Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những nội dung chính của bản báo cáo “Theo dõi những vấn đề của năng lượng thế giới năm 2024” của Hội đồng Năng lượng thế giới.
Hội đồng Năng lượng thế giới (Hội đồng) là một cộng đồng độc lập và khách quan lâu đời nhất của các nhà lãnh đạo và thực tiễn năng lượng. Thông qua tầm nhìn về năng lượng vì nhân loại, Hội đồng ngày càng thu hút được nhiều cá nhân và cộng đồng năng lượng hơn tham gia vào việc tăng tốc chuyển đổi năng lượng sạch và công bằng ở tất cả các khu vực trên thế giới. Ra đời từ năm 1923, Hội đồng đã tập hợp các nhóm lợi ích đa dạng từ khắp nơi trên thế giới trong hệ sinh thái năng lượng suốt một thế kỷ qua, với hơn 3.000 tổ chức thành viên và có mặt ở gần 100 quốc gia trên thế giới.
Sau đây, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những nội dung chính của bản báo cáo “Theo dõi những vấn đề của năng lượng thế giới năm 2024”của Hội đồng để tham khảo.
Tóm tắt
Trong một thế giới nơi nhu cầu về an ninh năng lượng, giá cả phải chăng và sự bền vững ngày càng gia tăng, hệ thống năng lượng quốc gia và toàn cầu đang có dấu hiệu thiếu hụt và căng thẳng diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Hiện có một nhu cầu cấp thiết cho hợp tác trên toàn bộ hệ sinh thái năng lượng nhằm thiết kế lại hệ thống năng lượng, điều này cho phép cải thiện hàng tỷ con người trên một hành tinh khỏe mạnh.
Trong bối cảnh phức tạp này, được đặc trưng bởi sự tương tác của các đường hướng chuyển đổi năng lượng khác nhau, hiện không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả các quốc gia. Sự cấp thiết của quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi phải có những thay đổi sâu sắc ở cấp độ hệ thống vượt qua các khuôn khổ chính sách truyền thống. Chuyển đổi năng lượng vượt xa những lợi thế công nghệ, nhiên liệu thay thế và điện khí hóa hoặc loại bỏ carbon, trong đó bao gồm một cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết rộng lớn hơn và sử dụng năng lượng một cách khôn ngoan hơn.
Tác động mang tính biến đổi của chuyển đổi năng lượng vượt xa chỉ tính riêng lĩnh vực năng lượng khi liên kết với các hệ thống quan trọng như công nghiệp, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng đô thị, góp phần định hình lại cơ cấu xã hội. Để xúc tác chuyển đổi năng lượng một cách nhanh hơn, công bằng hơn và sâu rộng hơn, sự đa dạng phải được kích hoạt và mọi người được trao quyền, bao gồm cả phụ nữ, công nhân và thế hệ tiếp theo.
Sau khi kết thúc COP28 tại UAE cuối năm 2023, báo cáo kết quả cuộc thăm dò khảo sát các vấn đề năng lượng thế giới đã ghi lại quan điểm của gần 1.800 nhà lãnh đạo năng lượng tại hơn 100 quốc gia, giúp cung cấp một bức tranh kịp thời và sâu sắc về bối cảnh năng lượng toàn cầu năng động. Được cho là một công cụ thiết yếu để điều hướng sự phức tạp và bất ổn mà các nhà lãnh đạo năng lượng phải đối mặt, báo cáo theo dõi các vấn đề năng lượng thế giới đưa ra đánh giá lại các giả định liên quan đến các động lực chính đang định hình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Hơn thế nữa, khi được xem xét kết hợp với khuôn khổ ba vấn đề năng lượng thế giới của Hội đồng và kịch bản năng lượng thế giới thì các nguồn tài liệu này cùng nhau cung cấp sự hiểu biết toàn diện về hiện tại những tiến bộ, thách thức trong tương lai và các cơ hội mới nổi trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu cũng như cung cấp những hiểu biết sâu sắc có giá trị có thể hướng dẫn việc ra quyết định chiến lược và xây dựng chính sách trong lĩnh vực năng lượng.
Báo cáo theo dõi các vấn đề năng lượng thế giới năm 2024 tái khẳng định 5 động lực chính (5 D) về sự thay đổi toàn cầu của Hội đồng đang thúc đẩy sự thay đổi trong các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới. Đó là : (1) Loại bỏ carbon (Decarbonisation): Hành động loại bỏ carbon tại các nguồn cung năng lượng, dịch vụ và sử dụng với sự cung cấp cường độ carbon thấp hơn. (2) Số hóa (Digitalisation): Công nghệ số tác động trên toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng, thay đổi quy trình, hành vi và tập quán công nghiệp. (3) Phân quyền/Phi tập trung (Decentralisation): Sự dịch chuyển khỏi hệ thống năng lượng được kiểm soát tập trung sang nhiều hệ thống phi tập trung hơn thường nằm gần hơn khách hàng và người dùng. (4) Đột phá (Disruption): Nguồn cầu lớn làm thay đổi việc sử dụng năng lượng. (5) Đa dạng hóa (Diversification): Mong muốn đảm bảo năng lượng từ nhiều hơn một (hoặc nhiều) nguồn theo đuổi an ninh năng lượng.
Tất cả những động lực “5 D” chủ chốt trên được kết nối và định hình chuyển đổi năng lượng bởi sự đa dạng khu vực và sự khác biệt trong các mô hình nhân khẩu học, nhu cầu và sự kỳ vọng về năng lượng. Kết quả cuộc thăm dò khảo sát trên cũng đã đưa ra những quan điểm phong phú và đa dạng về các vấn đề năng lượng toàn cầu, giúp làm sáng tỏ các xu hướng và ưu tiên chính cũng như ý nghĩa của chúng đối với 5 động lực (5 D) thay đổi toàn cầu định hình chuyển đổi năng lượng ở tất cả các khu vực với những hiểu biết chính, bao gồm:
- Các chương trình nghị sự địa chính trị cũ và mới đang cạnh tranh nhau để giành vị trí dẫn đầu. Cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và sự bất ổn ở khu vực Trung Đông làm leo thang sự bất ổn, ảnh hưởng đến thương mại và an ninh năng lượng. Sự mở rộng của khối BRICS với 6 các thành viên mới minh họa sự thay đổi của các liên kết và quan hệ đối tác chính trị toàn cầu, tác động đến động lực năng lượng và sự hợp tác. Địa chính trị năng lượng đang mở rộng ra ngoài nguồn tài nguyên dầu khí đến chuỗi cung ứng và nguồn dữ liệu.
- Những quan ngại về an ninh năng lượng đã phát triển vượt ra ngoài an ninh nguồn cung thông thường sang nguồn cầu định hướng trước những cú sốc, sự gián đoạn và tác động của biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm khả năng phục hồi, sự đa dạng của nguồn cung và biến đổi khí hậu cũng như mối quan hệ năng lượng-nước-thực phẩm, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng và khả năng tiếp cận các khoáng sản và kim loại quan trọng. Sự thay đổi hướng tới khả năng phục hồi được quan sát thấy xuyên suốt báo cáo này và báo cáo bộ ba năng lượng bất khả thi của thế giới năm 2024.
