Nhà sản xuất năng lượng mặt trời tư nhân lớn nhất Trung Quốc tháo chạy khỏi lĩnh vực của mình

Theo lời các lãnh đạo chia sẻ với Reuters, nhà sản xuất năng lượng mặt trời tư nhân lớn nhất Trung Quốc, công ty GCL Holdings, đang tái xây dựng hoạt động kinh doanh khí đốt tự nhiên sau khi bán toàn bộ nhà máy điện mặt trời để tập trung vào năng lực nhập khẩu khí đốt và hoạt động thương mại.

GCL đang tái xây dựng hoạt động kinh doanh khí đốt tự nhiên sau khi bán toàn bộ nhà máy điện mặt trời. Ảnh AFP

Nếu thành công, GCL sẽ gia nhập nhóm các công ty khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn ở Trung Quốc, như ENN Natural Gas và Beijing Gas Group. Các công ty này đang hướng đến mục tiêu tăng cường nhập khẩu loại nhiên liệu siêu lạnh cùng với các công ty nhà nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

Sự trở lại của GCL với lĩnh vực khí đốt sau nhiều năm được diễn ra trong bối cảnh giá LNG trên thị trường quốc tế giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm, do nguồn cung tăng cao, trong khi nhu cầu dự kiến sẽ tăng tại Trung Quốc, quốc gia đã lấy lại vị trí là nhà thu mua LNG lớn nhất thế giới vào năm ngoái.

Tháng trước, GCL New Energy Holdings, đơn vị niêm yết tại Hồng Kông của tập đoàn, đã tuyển dụng Xiong Xin, cựu Phó chủ tịch ENN Natural Gas, làm Giám đốc giao dịch khí đốt. Theo các giám đốc điều hành của công ty chia sẻ với hãng Reuters, ông Xiong sẽ dẫn dắt nhóm có trụ sở tại Bắc Kinh vào cuối năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 20 nhân viên.

Theo ông Xu Huilin, Chủ tịch điều hành GCL New Energy, ông Xiong, người bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực LNG tại CNOOC, cũng sẽ lãnh đạo một chi nhánh giao dịch khí đốt mới tại Singapore với khoảng năm nhân viên trong các tháng sắp tới.

Thông tin chi tiết về việc GCL quay trở lại lĩnh vực khí đốt chưa được tiết lộ trước đó.

GCL trước đây là nhà sản xuất năng lượng mặt trời tư nhân lớn nhất Trung Quốc, GCL đã tham gia vào lĩnh vực khí đốt khoảng 10 năm trước và đã giành được quyền khai thác hydrocarbon ở Ethiopia. Năm 2018, họ dự kiến sẽ đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng 5 terminal tiếp nhận LNG dọc theo bờ biển Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Xu cho biết, tham vọng khí đốt của công ty bị cản trở bởi gánh nặng từ mảng năng lượng mặt trời. Mảng này chịu ảnh hưởng bởi tình trạng dư thừa công suất trong toàn ngành và từ việc Bắc Kinh dần loại bỏ trợ cấp.

Trung Quốc, nhà khai thác và nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất lớn, khiến giá vật liệu và thiết bị năng lượng mặt trời toàn cầu giảm mạnh và dấy lên lo ngại về tình trạng bán phá giá trên thị trường quốc tế.

Theo một đại diện truyền thông của công ty cho biết, GCL đã bán toàn bộ 220 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 7,15 gigawatt, chủ yếu cho các công ty dịch vụ công cộng, thu về khoảng 23,5 tỷ nhân dân tệ (3,25 tỷ USD) cho đến cuối năm 2023,

Ông Xu cũng cho biết, tập đoàn vẫn đảm bảo vận hành và bảo trì các trang trại năng lượng mặt trời và sở hữu hoạt động sản xuất silicon có lợi nhuận.

Ông Xu, trước đây là Phó chủ tịch của công ty nhà nước Sinochem Oil, người đã gia nhập GCL vào tháng 6 năm ngoái, ông cho biết: “Việc tách rời mảng năng lượng mặt trời nặng ở hạ nguồn đã giúp tập đoàn tái định hướng chiến lược sang các hoạt động liên quan đến khí đốt”.

Terminal LNG nhà máy điện khí

Ông Xu cho biết, sự tái định hướng này bao gồm việc xây dựng hai terminal kinh doanh và thương mại khí đốt quốc tế, cũng như khai thác và xuất khẩu khí đốt từ Ethiopia.

Ông Xu và ông Xiong cũng cho biết, GCL đang xây dựng một terrminal nhập khẩu ước tính 5 tỷ nhân dân tệ tại Rudong, tỉnh Giang Tô, có thể xử lý 3 triệu tấn khí LNG mỗi năm. Dự án do GCL nắm giữ 51% và công ty dầu khí độc lập Pacific Energy nắm giữ 49%, được dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2025.

Pacific Energy hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức về dự án.

Nhà máy có quy mô tương tự dự kiến được xây dựng tại Maoming, Quảng Đông, nơi GCL có thể sẽ nắm giữ 43% cổ phần, đang chờ được chính phủ phê duyệt, họ cho biết thêm.

Theo ông Xu, GCL hiện sở hữu 10 nhà máy điện chạy bằng khí đốt tại Quảng Đông và Giang Tô, với nhu cầu tiêu thụ khí đốt hơn 2 tỷ mét khối cho hoạt động kinh doanh. Công ty cũng có kế hoạch bán khí đốt cho các khách hàng thứ ba, bao gồm các công ty khí đốt thành phố và nhà sản xuất gốm sứ.

Theo thông tin từ các quan chức công ty, GCL dự kiến sẽ tái khởi động hoạt động tại khu vực Ogaden giàu khí đốt của Ethiopia, nơi họ đã tạm dừng đầu tư vào khoảng năm 2018 sau khi khoan 40 giếng.

Các quan chức cho biết, một trong những đề xuất là xây dựng một nhà máy khí hóa lỏng có công suất 600.000 tấn mỗi năm tại khu vực. Mục đích là để xuất khẩu nhiên liệu được vận chuyển trong các bồn chứa ISO sang khu vực Nam Á hoặc Châu Âu.

Ông Xu cho biết: “Với ý tưởng là phát triển các nguồn khí đốt từng bước, có thể kết hợp với các đối tác chiến lược trong tương lai để biến nó thành một dự án xuất khẩu LNG quy mô lớn”.

Nh.Thạch

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nha-san-xuat-nang-luong-mat-troi-tu-nhan-lon-nhat-trung-quoc-thao-chay-khoi-linh-vuc-cua-minh-708593.html