Tăng trưởng điện gió ngoài khơi đang đà “chậm lại”

Theo một nghiên cứu công bố gần đây của tổ chức nghiên cứu tư vấn điện gió ngoài khơi McKinsey’s Offshore Wind Hub (New York, Hoa Kỳ), các công nghệ có tốc độ tăng trưởng dự kiến nhanh nhất là những công nghệ dễ bị tắc nghẽn nhất, chẳng hạn như điện gió và năng lượng mặt trời. Đặc biệt, lĩnh vực điện gió ngoài khơi đã chứng kiến đà suy giảm tăng trưởng ở cả châu Âu lẫn châu Mỹ.

Ảnh minh họa


Ông Jakub Zivansky, Phụ trách quan hệ đối tác và lãnh đạo toàn cầu của McKinsey’s Offshore Wind Hub, nói với tạp chí Offshore rằng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi hiện đang nhìn lại một thập kỷ tăng trưởng, phát triển, tạo ra giá trị hấp dẫn và đáp ứng các mục tiêu kỳ vọng ngày càng tăng của các chính phủ trên thế giới. Theo đó, sự tiến triển của ngành công nghiệp gió ngoài khơi thời gian, bao gồm:

Tăng trưởng công suất: Ngành công nghiệp điện gió có bước tăng trưởng về mặt công suất từ mức 3 GW (2010) lên hơn 60 GW công suất thiết kế lắp đặt, bao gồm cả Trung Quốc, nơi mà hệ thống điện gió ngoài khơi sản xuất đủ điện để cung cấp cho một quốc gia cỡ trung bình trên thế giới.

Đặc trưng cơ bản: Điện gió ngoài khơi hiện được đông đảo các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo chuyển đổi năng lượng coi là một lĩnh vực không thể thiếu trong việc đạt được tiến trình chuyển đổi năng lượng, trở thành một nguồn điện tái tạo có thể mở rộng, bổ sung cho các nguồn phát điện tái tạo khác cũng như được bố trí gần các trung tâm phụ tải ven biển và là nguồn năng lượng sạch.

Chi phí cạnh tranh: Chi phí sản xuất điện gió quy dẫn đã giảm từ mức gần 200USD/MWh xuống còn gần 80 USD/MWh trong giai đoạn 2010-2022 đối với điện gió ngoài khơi do phát triển công nghệ sáng tạo mới và công nghiệp hóa.

Tạo ra giá trị: Ngành công nghiệp điện gió đã trải qua quá trình tạo ra giá trị rất hấp dẫn xuyên suốt chuỗi giá trị, một phần là nhờ vào trợ cấp của chính phủ các nước. Thêm vào đó, chính phủ các nước còn đặt mục tiêu nâng công suất điện gió lên hơn 400 GW (bao gồm cả Trung Quốc) vào năm 2030.

Tuy vậy, thật không may, lĩnh vực điện gió ngoài khơi đã không giữ được đà phát triển tốt như thời gian qua.

Điện gió ngoài khơi chứng kiến đà suy giảm

Theo ông Jakub Zivansky, trong môi trường kinh tế vĩ mô như hiện nay thì điện gió ngoài khơi chịu tác động ảnh hưởng nặng nề nhất, do vậy, tốc độ tăng trưởng hiện đang có chiều hướng chậm lại ở cả châu Âu và châu Mỹ.

Một phần của nguyên nhân trên là do áp lực kinh tế vĩ mô khi mức tăng lãi suất và chi phí nguyên liệu thô đã tác động tiêu cực đến các dự án điện gió ngoài khơi, điều này đã dẫn đến việc buộc phải hủy bỏ hoặc trì hoãn nhiều dự án với chỉ khoảng dưới 20% công suất (dựa trên một loạt dự án đã công bố) lên kế hoạch vào năm 2022 đã được phê duyệt tài chính và triển khai thực hiện tại cả hai thị trường mới nổi như Hoa Kỳ và thị trường điện gió ngoài khơi được thiết lập ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là châu Âu.

