Phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP.HCM

Sở Công Thương TP.HCM nhận định, việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời còn mang ý nghĩa về xã hội và môi trường vì thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) ở TP.HCM rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp.  Có 4 nhóm đối tượng có thể phát triển mô hình này: nhóm cơ quan hành chính chiếm 3,27%; nhóm sản xuất chiếm 31,28%; nhóm thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và nhóm hộ gia đình chiếm 62,34%. TP.HCM có số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm. Lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày.

Trên cơ sở đó, Sở Công Thương TP.HCM tham mưu UBND thành phố có đề xuất Chính phủ ban hành về cơ chế đặc thù để được phát triển nguồn phát điện tại chỗ. Trong đó, tập trung phát triển ĐMTMN để cung cấp cho lượng phụ tải rất lớn tại thành phố. Ưu điểm của loại hình năng lượng này là hệ thống lưới điện của thành phố đảm bảo giải tỏa hết công suất của các hệ thống ĐMTMN lắp đặt trên địa bàn, không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải. 

Chính vì vậy, đề xuất Chính phủ cho áp dụng cơ chế mua điện theo giá FIT, cơ chế thực hiện đầu tư ĐMTMN được tiếp tục áp dụng theo quy định tại Quyết định số 11 (năm 2017) và Quyết định số 13 (năm 2020); cho phép thành phố sử dụng các mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống ĐMTMN để tự sử dụng và bán phần điện dư thừa (nếu có) cho ngành điện.

Sở Công Thương TP.HCM nhận định, việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời còn mang ý nghĩa về xã hội và môi trường vì thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà. Đồng thời, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững của thành phố và phù hợp chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời, không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện hằng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao mà còn có thể tăng thu nhập, chống nóng hiệu quả cho công trình, nhất là các vùng nông thôn ngoại thành.

Tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời mái nhà ở TP.HCM rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp. Ảnh: QQ. 

Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó, về sử dụng mái nhà các trụ sở là tài sản công để đặt hệ thống điện mặt trời (khoản 11), nhiều ý kiến nhất trí với chủ trương đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở là tài sản công nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phát triển xanh, phát huy lợi thế của thành phố.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà nhằm nâng cao ý thức sử dụng năng lượng của người dân, tiết kiệm chi phí, giúp tiết kiệm quỹ đất, giảm thời gian, nguồn lực vào đầu tư phát triển các dạng nguồn điện khác (thủy điện, nhiệt điện…) nhằm đảm bảo cung cấp điện cho TP.HCM. Đây là xu hướng phát triển các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.

Toàn bộ hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các tòa nhà công trên địa bàn TP.HCM sẽ được đấu nối với lưới điện hạ áp hiện hữu sau trạm biến thế; đồng thời, công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà được đầu tư theo định hướng đáp ứng vừa đủ công suất tiêu thụ điện của tòa nhà để nhằm mục đích tự sử dụng tại chỗ, lượng điện năng dư thừa phát lên lưới điện không đáng kể, không gây ảnh hưởng đến hệ thống điện hiện hữu. Do đó, không cần đầu tư thêm lưới phân phối mới để giải tỏa công suất. Việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời mang ý nghĩa về mặt xã hội và môi trường khi thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà.

Đối với vấn đề pin thải, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật hiện hành, tấm pin mặt trời thuộc danh mục sản phẩm các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế. Để bảo đảm chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp hệ thống điện mặt trời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý quy định tại khoản 11 Điều 5 Dự thảo Nghị quyết thành “cho phép Ủy ban nhân dân thành phố quyết định việc sử dụng các mái nhà đảm bảo các điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở.

Phần điện còn thừa do không sử dụng hết thực hiện theo quy định pháp luật về điện lực. Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức thực hiện việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời đảm bảo các yếu tố phù hợp về mỹ quan, kiến trúc và môi trường của khu vực xung quanh”. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo và có báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất, khi đầu tư phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà, các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi... Các cơ chế khuyến khích được Bộ Công Thương đề xuất nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt mục tiêu đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Các chuyên gia cho rằng, điện mặt trời trên mái nhà tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, thời gian phát chủ yếu vào ban ngày sẽ làm giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống. Không những thế, việc phát triển điện mặt trời mái nhà còn giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao. Việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện.

Thu Hường

Nguồn:Phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP.HCM (thiennhienmoitruong.vn)