Giải pháp thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp

Tại Hà Nội, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo Các giải pháp thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam. Đây là hoạt động thuộc dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam.

Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam gồm 2 hợp phần: hợp phần 1 – vận hành Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF); hợp phần 2 – hỗ trợ kỹ thuật. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2026. Đối tượng hưởng lợi chính của dự án là doanh nghiệp công nghiệp, các tổ chức tài chính tham gia dự án, các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng, các nhà cung cấp thiết bị năng lượng…

Tại hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bển vững, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua, với những nỗ lực tích cực của Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Công Thương đã và đang triển khai xây dựng nhiều chương trình dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thị trường đầu tư vào tiết kiệm năng lượng, tăng cường năng lực cho các bên liên quan, tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hợp tác để áp dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp.

Với mong muốn cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp để đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng như mục tiêu giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn tài nguyên năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương đã phối hợp với WB xây dựng dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư vào giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. (Ảnh minh họa)

Hội thảo là cơ hội để Bộ Công Thương và WB cung cấp đầy đủ các thông tin về giải pháp đầu tư tiết kiệm năng lượng, mô hình tài chính và bảo lãnh tín dụng trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam tới các doanh nghiệp công nghiệp, ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các chương trình, dự án sẽ giúp cung cấp nguồn tài chính, giúp xóa bỏ những rào cản về mặt kỹ thuật để các đơn vị thực hiện các dự án đầu tư vào giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Tại hội thảo, Ban quản lý dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam đã chia sẻ tình hình tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam; các chính sách tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tại Việt Nam; chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2019 – 2030.

Đại diện Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã giới thiệu về Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) với các nội dung: cơ chế quản lý Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF); lợi ích của các ngân hàng khi tham gia RSF; lợi ích của các doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) khi tham gia dự án; quy trình phê duyệt phát hành bảo lãnh RSF; điều kiện được cấp bảo lãnh Quỹ Chia sẻ rủi ro; quy trình phối hợp giữa các ngân hàng và các doanh nghiệp thực hiện RSF.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ tham luận về kinh nghiệm quốc tế triển khai chương trình bảo lãnh cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng (cụ thể là Quỹ Chia sẻ rủi ro một phần của Ấn Độ); thực tiễn, kinh nghiệm cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng tại BIDV; các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn về việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp công nghiệp...

Đình Tú

Nguồn:https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Giai-phap-thuc-day-dau-tu-tiet-kiem-nang-luong-trong-cac-nganh-cong-nghiep-6-1960-21253