- Chính sách quản lý nguồn cầu và chuyển đổi quyền kiểm soát sang cho người dùng cuối. Niềm tin của các nhà đầu tư vào việc giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào năng lượng sạch đã gia tăng lên đáng kể, ngoại trừ ở Châu Phi và khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe. Trong khi việc giảm thiểu rủi ro đầu tư vào năng lượng đã thể hiện một trong những mức độ không chắc chắn thấp nhất so với mức trung bình toàn cầu, các nhóm công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lại cho thấy mức độ không chắc chắn cao hơn, điều này đòi hỏi sự quan tâm của các nhà lãnh đạo năng lượng. Hiện có nhu cầu cấp thiết về một dòng tài chính đầu tư vốn lớn hơn và đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như nhân rộng các công nghệ đổi mới sáng tạo để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi năng lượng hướng tới một tương lai carbon thấp, bền vững hơn.
- Các công nghệ chủ chốt đang nổi lên như sự xoay trục trong chuyển đổi năng lượng, gây gián đoạn bức tranh năng lượng và định hình lại lĩnh vực công nghiệp năng lượng khi đạt được sự chú ý và ngày càng trở nên phổ biến hơn. Trong khi tăng cường nguồn cung điện khí hóa năng lượng tái tạo trong năng lượng hỗn hợp là điểm chung cho tất cả song lại có sự khác biệt đáng kể trong phương cách xoay chuyển các công nghệ chính. Hydrogen và các công nghệ P2X (power-to-x) ngày càng trở nên quan trọng trong việc đạt được lượng khí thải carbon ròng bằng 0. Tuy vậy, vẫn còn những điều không chắc chắn tồn tại ở một số khu vực, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông và các nước Vùng Vịnh. Việc mở rộng quy mô các công nghệ chủ chốt này đòi hỏi những yếu tố hỗ trợ thiết yếu như quy định phù hợp và kịp thời, cũng như đổi mới tài chính. Công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) hiện vẫn có nhiều nét kém hấp dẫn, trong đó các quốc gia khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh lại là một ngoại lệ đáng chú ý khi mà tại các khu vực trên, CCUS lại được coi là ưu tiên hành động.
- Tăng cường và mở rộng hệ thống mạng lưới truyền tải cũng như các giải pháp lưu trữ năng lượng một cách linh hoạt hơn, bao gồm quản lý nguồn cầu, là những lĩnh vực trọng tâm và hành động được thừa nhận trên toàn cầu. Một ngoại lệ được quan sát thấy ở khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe. Hành động và đầu tư khẩn cấp cần thực hiện nhằm nâng cấp và tích hợp hệ thống mạng lưới truyền tải điện trên toàn cầu, đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng, mở rộng và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi môi trường, khí hậu. Hiện phần lớn cuộc tranh luận xoay quanh chuyển đổi năng lượng tập trung vào các nguồn năng lượng, điều này đòi hỏi cần có cơ sở hạ tầng mạnh mẽ để cung cấp năng lượng cho các thị trường đang thiếu hụt. Thực sự là không có sự chuyển đổi năng lượng nào mà lại không cần có hệ thống mạng lưới truyền tải điện.
- Các ưu tiên hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm giảm thiểu, thích ứng và đền bù diễn ra tại các khu vực rộng lớn và mở rộng đến những mối quan ngại rộng lớn hơn về năng lượng phát triển bền vững, bao gồm cả căng thẳng về nguồn nước và an ninh lương thực. Hiện có nhiều quan điểm trái chiều về thích ứng với biến đổi khí hậu, với sự không chắc chắn cao trong số những người được hỏi đến từ khu vực Châu Á, Mỹ Latinh và Vùng Caribe. Sự phụ thuộc lẫn nhau của hệ thống nguồn nước, năng lượng và thực phẩm là một ưu tiên hàng đầu đối với những người trả lời đến từ Châu Phi song vẫn là điều chưa chắc chắn đối với những người được hỏi đến từ khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe.
- Sự kết hợp mới giữa chính sách và quy định để quản lý nhiều mục tiêu trong việc tái thiết kế năng lượng dành cho người dùng cuối và hành tinh chúng ta. Sự không chắc chắn gia tăng liên quan đến môi trường chính sách cần thiết để chuyển đổi nhu cầu năng lượng giữa các lĩnh vực, bao gồm cả hiệu quả năng lượng, đòi hỏi phải đánh giá lại chính sách và sự hợp tác giữa các bên liên quan. Quản lý nhu cầu chính là chính sách mới cấp bách để có hệ thống điện ổn định, điều này hầu như nằm trong phạm vi không chắc chắn đối với tất cả các khu vực và nhóm, ngoại trừ các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nơi luôn coi đó là một hành động. Hiện có sự khác biệt về mặt khu vực được ghi nhận trong tiến trình thực hiện các giải pháp giao dịch ngang hàng (peer to peer) và giao dịch thị trường ngang hàng.
- Chuyển đổi xã hội duy trì được đà: Nhu cầu về lợi nhuận chia sẻ, hòa nhập xã hội và công bằng ngày càng ảnh hưởng đến chiến lược năng lượng. Sự can dự từ dưới lên trên yếu hơn mức cần thiết và đối thoại lãnh đạo chất lượng tốt hơn cũng như tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan là điều cần thiết để giải quyết các vấn đề liên kết với nhau như quản lý nhu cầu, tiếp cận năng lượng có chất lượng và sử dụng năng lượng rộng rãi và khôn ngoan hơn.
Báo cáo theo dõi các vấn đề năng lượng thế giới năm 2024 nhấn mạnh tính chất phức tạp của chuyển đổi năng lượng, đặc điểm đa phương của chúng trong đó chiến lược một kích cỡ phù hợp cho tất cả tỏ ra sẽ không phù hợp. Các chỉ dấu thiếu hụt, quan ngại và căng thẳng ở khắp mọi nơi, điều này nhấn mạnh việc thiết kế lại năng lượng cho người dùng cuối trên hành tinh là điều bắt buộc, giúp làm cho chuyển đổi năng lượng diễn ra nhanh hơn, công bằng hơn và sâu rộng hơn song đay lại là điều không hề dễ dàng. Các ưu tiên khu vực và sự không chắc chắn thay đổi đáng kể cũng như phản hồi từ các nhóm bên liên quan chính như lãnh đạo năng lượng tương lai, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hiện có nhiều đường hướng chuyển đổi năng lượng đang nổi lên ở tất cả các khu vực và việc tăng cường cung cấp điện khí hóa năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng là điều phổ biến đối với tất cả các lĩnh vực song có sự khác biệt đáng kể tồn tại trong giỏ công nghệ trụ cột (H2, CCS, lưu trữ và hệ thống mạng lưới điện). Sự khác biệt này gợi ý về rủi ro mong đợi khác nhau hoặc nhận thức, sự khác biệt về văn hóa, nguồn tài nguyên, kinh tế và thế hệ cũng như sự khác biệt giữa các doanh nghiệp lâu đời và các công ty khởi nghiệp đang phát triển.
