Đến năm 2030, Việt Nam cần 135 tỷ USD đầu tư cho lưới điện và năng lượng tái tạo

Theo Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII nhận định đến 2030, nguồn vốn để đầu tư, xây dựng dự án điện dự kiến khoảng 135 tỷ USD. Đây cũng là mức đầu tư được báo cáo triển vọng thị trường vốn của FiinRatings dự đoán đối với năng lượng tái tạo.

Điện mặt trời mái nhà bao phủ 50% tòa nhà công sở, nhà dân vào năm 2030

Trong Tờ trình Chính phủ về dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương, xác định nguồn vốn cần để đầu tư, xây dựng các dự án điện đến 2030 dự kiến khoảng 134,7 tỷ USD.

Về phân kỳ vốn đầu tư, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII đưa ra giai đoạn 2021-2025 là 57,1 tỷ USD trong đó nguồn điện là 48,1 tỷ USD và lưới truyền tải là 9,0 tỷ USD. Vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 là 77,6 tỷ USD trong đó nguồn điện 71,7 tỷ USD và lưới truyền tải là 5,9 tỷ USD.

Bộ Công Thương tính riêng vốn đến 2025 là trên 57 tỷ USD. Trong đó, nguồn điện chiếm hơn 84% và lưới truyền tải là 16%. Nhưng 5 năm sau đó, các dự án nguồn điện cần tới gần 72 tỷ USD để đầu tư, xây dựng, trong khi truyền tải xấp xỉ 6 tỷ USD.

Điện mặt trời mái nhà (tự sản xuất, tự tiêu) dự kiến bao phủ 50% tòa nhà công sở, nhà dân vào năm 2030.

Về nhu cầu điện năng lượng tái tạo cho sản xuất các loại năng lượng mới (như hydro xanh, amoniac xanh) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, ưu tiên phát triển tại các khu vực có tiềm năng năng lượng tái tạo cao, thuận tiện trong vận chuyển là khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Công suất nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới không tính vào cơ cấu nguồn điện cung cấp cho phụ tải hệ thống điện quốc gia.

Với các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được phân bổ theo vùng. Các địa phương lựa chọn quy mô, vị trí của các dự án nguồn này dựa trên các yếu tố như chi phí sản xuất, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải và hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội.

Với nguồn điện mặt trời, các địa phương tính toán quy mô công suất các dự án điện mặt trời tập trung căn cứ vào tính khả thi, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện khu vực; chi phí sản xuất điện quy dẫn, có xét đến chi phí truyền tải điện.

Với các dự án điện mặt trời mái nhà sẽ được phân bổ theo tỷ lệ quy mô diện tích đất khu công nghiệp, với công suất phát triển khoảng 2.600 MW vào năm 2030. Còn nguồn năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời tập trung, điện gió) sẽ phân bổ theo vùng, tiểu vùng và địa phương tính toán, đánh giá giới hạn truyền tải giữa các khu vực và chế độ vận hành lưới điện.

Với điện mặt trời mái nhà (tự sản xuất, tự tiêu) dự kiến bao phủ 50% tòa nhà công sở, nhà dân vào năm 2030. Còn với thủy điện nhỏ, sinh khối, điện rác sẽ do các tỉnh đề xuất dựa trên tiềm năng địa phương.

Cơ cấu nguồn điện tập trung sang năng lượng tái tạo

Báo cáo triển vọng thị trường vốn của FiinRatings cho biết, đến năm 2030 cơ cấu nguồn điện sẽ tập trung sang các nguồn năng lượng tái tạo với tỷ lệ 27%, trong đó điện gió trên bờ chiếm 14,5% tổng công suất các nhà máy điện, điện gió ngoài khơi 4% và điện mặt trời chiếm 8,5%.

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng nhóm nghiên cứu FiinRatings lại nhận định vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó với nhà đầu tư cơ chế giá và bao tiêu sản lượng là những e ngại lớn nhất.

Về triển vọng năm 2024, FiinRatings kỳ vọng Chính phủ và EVN sẽ thực hiện cải cách, thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, và sớm đưa ra các hướng dẫn cụ thể về cơ chế giá, cũng như các cơ chế để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.

Hiện tại, đã có những tín hiệu tích cực trong quá trình này, đặc biệt là cho những dự án chuyển tiếp (các dự án chưa đi vào vận hành theo thời gian quy định như quy hoạch, do đó chưa có mức giá cụ thể).

Việt Nam cần 135 tỷ USD đầu tư cho năng lượng tái tạo đến năm 2030.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, sau một thời gian dài các dự án rơi vào đình trệ. Lũy kế đến tháng 11/2023, đã có 21 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1.201,4 MW đã hoàn thành thủ tục COD đã phát điện thương mại lên lưới điện.

Đối với việc tài trợ cho các dự án điện đòi hỏi nguồn vốn rất dài hạn. Mức đầu tư ước tính 135 tỷ USD trong 10 năm (tương đương 13,5 tỷ USD/năm). Hiện tại, dư nợ cho các dự án năng lượng tái tạo trong hệ thống cũng mới chỉ khoảng 10 tỷ USD. Điều này cho thấy việc khơi thông được dòng vốn tư nhân, và các cơ chế hỗ trợ thị trường tài chính xanh để thu hút dòng vốn nước ngoài là đặc biệt quan trọng.

Theo FiinRatings, thị trường tài chính xanh, tín dụng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng cũng như của các đối tác quốc tế. Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể trong việc hoàn thiện cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho việc xác định các lĩnh vực, dự án được cấp tín dụng xanh, các tiêu chí đánh giá dự án xanh, các hình thức cấp tín dụng xanh để tạo cơ sở phát triển nguồn vốn và giải ngân.

Ông Nguyễn Anh Khoa - Phó tổng giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Năng lượng của VinaCapital cho rằng, để thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược nhằm khơi thông nguồn lực tài chính trong lĩnh vực năng lượng xanh, Việt Nam cần kịp thời đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư ổn định, nhằm mang lại tỷ lệ sinh lời hợp lý Thị trường năng lượng tái tạo cần có các chính sách đủ dài và tương đối ổn định với thủ tục pháp lý rõ ràng để thu hút hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Đồng thời, theo ông Khoa, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển về năng lượng tái tạo trong việc xây dựng và hình thành cơ chế giá cho các nguồn năng lượng mới như hydro xanh, điện gió ngoài khơi hoặc hình thức mua bán điện trực tiếp, đấu giá điện. Việc phát triển nguồn nhân lực có nghiệp vụ và chuyên môn cao cũng cần được ưu tiên để có thể hỗ trợ trao đổi với nhà đầu tư khi họ tìm hiểu về các cơ hội tham gia thị trường Việt Nam.

Kim Ngân

Nguồn:https://kinhtemoitruong.vn/den-nam-2030-viet-nam-can-135-ty-usd-dau-tu-cho-nguon-luoi-dien-va-nang-luong-tai-tao-85985.html