Cần kíp có chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể cho điện gió Việt Nam

Các chuyên gia về năng lượng cho rằng, nếu không thu hút được nguồn lực từ nước ngoài và triển khai ngay từ bây giờ thì mục tiêu 6.000 MW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030 theo Quy hoạch điện 8 sẽ khó có thể đạt được.

Khó khăn bủa vây

Thời gian gần đây, thông tin Tập đoàn Orsted tuyên bố giảm mục tiêu tham vọng của họ từ 30 GWh xuống 28GWh cho đến năm 2030 và rút khỏi thị trường Việt Nam đã trở thành một thông tin gây chú ý đối với giới đầu tư ngành năng lượng.

Cụ thể, theo thông tin tìm hiểu, giữa tháng 10 vừa qua, Orsted cùng công ty liên doanh cũng đã thông báo tới UBND tỉnh Hải Phòng và Thái Bình về quyết định chiến lược của Orsted đối với hai siêu dự án điện gió ngoài khơi có công suất lần lượt 3.900MW và 3.000MW. Theo đó, Orsted xác nhận dừng các hoạt động phát triển dự án tại Việt Nam và không tiếp tục phát triển, đầu tư cho 2 dự án điện gió ngoài khơi liên danh đang chung tay thời gian qua.

Cần kíp có chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể cho điện gió Việt Nam

Nguồn ảnh: https: orsted.vn

Thực tế thì cũng trong khoảng thời gian này, Orsted cũng cho biết họ sẽ ngừng mọi hoạt động phát triển các dự án Ocean Wind tại New Jersey (New Jork) ngay cả khi công ty tiếp tục phát triển các dự án năng lượng gió ngoài khơi tại bang New York lân cận.

Theo lãnh đạo của công ty, quyết định gây sốc của công ty năng lượng Đan Mạch Orsted về việc hủy bỏ 2 trang trại năng lượng gió ngoài khơi New Jersey phần lớn là do sự chậm trễ trong việc bảo đảm tàu mà họ cần để xây dựng dự án.

Như vậy có thể thấy những khó khăn đang ngăn trở những kế hoạch tham vọng về phát triển điện gió của Tập đoàn này.

Tập đoàn Orsted của Đan Mạch bắt đầu phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi từ năm 1991 với dự án đầu tiên Vindeby ở Đan Mạch. Orsted đã phát triển thành công các dự án điện gió lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tính đến năm 2020, Orsted là nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, chiếm 29% công suất lắp đặt toàn cầu và sản xuất 88% năng lượng từ các nguồn tái tạo.

Orsted hiện đầu tư tại 7 quốc gia với hơn 7,6GW công suất điện gió đang hoạt động và 2,3GW đang được xây dựng.

Năm 2021, Orsted đã đến Việt Nam và mong muốn đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại vùng biển Hải Phòng. 3 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Orsted đã có những đề xuất táo bạo, nhiều hoạt động nghiên cứu có giá trị và một kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi lớn cùng với công ty liên doanh. Orsted từng khẳng định đầy kỳ vọng: “Tại Việt Nam, chúng tôi đang theo đuổi một số triển vọng tiềm năng, có thể cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình Việt Nam”.

Cần kíp có chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể cho điện gió Việt Nam

Nguồn ảnh: https: orsted.vn

Tuy nhiên sau hơn 1 năm triển khai, Orsted đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Lý do của việc dừng chân của một dự án khủng chưa được Tập đoàn này chính thức đưa ra. Tuy nhiên, theo giới phân tích việc Orsted rút chân khỏi hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam có ảnh hưởng nhất định từ độ trễ của khung chính sách hướng dẫn, phát triển dành cho lĩnh vực này. Đồng thời, với việc dẫn ra các thách thức từ thị trường quốc tế như đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ lệ lạm phát tăng cao, chi phí đầu tư tăng trong khi lợi nhuận đã cố định như một phần nguyên nhân giải thích cho hành động của Orsted tại Việt Nam.

Không thể chờ khi tất cả chính sách ban hành mới phát triển điện gió ngoài khơi

Với chiều dài bờ biển hơn 3.400 km, Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá là có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 ở châu Á và thứ 13 trên thế giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam lên đến 599.000 MW…

Hội đồng năng lượng gió toàn cầu ước tính, Việt Nam có khoảng 600 GWh điện gió chưa khai thác, gồm 300 GWh điện gió ngoài khơi và 300 GWh điện gió trên bờ.

Cần kíp có chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể cho điện gió Việt Nam

Nguồn ảnh: https: orsted.vn

Đáng chú ý, Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng cho ngành dầu khí đã được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết để phát triển trang trại điện gió ngoài khơi.