Trọng tâm của sự chuyển đổi hệ thống năng lượng là điều bắt buộc phải được dẫn dắt bằng sự đa dạng, tận dụng và học hỏi từ những khác biệt, đồng thời thúc đẩy các cuộc đối thoại có chất lượng để dung hòa các quan điểm khác nhau và cho phép hợp tác phù hợp với từng bối cảnh riêng biệt.
Báo cáo theo dõi các vấn đề năng lượng thế giới năm 2024 giống như khối Rubik năng lượng, giúp đem đến cái nhìn đa diện về bối cảnh năng lượng, trong đó mỗi vấn đề đại diện cho một khía cạnh đầy màu sắc, tuy nhiên chỉ một phần của tổng thể mới có thể được giải quyết được kiểm tra tại một thời điểm, góp phần cung cấp một cái nhìn tổng quan về các xu hướng và sự biến đổi mới nổi.
Viễn cảnh toàn cầu
Hiện những tác động của đại dịch COVID-19 đã giảm dần và nhu cầu năng lượng đã phục hồi nhờ các gói kích thích kinh tế tại các nền kinh tế quan trọng. Tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với lĩnh vực năng lượng là rất đáng kể và kéo dài, dẫn đến biến động giá cả năng lượng và tình trạng thiếu hụt một số mặt hàng năng lượng. Điều này cũng đã dẫn đến mối quan ngại về an ninh năng lượng và tác động kinh tế do giá cả cao hơn và sự không chắc chắn. Nhận thức về tầm quan trọng của năng lượng nhằm củng cố tăng trưởng kinh tế, nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã tăng cường các biện pháp phục hồi năng lượng như đa dạng hóa và gia tăng các luồng thương mại năng lượng mới. Hậu quả của cuộc chiến xung đột tác động không cân xứng lên các nước nghèo do áp lực lạm phát trên toàn cầu.
Hội nghị COP28 vào cuối năm 2023 nhằm mục đích chuyển các cuộc tranh luận sang “thực hiện những lời hứa cũ và đưa ra những tham vọng mới về thích ứng, giảm thiểu và phương tiện thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu”. Chương trình nghị sự Hội nghị do Chủ tịch UAE đưa ra tập trung vào việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng một các công bằng và có trật tự, giải quyết vấn đề tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào con người, thiên nhiên, cuộc sống và sinh kế, đồng thời thúc đẩy sự hòa nhập. Kết quả nổi bật của Hội nghị COP28 thể hiện trong cách tiếp cận khi chấp nhận sự đa dạng và thừa nhận tầm quan trọng của việc lắng nghe những tiếng nói khác nhau để duy trì nhiệt độ nóng lên toàn cầu xuống dưới ngưỡng 1,5oC và điều quan trọng là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Gần 200 quốc gia đã đạt được sự đồng thuận về phản ứng đối với Bản đánh giá toàn cầu đầu tiên theo Thỏa thuận Paris (tức bản đồng thuận UAE). Một kế hoạch đã được đưa ra để thu hẹp khoảng cách thực hiện đến năm 2030, “tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trước cuối thập kỷ” và xác định lộ trình hướng tới mục tiêu giảm thiểu khí phát thải carbon ròng bằng 0, bao gồm: (i) Thừa nhận sự cần thiết phải “chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách hợp lý, có trật tự và công bằng”. (ii) Mục tiêu tăng năng lượng tái tạo lên gấp ba lần và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030. (iii) Loại bỏ dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Địa chính trị tại những khu vực hàng đầu tác động đến an ninh năng lượng
Các vấn đề địa chính trị nổi bật là động lực chính của thị trường năng lượng. Điều này đã được thể hiện trong nhận thức của các nhà lãnh đạo năng lượng và đã được lặp lại trong báo cáo bộ ba vấn đề năng lượng thế giới năm 2024 đưa ra kết luận sự cần thiết của khả năng phục hồi khi đối mặt với sự không chắc chắn về địa chính trị là một thuộc tính quan trọng. Sự rủi ro đối với nền hòa bình thế giới là điều được quan tâm hàng đầu và sự không chắc chắn cũng như biến động của thị trường trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và sự bất ổn ở khu vực Trung Đông. Những quan ngại về tác động của những diễn biến địa chính trị này đối với thương mại năng lượng và an ninh năng lượng vẫn tiếp tục diễn ra. Trong bối cảnh đang diễn ra sự thay đổi với nhiều vấn đề liên quan đến nhau, giá cả hàng hóa vẫn là yếu tố không chắc chắn nghiêm trọng nhất đối với chuỗi nguồn cung. Đối với giá cả hàng hóa không chắc chắn đã nhận được sự quan tâm hàng đầu của tất cả số người được hỏi thăm dò khảo sát ở tất cả các khu vực ngoại trừ khu vực Bắc Mỹ, nơi mà luôn ưu tiên hành động.
Các cuộc bầu cử sắp tới ở nhiều quốc gia cũng có thể có tác động lan tỏa đến địa chính trị của nhiều khu vực chính sách như chủ nghĩa đa phương, năng lượng, thương mại và biến đổi khí hậu. Điều này có thể không biểu hiện trực tiếp đến việc thay đổi chính sách song cũng có thể có nghĩa là thay đổi trọng tâm, lập trường chính trị hoặc sự liên kết. Sự mở rộng của khối BRICS sẽ có thêm 6 thành viên mới, gồm CH Argentina, CH Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả rập Xê-út và UAE (Người dịch: Ngày 29/12/2023, tân Tổng thống Argentina, Javier Milei, đã chính thức thông báo về việc nước này sẽ không gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS theo như lịch trình dự kiến vào ngày 1/1/2024) biểu hiện sự thay đổi liên kết chính trị toàn cầu, cải tổ các liên minh quốc tế và các chính sách mới quan hệ đối tác cũng như các hình thức hợp tác mới. Việc mở rộng khối này sẽ giúp tăng cường hơn nữa dự báo của Ngân hàng thế giới đưa ra năm 2019 về dấu chân BRICS theo ước tính, sẽ chiếm 41% dân số thế giới, 30% diện tích địa lý, 24% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 16% thương mại quốc tế.
Sự phát triển địa chính trị hiện đang gây ra sự thay đổi hướng tới hành động, chẳng hạn như các công nghệ hydrogen và power-to-x (P2X). Công nghệ thay đổi cuộc chơi này rất quan trọng để giải quyết quá trình loại bỏ carbon đối với các lĩnh vực khó giảm bớt, tăng cường đa dạng hóa và an ninh năng lượng. Hiện các bước đi rõ ràng đang được thực hiện theo hướng các mối quan hệ phức tạp với nhu cầu ngày càng gia tăng và khả năng tiếp cận các loại khoáng sản và kim loại quan trọng cần thiết cho quá trình điện phân và sản xuất năng lượng sạch và tái tạo với quy mô lớn khác nhau cũng như thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Các nhà lãnh đạo về năng lượng ở Châu Âu, Châu Phi, Châu Á và khu vực Bắc Mỹ tuy thể hiện những bước đi lớn hơn song vẫn có những hành động thận trọng đối với các công nghệ hydrogen và P2X. Những người được hỏi thăm dò khảo sát đến từ các quốc gia khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe lại tỏ ra kém lạc quan hơn và những người khác thuộc khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh thì xếp tính không chắc chắn ở mức độ quan trọng cao nhất. Sự đa dạng quan điểm và tác động vừa phải phản ánh sự trưởng thành của các công nghệ tiên tiến mới và lĩnh vực, điều này dự kiến sẽ phát triển khi mức độ hấp thu tăng lên.
