Cà Mau khai thác lợi thế về năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế

Tỉnh Cà Mau hướng đến mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, nổi trội và riêng biệt làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau nhanh, bền vững và toàn diện, trở thành một trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam... 

Cà Mau là địa phương có địa hình thấp và bằng phẳng, 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển trên 254 km, thềm lục địa rộng lớn, điều kiện tốc độ gió biển ven bờ trung bình từ 6,3 - 7 m/s nên có lợi thế rất lớn để phát triển năng lượng gió ven bờ, tổng tiềm năng ước đạt trên12.000 MW. Bên cạnh đó, khu vực ven biển Cà Mau là vùng đất bãi bồi, không dân cư sinh sống, nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển, tập kết vật tư, thiết bị để xây dựng nhà máy điện gió. 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã có các dự án Đường dây 110kV và trạm biến áp 110kV Sông Đốc, đường dây 110kV trạm biến áp 110kV Phú Tân, đường dây 110kV Năm Căn - Rạch Gốc và trạm 110kV Rạch Gốc đã đóng điện vận hành; đường dây và trạm biến áp 220kV Cà Mau 2 - Năm Căn và dự án trạm biến áp Nguyễn Huân đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2023 đều là các công trình lưới điện dọc theo các tuyến ven biển, là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển dự án điện gió, đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia để giải phóng công suất nhà máy. 

Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau đến năm 2025, có xét đến 2035; Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 và danh mục các nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch, tỉnh Cà Mau được phê duyệt quy hoạch 1.000MW điện gió, 60MW điện mặt trời, 24MW điện sinh khối. Kết quả thực hiện đến nay có 16 dự án điện gió; đối với điện mặt trời, hiện đã có nhà đầu tư đề xuất dự án, tỉnh đang xem xét về chủ trương đầu tư dự án và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.219 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 111,579MW sử dụng công tơ 2 chiều để hòa lưới điện quốc gia.

Tỉnh Cà Mau khai thác những lợi thế trong phát triển nguồn năng lượng điện gió. 

Về điện sinh khối, có 01 dự án 24MW đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang vận hành Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, với tổng công suất thiết kế 1.500MW, trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Cà Mau không quy hoạch bổ sung. UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 6 dự án với tổng công suất 430MW đang triển khai thi công: Cụm Nhà máy điện gió Cà Mau 1 tổng công suất 350MW (gồm 4 nhà máy 1A, 1B, 1C, 1D) tại xã Tân Tiến, xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi) và xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn); Nhà máy điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 2021 - 2025 công suất 30MW tại xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển); Dự án Nhà máy điện gió Viên An công suất 50MW tại xã Viên An Đông và xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (trong đó đã thi công hoàn thành đủ điều kiện vận hành 25MW).

Đồng thời, có 4 dự án với tổng công suất 225MW đang thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng để chuẩn bị thi công: Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 công suất 100MW tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển); Nhà máy điện gió An Đông 1 công suất 50MW tại xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển); Nhà máy điện gió Khánh Bình Tây công suất 50MW tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) và Nhà máy điện gió Tân Thuận giai đoạn 3 công suất 25MW tại xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi).

Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,5%/năm, thấp hơn dự báo nhu cầu điện theo quy hoạch được duyệt (11,6%/năm). Tổn thất điện năng trên lưới điện trong giai đoạn 2016 - 2021 có xu hướng giảm dần, năm 2016 tỷ lệ 8%, đến năm 2021 tỷ lệ 5,45% đã thể hiện việc sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả. Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau. Đến hiện tại, UBND tỉnh Cà Mau đã trình Đề án lên Bộ Công Thương thẩm định. Theo Đề án, Cà Mau đặt mục tiêu xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo đến năm 2031 là 2.000MW, đến năm 2035 là 3.000MW, đến năm 2040 là 5.000MW, kết hợp với sản xuất và xuất khẩu các nguồn năng lượng mới.

Cùng với điện gió, tỉnh Cà Mau đang nghiên cứu phát triển điện sinh khối, đa dạng nguồn cung năng lượng trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa). 

Bên cạnh những thuận lợi trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, việc phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn một số khó khăn như: Đối với các công trình lưới điện để phục vụ giải phóng công suất cho các dự án điện gió do ngành điện làm chủ đầu tư hiện chậm tiến độ theo quy hoạch. Nguyên nhân do thiếu nguồn vốn đầu tư, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, điều chỉnh hồ sơ kỹ thuật của dự án... làm ảnh hưởng đến tiến độ đấu nối các dự án điện gió.

Sở Công Thương Cà Mau kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện và ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Trong đó xem xét cân đối phân bổ công suất giữa vùng phụ tải cao và vùng tiềm năng lớn; xem xét ghi nhận cho Cà Mau phát triển thêm nguồn với 41 dự án mới (trong đó 29 dự án điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi tổng công suất 7.712 MW; 10 dự án gồm điện khí và các nguồn điện khác tổng công suất 11.934 MW; điện gió và điện mặt trời không nối lưới mà để sản xuất Hydro và xuất khẩu điện tổng công suất 4.950-11.450 MW; các nhà máy sản xuất Hydro tổng công suất 82.248 tấn/năm) và các dự án đã thi công hoàn thành chưa vận hành, các dự án đang triển khai xây dựng, các dự án đã được các cấp phê duyệt quy hoạch trước khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt tổng công suất 900MW vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. 

Hiện nay, Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thiện, gửi lại Hội đồng thẩm định rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, trong đó có tích hợp Phương án phát triển hạ tầng năng lượng của tỉnh và danh mục đầu tư các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm các dự án điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi). Khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt và giá bán điện đối với các dự án đầu tư mới được ban hành, tỉnh Cà Mau sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự... khi triển khai thực hiện dự án. 

Đức Nghĩa

Nguồn:Cà Mau khai thác lợi thế về năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế (thiennhienmoitruong.vn)