASEAN đòi hỏi phải có sự hội nhập và hợp tác nhiều hơn.

Nhìn chung, thúc đẩy hợp tác và hội nhập trong các lĩnh vực này rất quan trọng để xây dựng một ASEAN vững mạnh và tự cường hơn, tạo ra một khu vực không có đại dịch và các bệnh có thể phòng ngừa được, đồng thời mang lại lợi ích cho người dân ASEAN.

* Xin cảm ơn ông!

THỤY VŨ thực hiện/www.sggp.org.vn

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/indonesia-dac-biet-quan-tam-toi-cac-du-an-xanh-tai-viet-nam-post682018.html