Các chuyên gia cho rằng phát triển điện gió ngoài khơi là cơ hội để Việt Nam có thể cung cấp một nguồn năng lượng xanh lớn với chi phí hiệu quả nhằm phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn năng lượng sơ cấp dần cạn kiệt, đồng thời hỗ trợ đất nước đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.

Mục tiêu này cũng mở ra cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi mà còn có thể trực tiếp thực hiện đầu tư, phát triển các dự án trong ngành này, sản xuất điện phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Với những đánh giá tiềm năng lớn của điện gió, Chính phủ đã có những chủ trương thu hút đầu tư vào điện gió. Và ngay sau đó các nhà đầu tư quốc tế đã thể hiện sự quan tâm và tiến hành thành lập văn phòng ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng buồn là thời gian vừa qua nhiều dự án đang trong giai đoạn khảo sát bị dừng lại.

Việc Orsted dừng đầu tư tại Việt Nam gây bất ngờ cho nhiều người, bởi đây là một thị trường được đánh giá nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi. Nhất là trước khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.

Nhiều chuyên gia thể hiện sự lo ngại khi việc dừng chân của tập đoàn năng lượng lớn đến từ Đan Mạch sẽ có những tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài khác và khả năng họ cũng có thể xem xét lại chính sách của họ, không ưu tiên thị trường Việt Nam nữa. Và như vậy Việt Nam sẽ mất rất nhiều, từ thu hút đầu tư nước ngoài đến việc đạt được các mục tiêu về phát thải ròng, trong khi nguồn cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất lại đang thiếu hụt.

Suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5-3 tỉ đô la Mỹ cho 1.000 MW công suất và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát. Nếu không thu hút được nguồn lực từ nước ngoài và triển khai ngay từ bây giờ thì mục tiêu 6.000 MW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030 theo Quy hoạch điện 8 sẽ khó có thể đạt được.

Chia sẻ tại diễn đàn về năng lượng mới đây, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường cho hay, năng lượng gió thì vô hạn nhưng nguồn lực đầu tư, nguồn lực vốn thì hữu hạn. Do đó, nếu không có những chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể thì nguồn lực đầu tư này sẽ chuyển từ Việt Nam sang những khu vực khác trên thế giới.

"Năng lượng gió thì vô hạn nhưng nguồn lực đầu tư, nguồn lực vốn thì hữu hạn. Vì vậy, nếu không có những chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể thì nguồn lực đầu tư này sẽ chuyển từ Việt Nam sang những khu vực khác trên thế giới", Tổng giám đốc PTSC chia sẻ.

Cần kíp có chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể cho điện gió Việt Nam

Nguồn ảnh: https: orsted.vn

Trước những lo lắng về phát triển các dự án nguồn điện, lưới điện trong thời gian tới, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn cho rằng, chính sách thu hút đầu tư phải làm sao để nhà đầu tư thấy đó là cơ hội kinh doanh, đầu tư và phát triển, chứ không phải là nút thắt.

Trước thực tế trên, chuyên gia Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, cơ quan chức năng cần xây dựng khuôn khổ chính sách mà nhà đầu tư dự đoán được. “Thời gian vừa qua, mọi người không đầu tư vì chính sách không ổn định, người ta không biết được tương lai thế nào. Vì vậy, hệ thống chính sách cần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Cung nói.

Các chuyên gia nhận định, nay là thời điểm chín muồi để phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và mong Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp mới và cũng rất quan trọng này. Trong đó, vấn đề cần Chính phủ giải quyết sớm là xây dựng lộ trình phát triển; các cơ chế, chính sách cụ thể để có thể thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài; tạo được niềm tin để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài ở Việt Nam.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) từng bày tỏ: “Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có động thái tích cực trong tiến trình phát triển điện gió nhưng còn nhiều việc phải làm. Chúng ta cần giải pháp sớm, không thể chờ khi tất cả chính sách ban hành mới phát triển điện gió ngoài khơi. Như thế là quá chậm”.

Hiện nay, các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi hầu hết là các tập đoàn dầu khí lớn, như: Equinor, Shell, Repsol, Total, BP, Chevron, CNOC, Petronas… Trong đó, có những công ty, như Orsted của Đan Mạch, đã chuyển hoàn toàn sang các dự án năng lượng tái tạo. Orsted hiện có hơn 11.000 MW điện gió ngoài khơi và đặt mục tiêu đạt 50.000 MW công suất lắp đặt vào năm 2030.

Hải Minh

Nguồn:Cần kíp có chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể cho điện gió Việt Nam (petrotimes.vn)