Công nghệ biến muối thô thành muối tinh

Muối thô chứa tạp chất Canxi - Magie nhiều, cần phải xử lý và tinh chế thì mới có thể sử dụng.
 

 

Thu hoạch muối tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ, TPHCM).

Thu hoạch muối tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ, TPHCM).

Nhóm các nhà khoa học đã sáng chế công nghệ xử lý đơn giản, rẻ tiền.

Loại bỏ tạp chất trong muối thô

PGS.TS Lê Thị Hồng Nhan, Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ cơ khí Bách Khoa (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM) là trưởng nhóm “Nghiên cứu đề xuất công nghệ, thiết bị sản xuất muối tinh cho huyện Cần Giờ”.

PGS.TS Lê Thị Hồng Nhan cho biết, sản lượng muối hằng năm tại TPHCM chiếm khoảng 10% tổng sản lượng của cả nước, tập trung ở các xã Lý Nhơn, Thạnh An, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh của huyện Cần Giờ. Trong đó, xã Lý Nhơn có diện tích lớn nhất với hơn 830 ha.

Do công nghệ lạc hậu, sản phẩm chủ yếu là muối thô, hàm lượng NaCl thấp, nhiều tạp chất, năng suất không ổn định nên sản lượng muối của Cần Giờ trước đây có năm đạt gần 75.000 tấn, nhưng giá thành bấp bênh, tiêu thụ khó, hiệu quả kinh tế không cao, khiến đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn.

Tính chất muối thô tại Cần Giờ không tương đồng nhau, tùy thuộc địa điểm thu hoạch. Đơn cử, muối thô Lý Nhơn chứa tạp chất Ca-Mg nhiều hơn so với muối thô Thạnh An, vì thế các mẫu muối này cần phải xử lý và tinh chế thì mới có thể sử dụng. Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3974:2015, đối với muối tinh thì hàm lượng ion Ca và Mg cho phép là 0,2% và 0,25%, tổng tương đương 0,45%.

Sau 2 năm nghiên cứu cùng sự hỗ trợ tích cực từ huyện Cần Giờ và các đơn vị hữu quan, nhóm kỹ sư - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ cơ khí Bách Khoa đã đưa ra quy trình công nghệ sản xuất muối đạt tiêu chuẩn TCVN 3974:2015 cho nguồn muối thô được sản xuất theo công nghệ phơi nước trải bạt tại huyện Cần Giờ.

Và cũng từ quy trình công nghệ này, dây chuyền sản xuất và tinh chế muối dạng pilot với năng suất 100 kg/giờ cũng được nghiên cứu thiết kế, chế tạo để có thể sản xuất muối tinh nguyên liệu đạt yêu cầu trên.

Dây chuyền sản xuất và tinh chế muối được thiết kế, chế tạo cũng như đưa vào vận hành thử nghiệm về cơ bản gồm 7 mô-đun máy độc lập. Từng mô-đun có thể điều chỉnh các thông số hoạt động để vận hành phù hợp với từng nguồn nguyên liệu muối đầu vào tại từng xã khác nhau của huyện Cần Giờ.

Các mô-đun máy gồm: Rửa thô, nghiền, rửa tinh, ly tâm, sấy, sàng và đóng gói (quy cách 500 gam/gói). PGS.TS Lê Thị Hồng Nhan cho biết, muối Cần Thạnh và Lý Nhơn cần trải qua tối thiểu 2 lần rửa để đạt chuẩn muối tinh (muối thực phẩm), và dung dịch nước rửa có thể tái sử dụng cho các lần rửa sau khi áp dụng các phương pháp gạn lắng, lọc và trung hòa với công thức được thiết kế riêng.

Phát triển phụ phẩm của muối

Công nghệ biến muối thô thành muối tinh ảnh 1

Dây chuyền 'tinh chế' muối được lắp đặt và vận hành thử nghiệm tại HTX Cần Giờ Tương Lai.

“Quy trình công nghệ hoàn thiện để sản xuất và dây chuyền sản xuất muối đạt tiêu chuẩn là nhu cầu cần thiết hiện nay để hỗ trợ diêm dân cũng như ngành công nghiệp muối của TPHCM và cả nước.

Sản phẩm muối đạt yêu cầu có tiềm năng kinh tế rất cao và có nhiều nhu cầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm. Sản phẩm muối tinh đạt yêu cầu còn góp phần làm gia tăng chất lượng cuộc sống cho diêm dân.

Giải pháp hoàn thiện có khả năng hỗ trợ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu trong nước về lĩnh vực hóa học, tự động hóa, cơ điện tử, máy chế biến và đồng thời hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực chế tạo máy chuyên dùng trong lĩnh vực máy chế biến muối”, PGS.TS Lê Thị Hồng Nhan nhấn mạnh.

Hệ thống này hoàn toàn được nghiên cứu phát triển trong nước nên có thể tùy chỉnh sao cho phù hợp với từng nguồn nguyên liệu muối khác nhau của các địa phương.

PGS.TS Lê Thị Hồng Nhan đề xuất tiếp tục nghiên cứu nâng cao tính tự động hóa của dây chuyền sản xuất và tinh chế muối; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ muối tinh chế, phụ phẩm muối như viên muối súc miệng, muối tắm thảo dược, muối ngâm chân; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất các loại muối hải sản từ nguồn nguyên liệu của huyện Cần Giờ.

Ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, cho biết, huyện có khoảng 1.500 ha sản xuất muối với sản lượng hằng năm khoảng 100.000 tấn.

Tuy nhiên, bà con Cần Giờ chủ yếu bán muối thô nên giá thành rất thấp, đặc biệt có những năm khi mà giá muối thành phẩm vẫn không đủ trả tiền nhân công thì Nhà nước phải hỗ trợ.

Trước tình hình đó, huyện Cần Giờ đã đề xuất với Sở KH&CN TPHCM đặt hàng các viện, trường nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ muối thô nhằm nâng cao giá trị sản xuất của ngành muối.

Theo ông Thiện, với dây chuyền tinh chế muối được nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Bách khoa hoàn thiện và thử nghiệm thành công tại HTX Cần Giờ Tương Lai, địa phương này hy vọng rằng việc sản xuất muối tinh sẽ giúp nâng cao hơn nữa giá trị của muối Cần Giờ.

“Đồng thời cũng qua công nghệ này, địa phương mong muốn Sở KH&CN TPHCM tiếp tục hỗ trợ huyện đặt hàng các giải pháp kỹ thuật để từ nguồn nguyên liệu muối tinh có thể chủ động sản xuất ra các sản phẩm khác như muối thảo dược, viên muối dùng cho máy rửa chén cũng như một số sản phẩm hữu ích khác nhằm nâng cao giá trị sản xuất kinh tế cho địa phương”, ông Thiện bày tỏ.

Chi Mai/Báo Giáo dục & Thời đại

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/cong-nghe-bien-muoi-tho-thanh-muoi-tinh-post637732.html