Tăng trưởng xanh để đạt 'Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc'

Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (Happy Planet Index) tập trung vào một thước đo mức độ thành công mới, mang tính bền vững, không tác động tiêu cực tới môi trường.

Bất kỳ nhà kinh tế học nào cũng sẽ biện giải rằng trong suốt 70 năm qua, mọi thể chế kinh tế, chính trị, xã hội của chúng ta đều cùng chạy theo một mục tiêu quan trọng, đó là đánh giá sự tăng trưởng ngày một tăng ở mỗi quốc gia thông qua Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mọi tổ chức xã hội, mọi kỳ vọng kinh doanh, mọi hứa hẹn của các chính trị gia, tất cả đều đòi hỏi GDP phải tăng lên không ngừng nghỉ.

Sự ám ảnh này chính là nguyên nhân tạo nên Kỷ Gia Tăng Đột Biến và cũng chính nó là thứ đã gây ra cuộc Đại Suy Thoái cho giới sinh vật. Bởi lẽ trên một hành tinh vốn hữu hạn về tài nguyên, cách duy nhất để đạt sự tăng trưởng liên tục đó là vơ vét nhiều hơn từ những nơi khác. Những gì nghe có vẻ như phép lạ của thời hiện đại đều là do trộm cướp mà có được.


Cơ chế 3Ps (profit - people - planet) hướng đến phát triển bền vững. Ảnh: Forbes.

Chúng ta gạt đi sự mất mát của các loài động thực vật do nạn phá rừng, chỉ bởi chúng ta cần đất trồng cây đậu nành, thứ vốn dùng để sản xuất thức ăn cho gà. Chúng ta tảng lờ đi tác động mà những chai nước nhựa gây ra cho hệ sinh thái biển, bởi lẽ chúng ta chỉ việc mua chúng xong thì vứt đi.

Chúng ta thờ ơ với việc phát thải khí nhà kính từ hoạt động đúc bê tông chế tạo loại gạch không nung (gạch block), những vật liệu phục vụ cho việc mở rộng các công trình xây dựng. Bởi vậy chẳng lấy làm lạ khi những tổn hại mà Trái Đất phải gánh chịu đã lẳng lặng và nhanh chóng tác động ngược lại vào chúng ta.

Trong nỗ lực giải quyết vấn đề trên, ngành kinh tế học đã đề xuất một giải pháp. Các nhà kinh tế học môi trường đang tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế bền vững, họ tham vọng có thể thay đổi cả hệ thống để không chỉ giúp cho các thị trường trên toàn thế giới được hưởng lợi từ các khoản lợi nhuận, mà còn hỗ trợ cả con người và hành tinh của chúng ta nhận về những khoản lợi ích cho riêng mình.

Họ gọi mô hình này là Cơ chế 3Ps (profit - people - planet). Nhiều người trong số họ cũng đặt nhiều kỳ vọng vào một loại hình tăng trưởng không có tác động tiêu cực đến môi trường, hay còn được gọi là tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh bắt nguồn từ việc sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn; chuyển đổi các hoạt động ô nhiễm, có tác động lớn thành những hoạt động động sạch, ít hoặc thậm chí là không gây ảnh hưởng đến môi trường; thúc đẩy tăng trưởng trong thế giới kỹ thuật số - đây được xem là lĩnh vực có cường độ tác động thấp vì được vận hành bởi năng lượng tái tạo.

Những người ủng hộ tăng trưởng xanh đã chỉ ra biên niên sử của những làn sóng cải cách, qua đó cho thấy năng lực tạo nên những cuộc cách mạng theo chu kỳ của nhân loại. Đầu tiên là sự ra đời của năng lượng nước vào thế kỷ 18 đã cho phép cơ giới hóa các nhà máy, làm tăng đáng kể năng suất của doanh nghiệp.

Tiếp đó, chúng ta áp dụng năng lượng hơi nước và nhiên liệu hóa thạch vào thực tiễn, giúp tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp trong sản xuất; hơn nữa còn mở đường cho ngành đường sắt, vận tải biển và cuối cùng là ngành hàng không có thể vận chuyển người và hàng hóa đi khắp thế giới một cách nhanh chóng.