Sự hấp dẫn năng lượng tái tạo đang tăng lên và nhu cầu về hệ thống mạng lưới truyền tải điện
Hệ thống mạng lưới truyền tải điện được xác định là lĩnh vực trọng điểm cần được quan tâm và hành động cấp bách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng vào năm 2024 trên toàn cầu và hầu hết các khu vực. Phục vụ với tư cách là xương sống của các hệ thống năng lượng hiện đại, hệ thống mạng lưới điện đa hướng, tích hợp và thông minh với khả năng lưu trữ lớn đòi hỏi có sự đầu tư đáng kể, công nghệ đổi mới sáng tạo và khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển đổi hướng tới năng lượng sạch hơn, bền vững hơn và ổn định hơn.
Sự phát triển hệ thống mạng lưới điện mới thường diễn ra ở những khu vực dồi dào nguồn tài nguyên tái tạo, hỗ trợ sản xuất điện cũng như sản xuất hydrogen xanh và ứng dụng công nghệ P2X. Đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới điện thông minh và số hóa là rất quan trọng để quản lý hiệu quả các nguồn điện khác nhau. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo AI đang đem lại lợi ích hiệu quả căn bản trong chuỗi giá trị, giúp sử dụng năng lượng thông minh hơn, điều này tác động đến việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tiên tiến vào năm 2024 song được dự báo là ở mức chưag đáng kể. Mức độ đầu tư đáng kể cần thiết để nâng cấp hệ thống mạng lưới điện và tích hợp các nhà máy năng lượng tái tạo phi tập trung, việc giải quyết những thách thức này dự kiến sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu trong những năm tới đây.
Năng lượng tái tạo vẫn là thành phần thiết yếu để chuyển đổi năng lượng
Trong nhiều năm qua, năng lượng tái tạo là ưu tiên hành động rõ ràng hơn trong bản đồ các vấn đề toàn cầu so với các vấn đề khác. Điều rõ ràng là việc triển khai năng lượng tái tạo trên quy mô lớn trên khắp thế giới vẫn tiếp tục không hề bị suy giảm cho dù một quyết định đã được đưa ra để loại bỏ nó khỏi danh sách các vấn đề và sự tập trung về các công nghệ thay đổi cuộc chơi đang nổi lên. Điều này không có nghĩa là năng lượng tái tạo đã bị giảm ưu tiên hơn, đúng hơn là chúng không còn chắc chắn nữa. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo mức tăng trưởng về điện mặt trời từ năm 2022 đến năm 2023 là 116% và 66% đối với điện gió chỉ riêng ở Trung Quốc, với tỷ lệ năng lượng tái tạo toàn cầu trong cơ cấu nguồn điện tổng hợp được dự báo sẽ cao hơn mức 42% vào năm 2028. Điều này được tăng cường nhờ vào các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, khuyến khích chính sách và tiếp tục cắt giảm chi phí cũng như các công nghệ hỗ trợ giải quyết tình trạng gián đoạn ví như lưu trữ năng lượng.
Nhu cầu tiếp theo cho năng lượng tái tạo dự kiến sẽ là việc sản xuất hydrogen xanh. Các vấn đề mới nổi và kế cận khác được ghi nhận và hiện được đưa vào kết quả thăm dò khảo sát năm nay bao gồm vòng đời của năng lượng tái tạo tác động đến các giải pháp và tính tuần hoàn của năng lượng, tiếp cận các loại khoáng sản và kim loại quan trọng cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chuyển đổi lực lượng lao động cần thiết.
Niềm tin của nhà đầu tư đã tăng lên và hành động hướng tới giảm thiểu rủi ro đầu tư cũng tăng lên, ngoại trừ Châu Phi và khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe. Đầu tư cho chuyển đổi năng lượng đã tăng lên 17% vào năm 2023 so với mức năm 2022. Mức tăng trưởng này nhanh hơn mức đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch khi IEA suy đoán tổng mức đầu tư cho lĩnh vực năng lượng là 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2023, tập trung ở một số quốc gia thống trị, bao gồm cả Trung Quốc. Trong bối cảnh đa dạng năng lượng, những ưu tiên nguồn đầu tư này sẽ rất khác nhau, thể hiện ở sự khác biệt giữa các khu vực trong nhận thức về các công nghệ chủ chốt như CCUS, hydrogen và P2X. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại khá sâu sắc là việc lập kế hoạch hành động và tính sẵn có của cơ sở hạ tầng liên quan đến năng lượng. Cơ sở hạ tầng được yêu cầu xây dựng mới như cảng mới hoặc nâng cấp hệ thống cảng, cơ sở hạ tầng cấp nước và đường sắt để hỗ trợ các vận hành năng lượng. Sự thiếu hụt các cơ sở hạ tầng đầy đủ có nhiều tác động liên kết với nhau và có thể cản trở tiến trình trong quá trình chuyển đổi đối với các công nghệ sạch và phân tử, cũng như có tác động xúc tác cho tăng trưởng kinh tế.
Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
Hành động về ứng phó biến đổi khí hậu đang gia tăng song chưa đạt được những gì cần thiết và khí hậu thay đổi đang làm tăng tính dễ bị tổn thương và sự không chắc chắn trên diện rộng. Bằng cách tách riêng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu để phản ánh việc thích ứng và giảm nhẹ như những vấn đề riêng biệt, đã xuất hiện sự khác biệt rõ ràng trong nhận thức về hai vấn đề này. Thích ứng với biến đổi khí hậu là không chắc chắn và đòi hỏi sự chú ý của các lãnh đạo năng lượng nhiều hơn, trong khi việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu được nhiều lãnh đạo năng lượng khác chú ý song lại đòi hỏi hành động lớn hơn để thực hiện hiệu quả các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này xuất hiện ở tất cả các khu vực trên thế giới ngoại trừ khu vực Bắc Mỹ, nơi thích ứng với khí hậu được coi là ưu tiên hành động.
Khả năng phục hồi của các khu vực trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu như Châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe có thể còn thiếu, và việc thích ứng ngày càng trở nên quan trọng hơn khi số lượng các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng và năng lượng, cơ sở hạ tầng và chuỗi giá trị khác bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Đáng chú ý, mặc dù việc loại bỏ carbon và phục hồi hệ sinh thái nhận được sự chú ý của các lãnh đạo ở cấp độ toàn cầu song điều này lại rất khác nhau ở các khu vực do tình trạng không chắc chắn nghiêm trọng (khu vực Trung Đông và các quốc gia Vùng Vịnh, khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe) chuyển sang ưu tiên hành động (Châu Phi, khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu). Do thích ứng chỉ là một vấn đề chỉ có thể được ưu tiên hơn nên những khác biệt quan điểm về tầm quan trọng của nó đối với hành động ngay lập tức có thể được giải thích bởi nhu cầu trước mắt ở những khu vực rất dễ bị tổn thương trên thế giới cần được đền bù để bù đắp tổn thất và những khu vực đã xây dựng khả năng phục hồi.
