‘Thung lũng Mặt trời’ khiến 'sa mạc nở hoa' và đưa Israel thành cường quốc năng lượng?

Thung lũng sử dụng năng lượng liên quan đến ánh sáng Mặt trời được khởi động vào năm 2014 với ước tính 3 tỷ USD và có đóng góp đáng kể vào cam kết bảo vệ môi trường của Nhà nước Israel.

Cách đây hơn 60 năm, Thủ tướng Israel David Ben-Gurion từng đề cập đến tầm nhìn “làm sa mạc nở hoa”. Lúc đó, chắc hẳn ông cũng không nghĩ rằng có lúc sáng kiến này đã biến thành các dự án hàng tỉ USD. Sáng kiến này là sự kết hợp của ba công trình: nhà máy điện mặt trời khổng lồ; tháp năng lượng mặt trời cao nhất thế giới và nhà máy xử lý nước thải.

‘Thung lũng Mặt trời’ khiến 'sa mạc nở hoa' và đưa Israel thành cường quốc năng lượng?
David Ben-Gurion là Thủ tướng đầu tiên trong thời kỳ phục quốc của Israel, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hiến pháp ở quốc gia này. (Ảnh: Britannica)

Ba công trình này chỉ đều nằm gần một khu dân cư chỉ vọn vẹn có 500 người tại sa mạc Negev, Israel. Hai trong số ba dự án được đặt cạnh nhau trong một khu phức hợp năng lượng mặt trời có tên là Ashalim.

Negev là khu vực kết hợp sa mạc đá, bao quanh bởi bụi, đồi núi khô cằn. Nhiệt độ đỉnh điểm có lúc lên đến 46 độ C, và khu vực này chiếm hơn 50% diện tích lãnh thổ của Israel với khoảng 12.000 km2.

Các dự án được khởi xướng sau khi Chính phủ Israel đặt kế hoạch có được nguồn năng lượng tái tạo đóng góp đến 10% sản xuất điện vào năm 2020.

Thay đổi cuộc chơi trong thị trường năng lượng

Dự án thứ nhất là nhà máy nhiệt điện mặt trời của Negev Energy. Đây là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất của Israel với diện tích khoảng 4km2. Nhà máy điện mặt trời được tạo thành từ 28.000 tấn thép và khoảng 500.000 gương parabol thu ánh sáng để chuyển hóa thành năng lượng. Trị giá nhà máy điện kể trên có giá lên đến 1.1 tỷ USD.

Với sản lượng được bán trực tiếp cho Tập đoàn Điện lực Israel, nhà máy có công suất 121 MW sẽ cung cấp năng lượng sạch, tái tạo cho hơn 60.000 hộ gia đình. Khi hoạt động hết công suất, nhà máy sẽ giúp giảm khoảng 245.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm, tương đương với việc cắt giảm 50.000 phương tiện lưu thông.

Nhà máy được hỗ trợ bởi một trong những hệ thống lưu trữ muối nóng chảy lớn nhất trên thế giới, cho phép lưu trữ và cung cấp thêm 4,5 giờ năng lượng sạch với công suất tối đa mỗi ngày ngay cả sau khi mặt trời lặn hoặc trong khi bầu trời nhiều mây, cho phép hoạt động có thể tăng lên đến 18 giờ mỗi ngày.

Quang cảnh từ trên cao của dự án Negev Energy.. (Nguồn: nocamels.com)
Quang cảnh từ trên cao của dự án Negev Energy. (Nguồn: nocamels.com)

Giám đốc điều hành của Negev Energy, Didi Paz nói với NoCamels rằng nhà máy sử dụng công nghệ đổi mới tiên tiến đến mức nó có thể thay đổi cuộc chơi trong thị trường năng lượng.

“Giống như Thung lũng Silicon ở California, chúng tôi là Thung lũng Mặt trời của Israel”, Paz so sánh vị thế của các cơ sở sử dụng năng lượng mặt trời khi trả lời phỏng vấn với NoCamels.

“Negev Energy độc đáo ở chỗ dự án này có thể mang lại hệ thống lưu trữ năng lượng cho Israel” Paz nói với NoCamels. Ông tuyên bố: “Đây là lần đầu tiên công nghệ của Israel có thể lưu trữ năng lượng, bổ sung vào một phần không thể thiếu trong quy trình năng lượng mặt trời”.

‘Thung lũng Mặt trời’ khiến 'sa mạc nở hoa' và đưa Israel thành cường quốc năng lượng?

Nguồn điện mà dự án tạo ra lên đến 121 MW, có thể cung cấp cho hơn 60.000 hộ gia đình, giảm khoảng 245.000 tấn khí thải COmỗi năm.

Dự án Negev Energy là công ty con 50% của Tập đoàn Shikun & Binui của Israel. Hai chủ sở hữu còn lại là Quỹ đầu tư Noy và TSK - một công ty Tây Ban Nha chuyên về các dự án chìa khóa trao tay cho các nhà máy phát điện năng lượng. Dự án chìa khóa trao tay là dự án được lắp đặt và thiết kế, sau đó sang nhượng cho công ty khác.

Chủ tịch Pinchas (Pini) Cohen của Negev Energy cũng là chủ tịch của Quỹ Noy, và trước đây từng là chủ tịch và Giám đốc điều hành của Châu Phi Israel, một tập đoàn đầu tư quốc tế, đồng thời là chủ tịch của một số công ty đầu tư và bất động sản hàng đầu nổi tiếng nhất ở Israel.

