Ứng dụng AI: Tiêu chuẩn hóa và tự động toàn bộ chu trình nông nghiệp sạch

Ông Peter Hoàng, là đồng sáng lập và Giám đốc quản trị rủi ro của AI&Founder Hub cho rằng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là một bước mang tính cách mạng giúp cho chúng ta đi nhanh hơn rất nhiều trong thời điểm mang tính cấp bách hiện nay là phát triển nhanh, một cách bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, củng cố quyền lực mềm quốc gia.

- Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện nay được đánh giá là đột phá về công nghệ, giúp cải thiện đáng kể hiệu suất cho con người. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, dù có nhiều ưu điểm, các ứng dụng này cũng có mặt tiêu cực. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Peter Hoàng: Sản phẩm công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay AI là cái tên quen thuộc gần đây không chỉ trong giới công nghệ mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, ngoài vấn đề cần tiếp tục nâng cấp hoàn thiện theo thời gian, công nghệ này vẫn tồn tại bất cập về mặt đạo đức khi AI có thể bị lạm dụng hoặc bị kẻ xấu lợi dụng.

AI
Ông Peter Hoàng, đồng sáng lập và Giám đốc quản trị rủi ro của AI&Founder Hub

Đơn cử, GPT-4 là phiên bản mới nhất của mô hình GPT (Generative Pre-trained Transformer), một hệ thống học máy ứng dụng AI dựa trên mô hình Transformer.

Dưới sự phát triển của công ty OpenAI, GPT-4 được tạo ra với sự cải tiến vượt trội so với các phiên bản trước đó. Thay vì chỉ sử dụng dữ liệu huấn luyện không giám sát, GPT-4 được huấn luyện một cách tiếp tục trên lượng dữ liệu cực kỳ lớn từ Internet. Nhờ điều này, GPT-4 có khả năng thông hiểu và tạo ra các đoạn văn bản tự nhiên vượt trội hơn.

GPT-4 có khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên phức tạp và có khả năng tạo ra nội dung phong phú và sáng tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nó có thể được áp dụng trong các ứng dụng như tổng quát hóa và đánh giá tác phẩm văn học, tạo ra những bài viết, bài diễn thuyết hay nội dung truyền thông chất lượng cao, dịch thuật tự động và hỗ trợ trong việc viết nội dung.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự phát triển của GPT-4 cũng đặt ra nhiều vấn đề và thách thức đối với việc sử dụng công nghệ thông tin. Nên có sự theo dõi và ứng dụng chặt chẽ các nguyên tắc và quy định để đảm bảo an toàn và trách nhiệm trong việc áp dụng GPT-4.

Chẳng hạn, nếu GPT -4 được sử dụng để tạo ra nội dung giả mạo có yếu tố lừa đảo, rõ ràng là có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người dùng. Trong trường hợp này, việc sử dụng GPT 4 phi đạo đức thực sự gây mất niềm tin và ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức hoặc cá nhân đang sử dụng nó.

Hoặc như trong lĩnh vực giáo dục, hành vi “đạo văn” được con người vận dụng GPT -4 khá thuận lợi. Đã có trường hợp phát hiện sử dụng nó phục vụ cho viết bài báo khoa học hay làm luận văn tốt nghiệp.

Đáng nói là kết quả được tạo ra bởi ứng dụng AI này có thể đúng hoặc sai, phụ thuộc vào kho dữ liệu mà nó học “trộm” được và phụ thuộc vào cả số người sử dụng nó. Mặt khác, việc "đạo văn" này được tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu gốc, không trích dẫn nguồn, không có sự sáng tạo cá nhân… đã vô tình ảnh hưởng đến quyền lợi của của chủ sở hữu dữ liệu gốc hoặc tạo ra những sản phẩm vô hồn, thiếu tính nhân sinh.

Tuy nhiên nếu ứng dụng AI được sử dụng để tạo ra nội dung hữu ích như hỗ trợ khách hàng hoặc hướng đến nhận thức nâng cao sử dụng nó cho con người thì có thể được xem là đạo đức. Trong trường hợp này sử dụng AI có thể giúp cải thiện trải nghiệm của người dùng, đóng góp vào sự phát triển của xã hội và phát triển đời sống con người mà tôi hay gọi là công nghệ vị AI nhân sinh.

Do đó việc áp dụng đạo đức khi sử dụng ứng dụng AI phụ thuộc vào mục đích sử dụng của nó và trách nhiệm của người sử dụng.