Sự chắc chắn và hành động ở cấp quốc gia nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu khi ngày càng có nhiều sự rõ ràng về mục đích chính sách và chính phủ các nước triển khai một loạt kế hoạch hướng tới quỹ đạo phát thải carbon thấp hơn vào năm 2050, cùng với việc giảm giá năng lượng tái tạo và công nghệ năng lượng khác. Việc loại bỏ hoặc giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và giảm thuế rõ ràng đang nhận được sự quan tâm của chính phủ nhiều nước, điều này tương quan với kết quả của Hội nghị COP28, nơi họ đã thống nhất chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng. Việc tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo đã chuyển trọng tâm từ việc đơn giản áp dụng các nguồn tái tạo sang xem xét tác động toàn bộ vòng đời của chúng. Sự thay đổi này phản ánh một xu hướng rộng hơn, thoát khỏi sự tập trung hạn hẹp vào quá trình loại bỏ carbon và điện khí hóa, hướng tới sự chuyển đổi toàn diện hơn của toàn bộ hệ thống năng lượng, đồng thời nhấn mạnh vào tính tuần hoàn và các hệ thống vòng tròn khép kín.
Việc phân nhóm, tương tác và định hướng hành động của tính tuần hoàn, quản lý bộ ba bất khả thi trong ngành năng lượng, mối quan hệ lương thực-năng lượng-nước và sự tham gia tích cực từ một khối lượng quan trọng đại diện cho nhu cầu xã hội rộng lớn hơn thể hiện một mô hình thay đổi theo hướng cân nhắc toàn diện và lâu dài hơn trong quá trình đưa ra quyết định và giải quyết các thách thức liên kết với nhau.
Chính sách và quy định về năng lượng mới cần có cho hệ thống năng lượng thay đổi
Sự không chắc chắn về môi trường chính sách cần thiết để chuyển đổi nhu cầu năng lượng giữa các lĩnh vực, bao gồm cả hiệu quả năng lượng, đã được ghi nhận. Sự chuyển đổi theo hướng quản lý nhu cầu năng lượng thay vì tập trung duy nhất vào hiệu quả năng lượng là một vấn đề ngày càng phức tạp. Thị trường năng lượng mới để đáp ứng nhu cầu và lưu trữ năng lượng, cùng với hệ thống mạng lưới điện thông minh, là những công cụ thiết yếu để giải quyết tình trạng gián đoạn, thay đổi cấu hình nhu cầu và đảm bảo hệ thống mạng lưới điện ổn định.
Việc phân cấp quản lý và sản xuất năng lượng đang cho phép người tiêu dùng năng lượng có mức độ kiểm soát cao hơn nhiều. Chính sách hiện tại có thể không còn phù hợp nữa và cần được xem xét cũng như sự tham gia và cộng tác quan trọng với các bên liên quan để xác định chính sách thực tế và chủ động. Do đó, đây là vấn đề cần tập trung cao độ vào hành động trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo năng lượng đến từ Châu Phi còn coi khả năng tiếp cận năng lượng là một lĩnh vực có tác động lớn song không chắc chắn về cách thức cung cấp và triển khai năng lượng bởi vì châu lục này có số lượng người không được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng sạch và đáng tin cậy cao nhất trên thế giới, cho nên điều này là điều đang được rất kỳ vọng.
Nghị lực năng lượng: Người thay đổi cuộc chơi công nghệ
Khi đổi mới công nghệ sáng tạo đang làm thay đổi bộ mặt của lĩnh vực năng lượng theo cách chưa từng có, danh mục người thay đổi cuộc chơi công nghệ đổi mới sáng tạo đã được đưa vào kết quả cuộc thăm dò khảo sát năm nay. Sự phát triển công nghệ không chỉ cho phép tạo ra các dạng năng lượng mới và phân tử sạch mà còn thay đổi phương cách chúng ta vận chuyển, quản lý, tương tác và sử dụng năng lượng. Do đó, các giới hạn của lĩnh vực năng lượng “truyền thống” đang ngày càng mở rộng và chuyển sang một hệ thống điện và liên kết hơn. Chuỗi cung ứng, yêu cầu về lực lượng lao động và tác động vòng đời của các giải pháp năng lượng tái tạo cũng như sự tham gia tích cực từ khối lượng tới hạn đại diện cho nhu cầu xã hội rộng lớn hơn và các mô hình kinh doanh đang được nhào nặn để phù hợp với thực tế toàn cầu hiện đang thay đổi.
Nhận thức về tác động và sự không chắc chắn của các công nghệ trên rất khác nhau giữa những người tham gia trả lời thăm dò khảo sát. Điều này được mong đợi vì những người, các nhóm và quốc gia khác nhau sẽ nhìn nhận những sự phát triển công nghệ tiên tiến theo nhiều cách khác nhau, cả mặt tích cực và tiêu cực song chưa mang tính thương mại hoặc do công nghệ còn quá đắt đỏ. Một công nghệ thay đổi cuộc chơi đó là việc thu giữ carbon trực tiếp từ không khí hay còn gọi là loại bỏ carbon (direct air capture-DAC) đã bị xóa khỏi bản đồ vì nó là một ngoại lệ trong mọi trường hợp. Trong khi Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc thừa nhận việc loại bỏ carbon là rất quan trọng nhằm đạt được lượng khí thải carbon ròng bằng 0, bao gồm cả lượng khí thải carbon từ các lĩnh vực khó giảm thiểu như vận tải biển và hàng không là những lĩnh vực cần phải làm việc để giải phóng sự đổi mới sáng tạo và hỗ trợ tài chính thì vẫn chưa nằm trong tầm ngắm của những người trả lời thăm dò khảo sát lần này.
Được coi là một phần của cuộc thăm dò khảo sát trên, những người trả lời được yêu cầu chỉ ra những công nghệ thay đổi cuộc chơi nào chưa được đưa vào song lại cần được xem xét. Các vấn đề thường được đề xuất bao gồm hệ thống mạng lưới phân phối điện, điện hạt nhân, nhiệt hạch, công nghệ nổi ngoài khơi, lò phản ứng module nhỏ và công nghệ dự báo thời tiết chính xác như là các hệ thống cảnh báo sớm. Những người thay đổi cuộc chơi công nghệ sẽ được đánh giá một cách liên tục và được đưa vào báo cáo khi thích hợp.