Làn sóng thứ ba chính là điện khí hóa. Cách mạng điện khí hóa diễn ra vào đầu thế kỷ 20 đã cho ra đời ngành viễn thông. Sau nữa, kỷ nguyên không gian vào những năm 1950 đã thổi bùng lên văn hóa tiêu dùng ở phương Tây. Thứ năm, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã đem đến mạng Internet và hàng trăm thiết bị thông minh.

Những đợt sóng cải cách này đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới và mang lại sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực kinh doanh. Thế nên, hy vọng và kỳ vọng của nhiều nhà kinh tế môi trường đặt vào làn sóng đổi mới thứ sáu đang đến gần, đó là một cuộc cách mạng bền vững.


Tăng trưởng xanh là nỗ lực để giảm tổn hại cho Trái Đất. Ảnh: Westerncape.

Theo xu hướng mới này, các nhà cải cách và doanh nghiệp sẽ thu được lợi nhuận thông qua việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giúp làm giảm tác động của chúng ta lên hành tinh. Và tất nhiên, chúng ta đang dần được trải nghiệm những thành phẩm đầu tiên của xu hướng này như bóng đèn tiết kiệm năng lượng, năng lượng mặt trời giá rẻ, bánh mì kẹp thịt thuần chay có hương vị như thịt, các khoản đầu tư bền vững.

Hy vọng khi phải đối mặt với mức độ cấp bách và quy mô của cuộc Đại Suy Thoái, giới chính trị gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ ngừng trợ cấp cho các ngành công nghiệp có tác động xấu, đồng thời nhanh chóng xem phát triển bền vững là một lựa chọn phổ biến, khôn ngoan để tiếp tục đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, sau cùng thì tăng trưởng xanh vẫn là một dạng tăng trưởng. Liệu loài người có bao giờ đủ khả năng vượt qua pha lũy thừa của mình để đạt đến pha cân bằng và chễm chệ trên cao nguyên ổn định kia không? Liệu rằng cao nguyên hoàn hảo ấy có nằm ở phía bên kia của làn sóng đổi mới thứ sáu? Liệu rằng giai đoạn cao nguyên của chúng ta sẽ có được những đặc tính như rừng Amazon: phát triển mạnh mẽ, khả năng điều chỉnh, phát triển bền vững trong thời gian dài mà không sử dụng tài nguyên nhiều hơn không?

Chúng ta hy vọng vào một tương lai mà ở đó thế giới thoát khỏi cơn cuồng tăng trưởng; thay vì chạy theo GDP, chúng ta có thể tập trung vào một thước đo mức độ thành công mới, mang tính bền vững và bao hàm cả ba tiêu chí của Cơ chế 3Ps.

Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (Happy Planet Index) được giới thiệu vào năm 2006 bởi Quỹ kinh tế mới (NEF) đang nỗ lực thực hiện điều đó. Chỉ số này dung hòa giữa dấu chân sinh thái của một quốc gia với các yếu tố phúc lợi của người dân ở đó, chẳng hạn như tuổi thọ kỳ vọng, mức độ hài lòng trung bình và sự công bằng, bình đẳng.

Nếu xếp hạng các quốc gia dựa trên Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc thay vì GDP, chúng ta sẽ có một bảng xếp hạng với diện mạo hoàn toàn khác. Năm 2016, Costa Rica và Mexico là hai nước đứng đầu danh sách nhờ vào điểm số phúc lợi trung bình tốt hơn Mỹ và tỷ lệ dấu chân sinh thái thấp hơn Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc cũng không hẳn là một chỉ số hoàn hảo, nó được tính toán dựa vào nhiều yếu tố.

Loài người vẫn chưa đạt đến mốc trưởng thành. Giống như cây non ở rừng rậm Amazon luôn háo hức chờ đợi cơ hội chiếm lấy mọi khoảnh đất trống, chúng ta trước giờ vẫn chỉ chăm chăm dồn tất cả nỗ lực của mình vào việc thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế học môi trường, giờ đây chúng ta phải kiềm chế tham vọng tăng trưởng của mình, phân phối lại các nguồn tài nguyên một cách đồng đều hơn và bắt đầu chuẩn bị sống như một tán cây trưởng thành. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tắm mình trong ánh sáng Mặt Trời, hưởng thụ thành quả từ sự phát triển thần tốc, tận hưởng một cuộc sống lâu dài và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

https://zingnews.vn/tang-truong-xanh-de-dat-chi-so-hanh-tinh-hanh-phuc-post1331763.html