Nhận diện những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại trong thời gian tới

Ngày 20/10, Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức toạ đàm "Bối cảnh thế giới trong giai đoạn tới và những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại của Việt Nam" tại Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết, trong giai đoạn gần đây, vai trò của ngành công nghiệp, năng lượng và thương mại ngày càng nâng cao và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình quốc tế vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, xung đột khu vực Trung Đông… xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng; gia xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào trong nước liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung và sức mua trong nước và tăng chi phí vốn sản xuất của doanh nghiệp; rủi ro tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng gia tăng...

Hiện nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế… đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với phát triển ngành công nghiệp, thương mại và cả nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.

Quang cảnh tọa đàm

Trước những vấn đề này, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề “Bối cảnh thế giới trong giai đoạn tới và những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại của Việt Nam” với sự tham dự của các chuyên gia nhằm thảo luận, phân tích, đánh giá về những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại. Đồng thời chia sẻ về những kinh nghiệm khai thác, tận dụng cơ hội và ứng phó với những thách thức đặt ra trong giai đoạn tới đối với ngành công thương.

Phát biểu về xu hướng phát triển năng lượng sạch hiện nay, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu đã cao hơn nhiều so với trước đây vào thời điểm Thỏa thuận chung Paris được ký kết vào năm 2015. Theo đó, tốc độ tăng trưởng đầu tư hàng năm vào năng lượng sạch trung bình trong 5 năm sau Thỏa thuận khí hậu Paris chỉ hơn 2%. Năm 2020, tỉ lệ đã tăng lên 12%; năm 2022 đầu tư cho năng lượng sạch dự kiến đạt 1.400 tỷ USD chiếm gần 60% tổng dầu tư cho toàn ngành năng lượng.

Trong những năm vừa qua, đặc biệt là 4 - 5 năm gần đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) ở nước ta phát triển vượt bậc. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo (NLTT) và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam (78.121 MW), trong đó điện gió 4.126 MW, điện mặt trời mái nhà 7.660 MW, điện mặt trời trang trại 8.904 MW, thủy điện 22.111MW, điện sinh khối 325 MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Về điện mặt trời, Việt Nam đứng trong Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất.

Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn NLTT trong đó năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng/hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chính vì vậy, phát triển NLTT là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án NLTT. Tại Hội nghị COP26, COP27 diễn ra tại Vương quốc Anh và Ai Cập, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định và cam kết rất mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.

TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

TS. Mai Duy Thiện thông tin thêm, để có cơ sở đầu tư, phát triển trong thời gian tới, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII). Theo Quy hoạch điện VIII, hệ thống điện Việt Nam sẽ phát triển theo hướng xanh, bền vững, góp phần quan trọng để giảm thải carbon, phù hợp với các cam kết tại COP26 đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc phát phát triển điện từ gió, mặt trời tiếp tục được khai thác tối đa, hiệu quả với giá hợp lý. Cơ chế đối với các dự án NLTT chuyển tiếp cũng đang được đề xuất xem xét. Hàng chục ngàn MW nhiệt điện than được đề nghị loại khỏi quy hoạch, với phương án điều hành, phụ tải cao và chuyển đổi năng lượng, đến năm 2045 tỷ lệ điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng 50% tổng công suất toàn hệ thống.

Theo TS. Mai Duy Thiện, từ các cam kết tại COP26, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh. Một loạt các chương trình, đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển NLTT dưới đây cần được chỉ đạo thực hiện, nghiên cứu trong thời gian tới như:

Nghiên cứu xây dựng Luật về NLTT. Hoàn thiện các cơ chế khuyến khích phát triển NLTT theo hướng minh bạch và ổn định (khung chính sách, quy định về cắt giảm công suất...). Xây dựng quy định, chế tài hàng năm đối với việc áp dụng tiêu chuẩn tỷ lệ NLTT (renewable portfolio Standard) cho các đơn vị sản xuất điện, phân phối điện phù hợp với mục tiêu giảm phát thải.

Hoàn thiện các thị trường năng lượng cạnh tranh, xây dựng cơ chế giá hiệu quả, hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ và lưu trữ năng lượng. Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý vận hành thị trường điện phù hợp với bối cảnh tỷ trọng các nguồn điện từ NLTT trong hệ thống tăng cao. Xây dựng chiến lược để phát triển điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định trong Luật Điện lực, khung pháp lý cho phép các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hạ tầng truyền tải. Hoàn thiện chương trình Quản lý nhu cầu (DSM) và Điều chỉnh phụ tải điện (DR) phù hợp với xu hướng tích hợp NLTT vào hệ thống điện. Hoàn thiện quy định về giao dịch, mua bán các dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện, tăng cường khả năng tích hợp các nguồn NLTT của hệ thống điện, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại hình nguồn điện hiện có và dự kiến xây mới để đảm bảo nâng cao độ linh hoạt và giảm tác động môi trường. Hoàn thiện và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) góp phần thúc đẩy phát triển các nguồn điện NLTT.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư NLTT, năng lượng mới. Cơ chế, chính sách cho phát triển NLTT cần được xây dựng có tính liên tục và dài hạn hơn, đủ để các nhà đầu tư định hướng đầu tư phát triển dự án. Nghiên cứu quy định cụ thể, chi tiết về điện mặt trời áp mái tự dùng không nối lưới tại các xưởng sản xuất và khu công nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thủy điện tích năng, nghiên cứu hệ thống lưu trữ điện năng, để tạo cơ hội cho phát triển điện gió và mặt trời, vận hành an toàn ổn định hệ thống điện.

Cùng với kế hoạch phát triển NLTT, cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo để sản xuất chuỗi sản phẩm thiết bị NLTT tại Việt Nam.

Tại tọa đàm các đại biểu cũng được nghe tham luận về những nội dung như: mở rộng khối BRICS và tác động của nó đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam; phát triển công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới – cơ hội và thách thức; bối cảnh thế giới mới tác động đến phát triển thương mại trong giai đoạn tới.

Các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về những thách thức, nhận diện các cơ hội và nêu một số giải pháp để phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại theo hướng xanh, bền vững trong thời gian tới. Theo đó, về giải pháp phát triển công nghiệp, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng một nền công nghiệp vật liêu, tìm ra sản phẩm chủ lực của Việt Nam…

Về giải pháp phát triển thương mại, cần phát triển sản xuất bao gồm cả công nghiệp và nông nghiệp tạo nguồn hàng ngày càng bền vững cho thương mại; phát triển thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn; chống gian lận thương mại, hướng tới thương mại công bằng; nâng cao vai trò của các hiệp hội, doanh nghiệp… thúc đẩy thương mại điện tử…

Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương khẳng định, những phân tích, đánh giá và ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm sẽ là tư liệu quý báu cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp, năng lượng và thương mại phát triển trong giai đoạn tới.

Tiến Đạt

Nguồn:Nhận diện những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại trong thời gian tới (nangluongsachvietnam.vn)