Cảnh báo khủng hoảng rác thải từ pin năng lượng mặt trời ở Australia

Australia đã lập kỷ lục thế giới về tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên đi kèm với sự phát triển ấy là nỗi lo về vấn đề rác thải pin năng lượng mặt trời đang ngày càng tăng cao.

Với con số gần một phần ba hộ gia đình được lắp đặt pin năng lượng mặt trời, Australia đã lập kỷ lục thế giới về tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. Từ những năm 2010, quốc gia này đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua những tấm pin năng lượng mặt trời. Tại phía Nam Australia, một trong tám bang của đất nước, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng pin năng lượng mặt trời là rất lớn, đến mức nguồn năng lượng của một nửa hộ gia đình ở vùng này được cung cấp bởi các tấm pin năng lượng mặt trời tại gia.

Tuy nhiên sau đó, việc thay đổi tiêu chuẩn điện đã khiến một số hộ gia đình phải thay thế pin năng lượng mặt trời sớm hơn dự kiến, mặc dù về lý thuyết, loại pin này có thể hoạt động từ 25 đến 30 năm.

Hiện nay, tại Australia, chỉ có bang Victoria cấm việc chôn lấp pin năng lượng mặt trời. Còn ở những khu vực khác, đôi khi những tấm pin vẫn còn hoạt động tốt cũng bị vứt vào bãi rác và các kim loại có trong pin cũng không được thu hồi để tái sử dụng.

Australia đối mặt với nguy cơ "ngập" trong rác thải từ pin năng lượng mặt trời

Trong một tấm pin năng lượng mặt trời có chứa đồng, bạc và silicon. Đây đều là những vật liệu quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng và được dự báo về nhu cầu có thể vượt quá nguồn cung trong những năm tới. Tại Hội nghị COP28 diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, các quốc gia đã cam kết tăng gấp ba năng lực sản xuất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Vì thế, việc tái chế các tấm pin mặt trời là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố vào tuần trước bởi Đại học New South Wales, Australia, lượng pin mặt trời hết tuổi thọ ở quốc gia này sẽ tăng gần gấp bảy lần trong vòng 10 năm tới, đạt hơn 1 triệu tấn mỗi năm vào năm 2034.

Trước lượng rác thải khổng lồ, Australia không có đủ khả năng tái chế. Tại Australia, chi phí chôn lấp một tấm pin mặt trời là 2 đô la , nhưng việc tái chế có thể cao gấp 10 lần. Bên cạnh đó, các công ty bán tấm pin mặt trời ở quốc gia này cũng không được khuyến khích hỗ trợ một phần chi phí tái chế.

Vài năm trước đây, Australia đã xuất khẩu rác thải sang nước ngoài, điều này có thể đã cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp tái chế địa phương. Hiện tại cũng không có thị trường nội địa để tái sử dụng kim loại tái chế, vì Australia gần như nhập khẩu tất cả tấm pin mặt trời từ Trung Quốc.

Thủ tướng Anthony Albanese, một thành viên của Đảng Lao động, đã giải thích về nghịch lý này: “Chúng tôi là quốc gia có nhiều tấm pin mặt trời trên đầu người nhất trên thế giới, trên mái nhà của chúng tôi. Nhưng chỉ 1% trong số đó được sản xuất tại Australia”.

Australia có tham vọng sản xuất 82% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Tuy nhiên trước thực trạng hiện tại, có lẽ mục tiêu này vẫn còn xa vời. Không những vậy, một nửa lượng điện trên còn đến từ các nhà máy điện than gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

 

Nguồn:https://moitruong.net.vn/canh-bao-khung-hoang-rac-thai-tu-pin-nang-luong-mat-troi-o-australia-73811.html