Các vấn đề xã hội là chìa khóa để thúc đẩy tiến bộ
Năm nay, các vấn đề kinh tế-xã hội đã được mở rộng vượt quá khả năng tiếp cận và khả năng chi trả để nhận thấy nhu cầu quan trọng là thu hút nhiều người hơn và các cộng đồng đa dạng hơn nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khi vẫn đảm bảo tính toàn diện và công bằng xã hội dưới mọi hình thức. Điều này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của các bên liên quan trong việc đưa ra quyết định, yêu cầu các công ty phải chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự thay đổi. Khả năng tiếp cận có yếu tố phối hợp giữa các bên liên quan đã nằm trong chương trình nghị sự từ lâu và được coi là một ưu tiên hành động. Sự phối hợp và cộng tác của các bên liên quan có mối liên hệ chặt chẽ với một nhóm các vấn đề khác giúp thúc đẩy nhu cầu tăng cường sự tham gia của các bên liên quan như khả năng chấp nhận, quản lý bộ ba năng lượng bất khả thi và khả năng chi trả cũng như chủ nghĩa dân túy đều là những vấn đề nói chung đã trở nên ít mơ hồ hơn. Hiện các vấn đề xã hội đang định hình cách tiếp cận của các tổ chức tài chính, chính phủ các nước và các cổ đông hoạt động xã hội tích cực, đồng thời thay đổi cách thức mà các bên tham gia trong lĩnh vực năng lượng thu hút các bên liên quan, đồng thời cùng tạo ra các giải pháp cũng như lộ trình trong tương lai. Nhóm xã hội này dự kiến sẽ gia tăng tầm quan trọng theo thời gian và chuyển sang lĩnh vực ưu tiên hành động.
Sự khác biệt trong nhận thức là rõ ràng song có thể dự đoán trước được bởi vì bối cảnh của các nhóm xã hội đa dạng này khá khác nhau. Các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các nhà lãnh đạo năng lượng tương lai tập trung nhiều hơn vào hành động hơn mức trung bình toàn cầu. Sự khác biệt này cho thấy khẩu vị rủi ro hoặc nhận thức rủi ro khác nhau song cũng có sự khác biệt giữa các thế hệ và giữa các tổ chức đã thành lập và các công ty khởi nghiệp. Đặc biệt nổi bật là tầm quan trọng của sự tham gia nhiều hơn của các bên liên quan và sự phối hợp trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra như một ưu tiên hành động. Những người trả lời thăm dò khảo sát từ cả hai nhóm trên đều nhận thấy quá trình chuyển đổi năng lượng là đa chiều và phức tạp, đòi hỏi phải làm việc nhiều hơn và đưa ra những phương cách sáng tạo để sắp xếp và cùng cộng tác.
Trước hết, nhóm công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có sự khác biệt so với quan điểm của các nhà lãnh đạo năng lượng tương lai và toàn cầu về giá cả hàng hóa và tác động vòng đời của các giải pháp tái tạo được coi là ít bất ổn hơn, đồng thời nêu bật việc quản lý nhu cầu như một ưu tiên hành động. Các biến thể đáng chú ý cũng được thể hiện rõ ràng giữa các công ty khởi nghiệp và quan điểm toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu, các bên liên quan phối hợp và chuỗi cung ứng. Khi các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang ở giai đoạn đầu của hoạt động kinh doanh phát triển, sự chú ý của họ có xu hướng tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp mới chẳng hạn như giao dịch với nhiều bên liên quan để cấp vốn, phê duyệt theo quy định và thiết lập chuỗi cung ứng. Hơn thế nữa, các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có lợi thế là có thể tích hợp và quản lý những rủi ro như thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý chi phí nên được đưa vào quá trình khởi nghiệp.
Điều này có thể là do trình độ hiểu biết xung quanh vấn đề, sự phát triển công nghệ hoặc rủi ro đã được tích hợp đầy đủ vào các mô hình và quy trình kinh doanh. Nhiều công nghệ thay đổi cuộc chơi chẳng hạn như AI, hydrogen, P2X và lưu trữ năng lượng là những ưu tiên hành động của các công ty khởi nghiệp, điều này cho thấy cách tiếp cận lạc quan hơn đối với việc tiếp thu công nghệ đổi mới sáng tạo. Những bất ổn nghiêm trọng hàng đầu đối với các công ty khởi nghiệp và những người đổi mới là việc loại bỏ hoặc giảm trợ cấp/giảm thuế cho nhiên liệu hóa thạch, khả năng chi trả và khả năng chấp nhận cũng như chuyển đổi lực lượng lao động. Khi các trường hợp kinh doanh đổi mới được phát triển, nhóm liên quan này cần phải giải quyết vấn đề chính sách và nhận thức của công chúng về công nghệ đổi mới sáng tạo và bố trí lực lượng lao động cần thiết đúng vị trí.
Đối với quan điểm của các nhà lãnh đạo năng lượng tương lai giống với quan điểm toàn cầu hơn là quan điểm của các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đồng thời có định hướng hành động nhiều hơn. Điểm tương đồng giữa các nhà lãnh đạo năng lượng tương lai và toàn cầu là quan điểm về giá cả hàng hóa, chuỗi cung ứng và quản lý nhu cầu (những bất ổn nghiêm trọng) cũng như hệ thống mạng lưới truyền tải điện và lưu trữ năng lượng (ưu tiên hành động). Sự khác biệt đáng chú ý trong sự tương phản rõ ràng theo quan điểm toàn cầu bao gồm hợp tác quốc tế một cách hiệu quả, các loại khoáng sản quan trọng và chi phí vốn cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu được các nhà lãnh đạo năng lượng tương lai coi chúng là những ưu tiên hành động đồi hỏi phải có đủ nguồn lực.
Ngược lại với quan điểm toàn cầu và quan điểm của các nhà lãnh đạo tương lai và các công ty, các giám đốc điều hành nhận thức chính sách quản lý nhu cầu để chuyển đổi nhu cầu năng lượng và hành động cơ sở hạ tầng lập kế hoạch là những điều không chắc chắn quá nghiêm trọng. Đồng thời, đồng tình với quan điểm phổ biến trong khu vực việc hệ thống mạng lưới truyền tải điện, cùng với việc lưu trữ năng lượng, đều có những tác động lớn nhất đến quá trình chuyển đổi năng lượng, điều này nêu bật sự cấp bách của họ để hành động. Tương tự như các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các nhà lãnh đạo năng lượng tương lai, việc nâng cao sự can dự của các bên liên quan nổi lên như một lĩnh vực quan trọng đòi hỏi phải có hành động phối hợp hơn để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi năng lượng một cách nhanh hơn, công bằng hơn và sâu rộng hơn.
Sự hợp tác không còn là điều tuyệt vời nữa
Đối với quy mô của những thách thức mà lĩnh vực năng lượng phải đối mặt thì cần phải có sự hợp tác quốc tế nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (sustainable development goals-SDG), kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới ngưỡng 1,5oC, đồng thời quản lý chặt chẽ sự đánh đổi của bộ ba bất khả thi năng lượng thế giới về an ninh năng lượng, khả năng chi trả, tiếp cận và tính bền vững.
Khi địa chính trị thay đổi, rủi ro về biến đổi khí hậu và xã hội gia tăng cũng như các lựa chọn công nghệ đổi mới sáng tạo và chính sách khu vực đa dạng khác nhau thì vẫn còn những nghi ngờ về sự hợp tác quốc tế và các mục tiêu bền vững chung. Giữa bối cảnh đó, các hình thức hợp tác mới đang nổi lên, vượt ra ngoài sự tham gia của thị trường và sự tham gia của nhà nước bao gồm các lĩnh vực công nghiệp và cộng đồng được minh họa bởi các sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị COP28. Hàng loạt sáng kiến và thỏa thuận hợp tác năng lượng mới đã được công bố tại COP28, trong đó bao gồm Hiến chương loại bỏ carbon trong dầu khí, Cam kết làm mát toàn cầu, Liên minh các tiện ích và dầu khí vì Net Zero (UNEZA), Liên minh năng lượng tái tạo toàn cầu, Quỹ liên minh năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP), Liên minh toàn cầu về nấu ăn bằng điện (GECCO), Nhà vận hành hệ thống mạng lưới điện và máy gia tốc chuyển đổi công nghiệp.
