Việt Nam giảm nghèo hiệu quả và gần 100% dân số có nước sạch

Giảm nghèo; cung cấp nước sạch - vệ sinh môi trường; đổi mới công nghiệp - cơ sở hạ tầng; giảm bất bình đẳng là 4/17 mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam được đánh giá đã đạt nỗ lực tốt trong giai đoạn 2016 - 2022.
 

Hội thảo “Tham vấn Rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”, ngày 24/3.

Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9/2015 với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Việt Nam lần đầu tiên xây dựng và trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR), tức báo cáo về lộ trình thực hiện các mục tiêu này, vào năm 2018. Năm 2023 Việt Nam tiếp tục đăng ký trình bày VNR lần thứ 2 cùng với 41 quốc gia khác trên thế giới.

Tại hội thảo “Tham vấn Rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”, ngày 24/3, bà Phạm Mỹ Hằng Phương, Đại diện nhóm chuyên gia tư vấn thực hiện báo cáo cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể gồm 4 mục tiêu đạt tiến triển tốt: Không còn nghèo (mục tiêu 1); nước sạch và vệ sinh môi trường (mục tiêu 6); Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng (mục tiêu 9), Giảm bất bình đẳng (mục tiêu 10).

Cụ thể, Việt Nam đã giảm nghèo với tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,2% xuống còn 3,6% trong giai đoạn 2016 - 2022. Cung cấp nước sạch cho 98,1% dân số và nhà tiêu hợp vệ sinh cho 95,6% dân số.

Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ đã dẫn đến những cải thiện ấn tượng trong phát triển công nghiệp, tăng cường đổi mới, và xây dựng cơ sở hạ tầng. “Nếu Việt Nam giữ tốc độ tiến bộ như vậy trong những năm còn lại thì sẽ đạt được hầu hết các chỉ số vào năm 2030”, bà Phương nêu tiến độ.

Việt Nam giảm nghèo hiệu quả và gần 100% dân số có nước sạch ảnh 1

Đánh giá tiến độ các mục tiêu SDG của Nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc-UNESCAP.

Bên cạnh những mục tiêu tiến triển tốt, báo cáo cũng cho biết Việt Nam có 2 mục tiêu đang bị tụt lùi, đó là năng lượng sạch và giá cả phải chăng (mục tiêu 7) và sự sống trên cạn (mục tiêu 15).

Để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030, nhóm chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở vùng dân tộc thiểu và thúc đẩy bình đẳng giới. Các chính sách cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy việc làm bền vững, đặc biệt là cho 56,2% lao động đang có việc làm phi chính thức.

Việt Nam cũng cần tăng tốc trong mở rộng quan hệ đối tác để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là tập trung vào việc huy động thêm nguồn lực tài chính.

Vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển của Việt Nam cũng được đánh giá là vẫn còn rất nhiều thách thức để đạt được những mục tiêu vào năm 2030. “Việt Nam cần đảo ngược một số điểm lùi gần đây trong một số khía cạnh tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả và bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái”, bà Nguyễn Hoài Phương nhấn mạnh.

Cộng đồng quốc tế sát cánh cùng Việt Nam trên lộ trình phát triển bền vững

TS Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, với việc tham gia báo cáo về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023 (VNR 2023), Việt Nam mong muốn chia sẻ thành tựu, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong thực hiện các mục tiêu và đưa ra những định hướng, các hoạt trọng tâm trong nửa chặng đường còn lại trong lộ trình phát triển bền vững.

Việt Nam giảm nghèo hiệu quả và gần 100% dân số có nước sạch ảnh 2

"Tham gia VNR năm 2023 cho thấy Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ và kiên định cùng bạn bè quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm hướng tới một thế giới bền vững, bao trùm và thịnh vượng cho tất cả mọi người”.

TS Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế với Việt Nam, bà Naomi Kitahara, Quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhìn nhận, VNR không phải cái đích mà là công cụ huy động được các nguồn lực và sự đồng thuận xã hội cho mục tiêu phát triển bền vững. Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, bà khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đưa ra số liệu sáng tạo và cụ thể để phân tích thay vì chỉ có các nhận định.

Theo bà Naomi Kitahara, kể từ khi có kế hoạch hành động Chương trình nghị sự 2030, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng vẫn còn các mục tiêu đang tụt lùi. Do đó, Việt Nam cần tăng cường đầu tư mở rộng chăm sóc sức khỏe toàn dân, sinh xã hội, bất bình đẳng, thúc đẩy năng lượng xanh, huy động các nguồn tài chính cho sự phát triển.

“UNDP thống kê mỗi 1 đồng đầu tư vào an sinh xã hội sẽ thu được hơn 1 đồng cho GDP, cho thấy sự cần thiết của các chính sách này. Chỉ còn 7 năm cho mục tiêu đặt ra, cần tranh thủ từng ngày từng giờ và duy trì được tiến độ trong thời gian vừa qua”, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.

PHƯƠNG THẢO/mekongasean.vn

Nguồn: https://mekongasean.vn/viet-nam-giam-ngheo-hieu-qua-va-gan-100-dan-so-co-nuoc-sach-post19455.html