- Ông cho rằng ứng dụng AI để phát triển nông sản sạch là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Ông cho biết thêm về điều này?

Là lĩnh vực có thế mạnh rất lớn, dự kiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp Việt Nam ước đạt 53 tỷ USD, trong đó có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên tỷ USD như: cà phê, cao su, gạo, rau quả… Đây là động lực góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên trước thực trạng ngành nông nghiệp vẫn còn găp nhiều bất cập như: được mùa mất giá, chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm… Thì việc cần có một giải pháp phát triển hệ sinh thái nông nghiệp sạch, khép kín là rất cần thiết. Đây cũng là một thành phần quan trọng trong định hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn mà Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia cùng cam kết thực thi tại COP26, trong đó có Việt Nam.

Khi ứng dụng công nghệ AI vào nông nghiệp sạch, người làm nông nghiệp thu được kết quả là một quy trình sản xuất khép kín tự động hóa hoàn toàn và được điều phối bởi trí tuệ nhân tạo. AI giúp hỗ trợ đưa ra các quyết định dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu tích lũy qua nhiều thời kỳ thu hoạch nông sản, cũng như thu thập thông tin từ cảm biến thời tiết, thổ nhưỡng… đến xây dựng mô hình sử dụng sản phẩm vi lượng hữu cơ cho trồng trọt. Tất cả những việc này được liên tục cải tiến và mã hóa định dạng nhằm hướng đến tiêu chuẩn hóa cơ sở dữ liệu cho nông sản sạch.

Đáng chú ý, do cơ chế bảo mật quy định trách nhiệm ràng buộc từ công nghệ mới nhất của AI sẽ giúp đảm bảo dữ liệu chia sẻ là chính xác và minh bạch, người nông dân giảm thiểu rủi ro trong quá trình canh tác, tăng hiệu quả sản xuất nhờ được dự báo và lập kế hoạch thông minh. Mặt khác, từ nhà phân phối đến người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm tham gia kiểm soát bằng ứng dụng số giám sát quy trình khép kín của sản phẩm.

Cơ sở dữ liệu này cũng được kỳ vọng là nền tảng cho giáo dục và đào tạo như: quản lý chi phí và nhân công, nâng cao hiệu suất, hỗ trợ sáng kiến khoa học tạo ra giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu… trong lĩnh vực nông nghiệp sạch.

Đây chính là chìa khóa công nghệ AI mở ra cánh cửa phát triển nền nông nghiệp sạch bền vững mà tôi muốn nói đến.

- Tại sao giải pháp ứng dụng AI vào nông nghiệp sạch được ông nhận xét là "Trí tuệ nhân tạo hướng công nghệ tới vị nhân sinh"?

Vai trò của an ninh lương thực là rất rõ ràng, đơn cử như giai đoạn hiện nay, khả năng khủng hoảng lương thực toàn cầu đã được nhắc đến khi hàng loạt các quốc gia trên thế giới dùng biện pháp “cấm xuất khẩu” gạo, là mặt hàng chiến lược ảnh hưởng trực tiếp đến hàng tỷ người trên thế giới.

Dân số thì gia tăng nhưng quỹ đất trồng trọt có hạn, đồng thời chất lượng an toàn thực phẩm từ nông sản bị giới hạn bởi lợi nhuận và sự cạnh tranh không lành mạnh đặt ra nhiều thách thức duy trì đời sống an toàn, bền vững cho con người.

Trong khi đó ứng dụng AI được đánh giá là xu hướng phát triển chung của nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Và AI cũng được xem là phù hợp với các giá trị chuẩn mực đạo đức nếu hỗ trợ tích cực cho các vấn đề an sinh của xã hội.

Bằng hành vi chuẩn mực hóa cơ sở dữ liệu, đồng thời giúp gia tăng năng suất và tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp hỗ trợ từ người nông dân đến người tiêu dùng, có thể nói AI đã tạo ra cuộc cách mạng Công – Nông, Công nghiệp hỗ trợ phát triển Nông nghiệp tăng giá trị một cách bền vững, khẳng định giá trị của công nghệ vị nhân sinh.

- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

Khánh Nam

Nguồn:Ứng dụng AI: Tiêu chuẩn hóa và tự động toàn bộ chu trình nông nghiệp sạch (vietnamfinance.vn)