Hiện những thách thức như khả năng cạnh tranh quốc gia, các vấn đề thương mại và công nghiệp hóa vẫn tồn tại như những ưu tiên của chính phủ các nước, điều này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ trong bối cảnh chuyển đổi hệ thống năng lượng rộng lớn hơn. Do sự đa dạng về nhu cầu, sự hạn chế và ưu tiên giữa các khu vực, các hình thức hợp tác mới là điều hết sức cần thiết và đang nổi lên. Hợp tác khu vực dựa trên chuỗi giá trị, nhiều bên liên quan và theo từng lĩnh vực cụ thể, cùng với các phương pháp tiếp cận khác, sẽ rất quan trọng để giải quyết các thách thức năng lượng toàn cầu một cách toàn diện. Tất cả các hình thức hợp tác đều bắt buộc và phải được nuôi dưỡng chung với tất cả sự đa dạng của chúng nhằm thúc đẩy tiến bộ ở mọi cấp độ.
Kiểm soát kịch bản năng lượng thế giới
Phù hợp với các quan điểm đang phát triển được nêu trong các kịch bản năng lượng thế giới, các mô hình hợp tác mới bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế số. Những phương thức đổi mới này, thường được hỗ trợ bởi các nền tảng, vượt qua ranh giới của các quốc gia và tập đoàn truyền thống, hoạt động ở quy mô nhỏ hơn song vẫn có khả năng tạo ra tác động mang tính hệ thống đáng kể khi tập hợp lại.
Hơn thế nữa, những sự hợp tác này không chỉ giới hạn ở các nhóm đồng nhất mà còn bao gồm các bên liên quan đa dạng với các quan điểm khác biệt, hội tụ xung quanh các lợi ích chung xuất phát một cách hữu cơ từ các quan điểm thuận lợi độc đáo. Trong bối cảnh đa dạng này, việc thừa nhận vai trò của các thể chế trung gian bên cạnh các cơ chế thị trường thông thường và các cơ quan chính phủ là điều bắt buộc. Sự công nhận như vậy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ động lực cạnh tranh và khai thác tiềm năng thay đổi tích cực bằng cách sắp xếp chiến lược các bên liên quan trong toàn bộ chuỗi cung ứng, bắt đầu từ người dùng cuối và mở rộng lên trên.
Sự thừa nhận về các hình thức gắn kết đa dạng và không đồng đều này báo hiệu sự rời bỏ các cách tiếp cận truyền thống từ trên xuống dưới, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác ở nhiều cấp độ quy mô khác nhau để giải quyết hiệu quả những vấn đề phức tạp đối với các thách thức năng lượng toàn cầu.
Quan điểm khu vực
Các cộng đồng năng lượng khu vực của Hội đồng sẽ tham gia vào các bản đồ khu vực khác nhau trong tháng 3/2024 và những hiểu biết cũng như đánh giá thu thập được sẽ được bổ sung vào phân tích và chia sẻ sau Hội nghị năng lượng thế giới lần thứ 26 diễn ra từ ngày 22-25/4/2024 tại Rotterdam (CH Hà Lan). Việc so sánh những điểm không chắc chắn và ưu tiên mang tính phổ biến và riêng biệt cho từng khu vực cũng như những điểm nổi bật từ kết quả thăm dò khảo sát trên, đều sẽ cung cấp những hiểu biết ban đầu về quan điểm của các nhà lãnh đạo năng lượng khu vực từ lần thăm dò khảo sát này.
Châu Phi: Giá cả hàng hóa vẫn là vấn đề không chắc chắn nhất ở Châu Phi, cùng với chi phí vốn đầu tư và sự quan ngại về khả năng chi trả. Đi sâu hơn vào vấn đề chi phí và khả năng tiếp cận vốn đầu tư, mối quan hệ của Châu Phi với các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU trở nên rõ ràng. Sự can dự về kinh tế của Trung Quốc đối với Châu Phi đã có sự tăng trưởng đáng kể trong hai thập kỷ qua, được đặc trưng bởi các khoản đầu tư đáng kể vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây như quyết định của Trung Quốc cắt giảm hỗ trợ tài chính cho Châu Phi, đã được công bố trong Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi năm 2021, từ mức 60 tỷ USD xuống còn 40 tỷ USD cho ba năm qua, điều này đã khuấy động sự quan tâm ngày càng tăng của Hoa Kỳ và EU nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.
Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ ràng trong cách tiếp cận của các bên trên, mỗi bên đều có những thách thức và mối quan ngại riêng đối với Châu Phi về bẫy nợ, sự phụ thuộc kinh tế và ưu tiên lợi ích nước ngoài hơn nhu cầu từng quốc gia. Phù hợp với bức tranh toàn cầu đó là sự ưu tiên hành động về hệ thống mạng lưới truyền tải điện và lưu trữ năng lượng. Hiện có sự chú trọng nhiều hơn vào chuỗi cung ứng và lực lượng lao động, rõ ràng là do nhu cầu toàn cầu về các loại khoáng sản quan trọng ngày càng tăng, các kỹ năng và năng lực mới được yêu cầu đối với các công nghệ chuyển đổi năng lượng mới như năng lượng tái tạo, hydrogen và P2X. Mối quan hệ lương thực-năng lượng-nước đã trở thành một ưu tiên hành động hơn so với trước đây song việc thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn chưa chắc chắn ở một mức độ nào đó, điều này cho thấy mức độ tính dễ bị tổn thương và thiếu khả năng phục hồi trên lục địa này.
Châu Á: Nhìn chung, bức tranh ở Châu Á có khá nhiều điều bất ổn. Sự thích ứng với biến đổi khí hậu và giá cả hàng hóa là những bất ổn nghiêm trọng nhất ở Châu Á, phù hợp với bức tranh nêu trong báo cáo theo dõi các vấn đề năng lượng thế giới năm 2022. Một sự không chắc chắn quan trọng mới, sự phối hợp và cộng tác của các bên liên quan rõ ràng nổi bật so với các vấn đề khác vì đây là một lĩnh vực đòi hỏi sự quan tâm và hành động của lãnh đạo năng lượng. Ngược lại với bức tranh toàn cầu, hệ thống mạng lưới truyền tải điện không phải là ưu tiên hành động quan trọng nhất do nó bị lu mờ bởi chính sách quản lý nhu cầu, lập kế hoạch hành động về cơ sở hạ tầng và khả năng chi trả. Một sự khác biệt rõ ràng là những trở ngại liên quan đến các loại khoáng sản và kim loại quan trọng mà mặc dù không chắc chắn song tác động được cho là thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu. Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch chắc chắn nằm trong lĩnh vực hành động, điều này cho thấy sự tiếp tục áp dụng các công nghệ có hàm lượng carbon thấp hơn ở nhiều nơi ở Châu Á. Cụm công nghệ thay đổi cuộc chơi dọc theo tuyến trung tâm phù hợp với mức độ đổi mới và tiếp thu công nghệ ở châu lục này.