Một lý do khác khiến ngành công nghiệp điện gió tăng trưởng chậm lại là do những quan ngại về mặt lợi nhuận. Với những thách thức xuất phát từ sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và hành động cạnh tranh của các nhà phát triển trên trường toàn cầu (với hơn 60 công ty tham gia), thì ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đang phải đối mặt với kịch bản lợi nhuận thấp có thể xảy ra do lạm phát, chi phí vốn đầu tư và lãi suất tăng cao. Riêng về chi phí điện quy dẫn cho điện gió ngoài khơi thì mức đầu tư vốn đã tăng gấp nhiều hơn so với chi phí điện gió hoặc năng lượng mặt trời trên đất liền tính trên mỗi MWh theo cơ cấu chi phí khác nhau của các công nghệ này. Tuy vậy, điện gió ngoài khơi về cơ bản vẫn không thể thiếu vai trò vị trí trong việc đạt được sự kết hợp năng lượng sạch ở nhiều khu vực trên thế giới do khả năng mở rộng hạn chế của các giải pháp năng lượng tái tạo khác. Dựa trên cơ sở kết quả lập mô hình nghiên cứu và đối chiếu tài liệu bổ sung cũng như chất tải cơ sở nên điện gió ngoài khơi thực sự có thể lcắt giảm chi phí điện trung bình của hệ thống điện đã loại bỏ carbon, do đó giúp làm giảm nhu cầu phát triển một cách quá mức các công nghệ khác như lưu trữ năng lượng.

Ông Zivansky còn cho biết thêm khi nào và bằng cách nào thì việc phát triển điện gió ngoài khơi sẽ tái xuất trở lại nhằm mục tiêu đem lại lợi nhuận mang tính cơ cấu song vẫn sẽ phụ thuộc vào một số động lực khác. Hiện có rất nhiều kết quả có thể xảy ra với những tác động khác nhau như vị trí trong đường cong chi phí, khung pháp lý, sức hút thị trường, chuỗi cung ứng và hành động của nhà phát triển.

Vị trí trong đường cong chi phí

Ông Zivansky giải thích tiếp, liệu chi phí điện gió ngoài khơi có thể nhanh chóng giảm xuống mức hấp dẫn về cơ bản được không? Hiện chúng ta đang chứng kiến những khó khăn thách thức kéo dài với giá cả hàng hóa tăng cao hơn sau khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, đẩy lãi suất và lạm phát cũng tăng cao theo. Do đó, sự hội tụ về vai trò vị trí chi phí sẽ giúp thu hẹp khoảng cách với các nguồn thay thế là khá “chậm”.

4C Offshore, một công ty con về tư vấn của TGS (Vương quốc Anh), cũng đã hạ dự báo (10/2023) về việc phát triển công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu gần 25% trong vòng 4 năm tới. Theo đó, chi phí vốn đầu tư tăng mạnh, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng cũng đang khiến các chủ đầu tư trì hoãn các dự án điện gió ngoài khơi của mình. Qua kết quả phân tích đánh giá đối với 113 dự án điện gió ngoài khơi cho thấy công suất 15 GW theo kế hoạch đang gặp áp lực về mặt tài chính, đặc biệt đối với các hợp đồng cung cấp điện được đảm bảo từ năm 2019 đến năm 2022. Tiếp đó, công suất 10,9 GW khác nữa cũng có thể gặp rủi ro, mặc dù các nhà phát triển trong những trường hợp này vẫn chưa đưa ra tín hiệu bày tỏ mối quan ngại. Tình hình này đang làm trì hoãn các dự án với sự sụt giảm về số lượng các dự án gió ngoài khơi đang được tiến hành lắp đặt từ năm 2023 đến năm 2027. Triển vọng phát triển điện gió ngoài khơi cho đến năm 2030 được dự báo sẽ tốt hơn do nhu cầu về mặt dài hạn và các yếu tố cơ bản mạnh mẽ khác nữa.

