Bài toán nan giải của điện gió ngoài khơi

Theo đánh giá của Chính phủ, thiếu cơ chế chính sách và hành lang pháp lý có thể khiến các mục tiêu về điện gió ngoài khơi theo quy hoạch điện VIII khó đạt được.

Mục tiêu đầy tham vọng về điện gió ngoài khơi khó đạt được. Ảnh minh họa: Hoàng Anh


Một trong các nhiệm vụ trọng yếu nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Trên cơ sở đó, quy hoạch điện VIII xác định, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi (ĐGNK) phục vụ nhu cầu trong nước đạt khoảng 6.000MW, có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050, tổng công suất ĐGNK đạt khoảng 70 - 91,5GW.

Quy hoạch điện VIII cũng định hướng phát triển mạnh ĐGNK kết hợp điện mặt trời, điện gió trên bờ để sản xuất các nguồn năng lượng mới như hydro, amoniac xanh... phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo ước tính, công suất ĐGNK để sản xuất năng lượng mới khoảng 15 nghìn MW đến năm 2035 và khoảng 240 nghìn MW đến năm 2050.

Đặc biệt, quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu và sản xuất năng lượng mới trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mục tiêu đến năm 2030, quy mô xuất khẩu điện đạt khoảng 5 - 10 nghìn MW.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, các nội dung quy hoạch nêu trên khó có thể thực hiện được do thiếu cơ sở pháp lý, quy định pháp luật hiện hành cũng như cơ chế chính sách cụ thể về phát triển ĐGNK.

Cụ thể, vấn đề xác định giá bán điện vẫn có yếu tố đánh giá, dự báo xu thế giá thiết bị trên thế giới. Điều này dẫn đến giá bán điện của các loại hình năng lượng tái tạo chưa bám sát giá thành thực tế.

Có một số giai đoạn chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, có giai đoạn lại quá hấp dẫn nhà đầu tư dẫn đến hiện tượng đầu tư ồ ạt.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhìn nhận chưa có cơ sở phát triển điện gió ngoài khơi. Nguyên nhân, Luật Đầu tư chưa quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nằm trên biển và các dự án điện gió gần bờ có ranh giới trên biển thuộc một địa phương và điểm tiếp bờ thuộc một địa phương khác.

Chưa có quy định về lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư ngoài khơi trên biển. Đặc biệt, Luật Điện lực hiện hành chưa quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện nói chung, trong đó bao gồm ĐGNK.

Trong khi đó, quy chiếu Luật Đất đai, các dự án ĐGNK chủ yếu sử dụng khu vực biển trong khi đấu thầu, đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai lại chỉ áp dụng đối với đối tượng là người sử dụng đất, liên quan đến quản lý, sử dụng đất.

Đặc biệt, hiện chưa có các quy định/yêu cầu về đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo trong quá trình phát triển dự án ĐGNK.

Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ về phát triển ĐGNK theo Nghị quyết 55-NQ/TW và Quy hoạch điện VIII, đòi hỏi hoàn thiện các quy định pháp luật về điện lực, đầu tư như: bổ sung quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án ĐGNK trong Luật Đầu tư.

Bổ sung quy định về tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án ĐGNK trong Luật Đầu tư hoặc Luật Đấu thầu cũng như nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí, yêu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo trong quá trình phát triển dự án ĐGNK trong chiến lược biển Việt Nam và quy hoạch không gian biển quốc gia.

Hiện tại, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định trong Luật Đầu tư thẩm quyền của Thủ tướng, UBND tỉnh đối với các dự án điện trên biển.

Theo đó, bổ sung Điều 31 Luật Đầu tư quy định thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng đối với dự án ĐGNK thuộc 4 trường hợp: khu vực biển chưa xác định thuộc địa giới hành chính của một tỉnh cụ thể; khu vực biển thuộc thẩm quyền giao biển của Thủ tướng, khu vực biển thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên; dự án cáp điện ngầm vượt biển qua biên giới nhiều nước.

Bổ sung thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của UBND tỉnh đối với dự án điện gió có đề nghị Nhà nước giao/cho thuê khu vực biển ngoài đối tượng nêu trên.

Vài tháng trước, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, việc phát triển điện gió ngoài khơi còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được pháp luật hiện hành quy định cụ thể.

Theo đó, ông Diên cho rằng, cần sớm báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội có nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí và ĐGNK, đáp ứng tiến độ theo quy hoạch điện VIII. Riêng các dự án ĐGNK đòi hỏi đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia cần được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.

Còn theo Bộ Tài nguyên và môi trường, để phát triển ngành công nghiệp ĐGNK theo đúng các chiến lược, quy hoạch, các cơ quan quản lý cần xây dựng khung pháp lý cho năng lượng tái tạo và ĐGNK như luật và các văn bản nghị định, thông tư, tiêu chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, đòi hỏi chi tiết hóa diện tích các khu vực không gian biển kỹ thuật trên bản đồ biển, thuộc các tỉnh, các đới gần bờ, ngoài khơi; không gian biển cụ thể (tỉnh, tọa độ) theo quy hoạch điện VIII để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 bổ sung thêm 6.000MW điện gió ngoài khơi, đến 2050 đạt tổng công suất 87 – 91,5GW.

Nguyễn Cảnh

Nguồn:https://theleader.vn/bai-toan-nan-giai-cua-dien-gio-ngoai-khoi-1712137894703.htm