Dự án thứ hai là Nhà máy Năng lượng Mặt trời Megalim, được xây dựng trên diện tích gần 3km2, bao gồm 50.000 gương định nhật hút ánh sáng mặt trời; bộ lưu trữ nhiệt (bao gồm cả nồi hơi) để đun muối tạo nhiệt chuyển hóa năng lượng và các hệ thống điều khiển giám sát và hậu cần và một tháp năng lượng mặt trời khổng lồ cao 260m.

Dự án này có chi phí ước tính là 800 triệu USD. Dự án đã đi vào sản xuất vào tháng 9/2019, sản xuất 320 GWhr/năm và có thể cung cấp điện cho 120.000 ngôi nhà.

Quỹ Noy cũng là một phần của tập đoàn đã thắng thầu nhà máy điện mặt trời Megalim. Hai thành viên còn lại là tập đoàn năng lượng BrightSource có trụ sở tại California và GE Renewable Energy, công ty con của General Electric.

Tháp mặt trời của Megalim Solar Power. (Nguồn: Albatross)

Tháp mặt trời của Megalim Solar Power. (Nguồn: Albatross)

Giám đốc điều hành của Megalim Solar Power, Eran Gartner, tuyên bố với Associated Press vào năm 2017 rằng dự án “là cơ sở xây dựng đơn lẻ quan trọng nhất trong cam kết của Israel về giảm CO2 và năng lượng tái tạo”.

Megalim được mô phỏng theo dự án tháp năng lượng Mặt trời tập trung lớn nhất thế giới, hệ thống phát điện năng lượng Mặt trời Ivanpah, một nhà máy có công suất 390 MW ở California và đang xem xét mở rộng dự án bao gồm một tòa tháp thứ hai và hệ thống lưu trữ muối nóng chảy, tương tự như máy móc được Negev Energy chế tạo.

Đây là tháp Mặt trời lớn nhất thế giới trước khi bị tháp năng lượng Mặt trời cao 262,44m tại Công viên năng lượng Mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum ở Dubai “qua mặt”.

Cả Megalim và Negev Energy được xây dựng theo mô hình BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao), theo đó, sau khi xây dựng và 25 vận hành, dự án sẽ được trao lại cho quốc gia.

Mô hình mẫu nhận ánh sáng mặt trời của tháp năng lượng mặt trời cao 262m tại Dubai. (Nguồn: Construction Review Online)

Tháp năng lượng mặt trời cao 262,44m tại tại Dubai. (Nguồn: Construction Review Online)

Dự án thứ ba là một nhà máy năng lượng Mặt trời 35 MW dựa trên việc sử dụng pin Mặt trời để tạo ra năng lượng điện. Sáng kiến này được đưa ra với khoản đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu USD và được biết đến với tên gọi Dự án Ashalim SUN. Đây cũng là dự án hoàn thành nhanh nhất và trước thời hạn vào tháng 12/2017.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, chính phủ Israel đã cho xây dựng một cơ sở xử lý nước nhằm hỗ trợ các công ty xử lý năng lượng Mặt trời với Nhà máy khử khoáng và xử lý nước thải đồng phát Ramat Hanegev và xây dựng cơ sở hạ tầng xung quanh các khu phức hợp.

Tích cực và hạn chế

Có thể thấy, các dự án kể trên xuất phát từ việc cung ứng nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Thông qua những dự án này, hàng nghìn người dân địa phương có việc làm ổn định vì quy trình vận hành cần nhiều nhân công ở các hạng mục.

Ngoài ra, việc các dự án đi vào quy hoạch sẽ giúp thúc đẩy du lịch và quy hoạch môi trường một cách bài bản. Về du lịch, Paz nói: “Khách du lịch sẽ hoàn toàn có thể thưởng thức cảnh tượng kỳ vĩ, ngắm nhìn chúng từ trên cao”.

Trong khi đó, Hội đồng khu vực Ramat Hanegev, “chủ nhà” của 2 trong 3 dự án kể trên cho biết họ đang chuẩn bị nguồn lực để thu hút sự chú ý của khách du lịch và lắp đặt “các điểm ngắm cảnh và chỗ ở trong khu vực cho các đoàn khách và các nhóm du lịch đến thăm”. Nếu việc này trở thành sự thật, những chuyển biến đối với khu vực là rất lớn với cả những khu vực lân cận, bởi sẽ có nhiều cơ sở hạ tầng được xây dựng kèm theo.

Về mặt hạn chế, có những lo ngại về việc tàn phá tài nguyên thiên nhiên. Dầu vậy, ông Paz cho rằng các dự án tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, nhưng chúng vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế tiên tiến và hướng đến sự phát triển bền vững, bằng cách sử dụng nước từ nhà máy khử muối và tái chế dầu tải nhiệt do gương tiết ra.

Israel có thể không được coi là quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo, nhưng với những dự án này và những dự án trong tương lai, quốc gia này có thể đang trên đường trở thành một cường quốc về năng lượng.

Gia Tân

Nguồn:‘Thung lũng Mặt trời’ khiến "sa mạc nở hoa" và đưa Israel thành cường quốc năng lượng? (baoquocte.vn)