Khung pháp lý

Ông Zivansky đặt vấn đề rằng liệu các khuôn khổ hỗ trợ điện gió ngoài khơi sẽ được điều chỉnh để đảm bảo đạt được các mục tiêu hay chính phủ các nước sẽ kỳ vọng với tốc độ xây dựng lắp đặt ở mức thấp hơn? Các cơ quan có thẩm quyền ở một số nước đã đưa ra thông báo có lợi cho điện gió ngoài khơi, chẳng hạn như trường hợp vòng đấu giá điện gió sắp tới sẽ diễn ra ở Vương quốc Anh.

Một ví dụ khác, Ba Lan đã đặt mục tiêu quốc gia là tạo ra 11 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2040. Lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Ba Lan hiện có bảy dự án với tổng công suất 5,9 GW. Theo nhà cung cấp dịch vụ và tư vấn năng lượng tái tạo Natural Power (Vương quốc Anh), những cột mốc ban đầu này được củng cố bởi các quyết định mang tính chiến lược của Chính phủ Ba Lan, bao gồm các quy định thúc đẩy sản xuất điện ở các trang trại điện gió ngoài khơi, cải tiến thủ tục hành chính để thực hiện dự án một cách nhanh hơn và kế hoạch phát triển không gian với diện tích 2,34 nghìn km2 để xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi.

Sức hút thị trường

Ông Zivansky còn tỏ băn khoăn về việc liệu các phân khúc khách hàng có nhu cầu thúc đẩy điện gió ngoài khơi với quy định loại bỏ carbon ở mức rộng hơn, ví dụ như REDIII (Renewable Energy Directive-Chỉ thị năng lượng tái tạo) và CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon tức là mức thuế quan carbon đối với các sản phẩm sử dụng nhiều carbon như xi măng và một số loại điện được EU nhập khẩu) ở châu Âu hay không? Nhu cầu về năng lượng xanh đang nổi lên trong số những khách hàng thích nghi nhanh việc áp dụng công nghệ chuyển đổi song sức hút của thị trường vẫn còn phụ thuộc vào vấn đề chi phí.

Hiện REDIII là khung pháp lý nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng của EU lên 42,5% vào năm 2030. Chỉ thị này đã được sửa đổi vào năm 2023 và có hiệu lực vào ngày 20/11/2023 vừa qua. CBAM là mức thuế biên giới carbon do EU lập ra để cắt giảm lượng khí thải carbon cũng như mục đích nhằm ngăn chặn những nguy cơ rủi ro cao về rò rỉ carbon và phát thải khí khi khai thác dầu khí ngoài khơi.

Hiện nay, Chính phủ Vương quốc Anh đang triển khai thực thi một số biện pháp có thể áp dụng nhằm hiện thực hóa các dự án loại bỏ carbon như các trang trại điện gió nổi. Na Uy và Vương quốc Anh cũng đã tìm cách khuyến khích các dự án loại bỏ carbon thông qua hệ thống thuế. Gần đây, công ty chuyên về điện gió ngoài khơi Odfjell Oceanwind (Na Uy) đã nêu giải thích cái cách mà hệ thống thuế có thể trở thành một công cụ hiệu quả để đạt được mục tiêu loại bỏ carbon đã đề ra.

Chuỗi cung ứng

Mới đây, hãng kiểm toán Ernst&Young (EY) của Vương quốc Anh đã đưa ra báo cáo cho rằng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đã trải qua 12 tháng rất khó khăn với nhiều thách thức bởi chuỗi cung ứng bị siết chặt và chi phí vốn đầu tư leo thang. Hiện chi phí dự án điện gió toàn cầu đã tăng 39% kể từ năm 2019 và trong thập kỷ tới có thể còn chứng kiến lạm phát tăng, điều này đẩy chi phí tăng thêm khoảng 280 tỷ USD vốn đầu tư cho lĩnh vực này. EY còn cho biết khoảng 80% trong số 15 thị trường đặt mục tiêu về điện gió ngoài khơi vào năm 2030 được dự đoán sẽ không đạt được mục tiêu như đã đề ra.

