Đề xuất nhiều cơ chế ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo và có báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Bộ Công Thương cho biết, trong điều kiện cung ứng điện từ nay đến năm 2025 dự báo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực miền Bắc, việc bổ sung kịp thời các nguồn điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu có ý nghĩa quan trọng. Trong khi việc phát triển loại hình nguồn điện này còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách cho loại hình năng lượng này cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, ban hành theo đúng các trình tự thủ tục về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, Bộ lựa chọn hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để thực hiện trước. 

Các cơ chế khuyến khích được Bộ này đề xuất nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII, đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu ưu tiên và có chính sách đột phá phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân, mái công trình xây dựng, nhất là khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến 2030, công suất các nguồn điện loại này ước tính tăng thêm 2.600 MW, được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất với điều kiện giá hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Theo đó, người dân, doanh nghiệp lắp điện mặt trời mái nhà tại nhà ở, trụ sở làm việc sẽ được miễn giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí và được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các công sở thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ, ngành sẽ được ngân sách ưu tiên bố trí vốn khi lắp đặt loại năng lượng này cho mục đích tự dùng tại chỗ. Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, công trình xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Để dễ dàng hơn trong việc áp dụng, dự thảo cũng đã định nghĩa cụ thể như thế nào là điện mặt trời mái nhà. Cụ thể: "Hệ thống điện mặt trời mái nhà" là hệ thống có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái của nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp.

Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích chính để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Công sở là trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập. Trụ sở của doanh nghiệp là văn phòng làm việc của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện không bao gồm các trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo và có báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. 

Dự thảo quyết định cũng nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng Hệ thống điện mặt trời mái nhà. Bộ Công Thương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra, giám sát thực hiện Quyết định này; Phối hợp với các bộ ngành, địa phương huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở chính của doanh nghiệp, trụ sở hộ kinh doanh; Hướng dẫn các yêu cầu về an toàn điện đối với các Hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các biện pháp giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà hoặc thiết kế một gói cho vay lãi suất ưu đãi đối với các hệ thống này, ưu tiên bố trí trước cho khu vực miền Bắc; Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở, ưu tiên bố trí trước cho khu vực miền Bắc; Chủ trì nghiên cứu bổ sung quy định miễn, giảm các loại thuế, phí đối với các Hệ thống điện mặt trời mái nhà trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Bộ Xây dựng đẩy mạnh nghiên cứu, hướng dẫn đơn giản hoá các thủ tục cấp, miễn giấy phép xây dựng, thẩm định an toàn công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng có lắp đặt Hệ thống điện mặt trời mái nhà. Bộ Công an: Nghiên cứu, hướng dẫn đơn giản hoá các thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình xây dựng có lắp đặt Hệ thống điện mặt trời mái nhà. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn việc xử lý vật tư, thiết bị, chất thải phát sinh của các hệ thống điện mặt trời mái nhà trong quá trình xây dựng, vận hành và khi kết thúc.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện phát triển Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại địa phương theo thẩm quyền; Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động liên quan đến an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ của Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành;

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp hoặc giao cơ quan chuyên môn tiếp nhận thông tin công suất của Hệ thống điện mặt trời mái nhà do tổ chức, cá nhân cung cấp. Báo cáo Bộ Công Thương về tình hình phát triển các Hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn trước ngày 25 tháng 6 và 25 tháng 12 hàng năm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Xây dựng chương trình vận động, tuyên truyền đến người dân, các cơ quan công sở lắp đặt Hệ thống điện mặt trời mái nhà để đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà cho mục đích tự sử dụng; Phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát vận hành của Hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện.

Tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng Hệ thống điện mặt trời mái nhà có trách nhiệm đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ của Hệ thống điện mặt trời mái nhà theo quy định của pháp luật hiện hành; Cung cấp thông tin công suất của Hệ thống điện mặt trời mái nhà cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan chuyên môn được giao trước khi lắp đặt. 

Gần đây nhất (10/6), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một số bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện mục tiêu trong Quy hoạch Điện 8 là phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Phó Thủ tướng nêu rõ, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo chưa được quy định trong các văn bản luật, nghị định nên cần có các cơ chế năng động, sáng tạo trong thực hiện thí điểm. Nhiệm vụ trước mắt là cần có ngay cơ chế, chính sách khắc phục những bất cập, hạn chế trong Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà. Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời mái nhà phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở, doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý phải tạo điều kiện thông thoáng, có hướng dẫn kỹ thuật, an toàn, giảm thuế cho các nhà sản xuất, nhập khẩu thiết bị điện mặt trời, hỗ trợ người dân khi mua sắm…

Lê Mai

Nguồn:https://thiennhienmoitruong.vn/de-xuat-nhieu-co-che-uu-dai-cho-dien-mat-troi-mai-nha.html