“Liệu các nút thắt trong chuỗi cung ứng có thể được khắc phục kịp thời không? Liệu các nhà cung cấp và nhà phát triển có thể chia sẻ rủi ro một cách tốt hơn khi tăng công suất chuỗi cung ứng được không? Điều dễ nhận thấy là các nhà cung cấp hiện đang gặp thách thức với những nút thắt thường xuyên và đối mặt với nhiều khó khăn trong việc ký kết đầu tư dự án do một số bất ổn thường xuyên về tiến độ xây dựng dự án “, ông Zivansky nói thêm.

Theo tổ chức nghiên cứu về năng lượng Rystad Energy (Na Uy) công bố nghiên cứu mới nhất gần đây cho biết, trong vài tháng qua, một số nhà phát triển và chính phủ đã ra thông báo về việc trì hoãn hoặc hủy bỏ các dự án như ở Vương quốc Anh và Đan Mạch. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên bao gồm chi phí đầu tư phát triển ngày càng tăng, phát sinh nhiều khó khăn trong việc đảm bảo các thỏa thuận hợp đồng tiêu thụ không đạt được mức như kỳ vọng và những thay đổi về quy định luật lệ. Như vậy, Vương quốc Anh và Đan Mạch dự kiến đều sẽ bỏ lỡ các mục tiêu điện gió ngoài khơi vào năm 2030 với biên độ lớn hơn so với dự báo trước đây. Ví dụ, Vương quốc Anh hiện dự kiến sẽ đạt công suất điện gió ngoài khơi tối đa 46,8 GW vào năm 2030, thiếu hụt mục tiêu công suất mà chính phủ đã đặt ra là 50 GW. Tương tự như vậy, Đan Mạch hiện được kỳ vọng sẽ chỉ đạt công suất hơn 10 GW một chút thay vì mục tiêu là 12 GW như đã hoạch định.

Hành vi ứng dụng của nhà phát triển

Ông Zivansky còn tỏ ra băn khoăn khi đặt vấn đề liệu cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại có kích hoạt sự hợp nhất và siết chặt kỷ luật tài chính cao hơn nữa giữa các nhà phát triển hay không? Một điều rõ ràng là các nhà phát triển đã trở nên mang tính chọn lọc hơn khi hiện diện trên thị trường và một số thương vụ hợp nhất đang tiếp tục diễn ra.

Ví dụ như là cuộc đấu giá hợp đồng thuê gió ngoài khơi Vịnh Mexico (Hoa Kỳ) diễn ra vào cuối tháng 8/2023. Công ty năng lượng đa quốc gia RWE AG (CHLB Đức) là một trong số bốn nhà thầu duy nhất của Châu Âu về năng lượng tham gia đấu giá ba hợp đồng thuê gió ngoài khơi Vịnh Mexico thuộc các tiểu bang Louisiana và Texas. Theo đó, các công ty sẽ tham gia đấu thầu quyền phát triển tại những diện tích được phép thuê để xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi. Theo tài liệu của Văn phòng Quản lý năng lượng đại dương (Bureau of Ocean Energy Management- BOEM) trực thuộc Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ công bố đã có tới 15 công ty khác nhau hội tụ đủ điều kiện tham gia cuộc đấu thầu trên song tiến độ triển khai đấu thầu diễn ra một cách chậm chạp và kết quả đạt thấp.

Bà Samantha Woodworth, một chuyên gia phân tích nghiên cứu hàng đầu của tổ chức Wood Mackenzie (Vương quốc Anh), Viện nghiên cứu điện gió Bắc Mỹ của Hoa Kỳ (North America Wind), nói với tạp chí Offshore hồi tháng 10/2023 rằng các cuộc đấu thầu vẫn đang còn ở đó và các công ty phát triển chỉ tạm thời đang ở trong một giai đoạn khó khăn mang tính chất không đáng kể.

 

Tuấn Hùng

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tang-truong-dien-gio-ngoai-khoi-dang-da-cham-lai-704085.html