Châu Âu: Điều không có gì đáng ngạc nhiên, nổi bật hơn so với các khu vực khác và mức trung bình toàn cầu, sự bất ổn nghiêm trọng nhất của Châu Âu là rủi ro đối với hòa bình, một vấn đề có liên quan chặt chẽ với những bất ổn nghiêm trọng khác như chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa. Một điểm khác biệt chính là hầu hết các vấn đề đều nằm trong vùng ưu tiên hành động, một sự khác biệt đáng kể so với lần xuất bản báo cáo trước, trong đó hầu hết các vấn đề được coi là không chắc chắn hơn. Sự thay đổi đáng chú ý này có thể là do sự chắc chắn về chính sách ngày càng tăng khi EU bắt đầu thực hiện các nội dung của Thỏa thuận Xanh hoặc chủ động quản lý rủi ro để tránh các rủi ro liên quan đến an ninh năng lượng và tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai. Sự đổi mới và khả năng cạnh tranh toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong sự khác biệt này bởi vì tất cả các công nghệ thay đổi cuộc chơi đều là những ưu tiên hành động, ngoại trừ công nghệ CCUS.
Khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe: Do mức độ bất ổn chính trị cao gây ra bởi những thay đổi mạnh mẽ trong đường hướng của chính phủ nhiều nước, điển hình là các cuộc bầu cử gần đây ở CH Brazil hoặc CH Argentina, dẫn đến cảm giác bất ổn tổng thể lớn hơn và cảm giác không hành động chiếm ưu thế. Bối cảnh bất ổn này được phản ánh trong thách thức nghiêm trọng mà khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe đang phải đối mặt, bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động giá cả hàng hóa và sự phối hợp của các bên liên quan cũng như chủ nghĩa dân túy. Điều này đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với ấn phẩm báo cáo trước đó, trong đó tăng trưởng kinh tế là mối quan tâm hàng đầu. Trong khi tăng trưởng trong nước và toàn cầu vẫn chưa chắc chắn, hiện có những vấn đề trong lĩnh vực hành động, đặc biệt là hợp tác quốc tế, phát triển lực lượng lao động và khả năng tiếp cận, mặc dù tác động ít được nhận thấy hơn đối với quá trình chuyển đổi năng lượng. Điều này trái ngược với những phát hiện của ấn phẩm báo cáo trước đó, trong đó không có vấn đề nào trong số này được xác định là ưu tiên hành động, điều này cho thấy sự thay đổi trong sự chú ý của lãnh đạo năng lượng.
Khu vực Trung Đông và các quốc gia Vùng Vịnh: Ở các nước khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh, không giống như các khu vực khác, các công nghệ hydrogen và P2X có mức độ không chắc chắn cao nhất, theo sau là đầu tư. Giá cả hàng hóa không phải là yếu tố bất ổn nghiêm trọng, khác so với mức trung bình toàn cầu và các cuộc thăm dò khảo sát trước đây ở các khu vực này. Vấn đề tác động lớn nhất là giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu như mong đợi do nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch ở nhiều nước trong khu vực. Lưu trữ năng lượng nổi bật như một ưu tiên hành động song nhiều vấn đề khác được tập trung xung quanh đường trung tâm, không có nhiều sự khác biệt. Một nhóm vấn đề (thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng trong nước, hệ thống mạng lưới truyền tải điện và tính tuần hoàn) là những ưu tiên hành động. Đáng chú ý, công nghệ CCUS nằm trong không gian hành động nhiều hơn trên bản đồ toàn cầu. Điều này được kỳ vọng khi xem xét mối quan tâm của các khu vực trong việc thiết lập khuôn khổ kinh tế tuần hoàn carbon thấp giúp xác định các cơ hội kinh tế bằng cách ấn định giá trị bằng tiền cho lượng khí thải carbon khi được cập nhật thông qua các quy trình khác nhau như thu hồi và sử dụng carbon (CCU), thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) và tái chế carbon.
Quản lý nhu cầu đang nhận được sự chú ý của lãnh đạo năng lượng song ít chắc chắn hơn so với hiệu quả sử dụng năng lượng được thu hẹp trong các cuộc thăm dò khảo sát trước đây. Khả năng phục hồi hệ sinh thái và tác động đến vòng đời của các giải pháp năng lượng tái tạo được đánh giá là cao hơn nhiều so với các khu vực khác cả về mức độ không chắc chắn và tác động.
Khu vực Bắc Mỹ: Khu vực Bắc Mỹ nổi bật so với các khu vực khác và bức tranh toàn cầu khi sự tham gia tích cực từ một khối lượng quan trọng đại diện cho nhu cầu xã hội rộng lớn hơn và việc lập kế hoạch hành động về cơ sở hạ tầng là những điều không chắc chắn nghiêm trọng, cùng với những lo ngại xung quanh chủ nghĩa dân túy và khả năng chấp nhận. Sự phối hợp của các bên liên quan, quản lý nhu cầu và chi phí vốn và đầu tư đều là những ưu tiên hành động. Mặc dù tầm quan trọng của hệ thống mạng lưới truyền tải điện đối với quá trình chuyển đổi năng lượng thành công đã được công nhận nhưng vẫn còn những điều chưa chắc chắn xung quanh những tiến bộ công nghệ đổi mới sáng tạo, khung pháp lý và đầu tư tài chính vốn.
Kết luận
Báo cáo theo dõi các vấn đề năng lượng thế giới năm 2024 nhấn mạnh bản chất đa dạng của quá trình chuyển đổi năng lượng, điều này cho thấy những điểm tương đồng về những bất ổn như giá cả hàng hóa và sự thích ứng với biến đổi khí hậu, bên cạnh các ưu tiên chung như hệ thống mạng lưới truyền tải điện, lưu trữ năng lượng và chi phí vốn đầu tư, điều này phản ánh tiến trình chuyển đổi năng lượng nhiều mặt giữa các khu vực và lĩnh vực.
Nhận thấy việc không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả, báo cáo trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên sự đa dạng trong lãnh đạo năng lượng, thúc đẩy các cuộc đối thoại mang ý nghĩa thiết thực và tận dụng sự khác biệt để tạo điều kiện cho sự hợp tác phù hợp hơn. Sự thay đổi tư duy hướng tới quan điểm toàn cầu này là điều cần thiết để tìm ra các giải pháp có thể triển khai và mở rộng.
Nhằm tránh xa các cuộc đối thoại lặp đi lặp lại, các cuộc trao đổi năng động và tương tác nhằm khám phá sự khác biệt là điều quan trọng để có cái nhìn sâu sắc và học hỏi lẫn nhau. Việc giải quyết các nhu cầu toàn cầu đòi hỏi phải tập trung vào các giải pháp bền vững, phù hợp với từng quốc gia, điều này cần phải thừa nhận các nhu cầu và hoàn cảnh đa dạng, đồng thời chấp nhận sự tham gia và liên kết thông qua các hình thức hợp tác mới./.
Tuấn Hùng
Nguồn:5 động lực thúc đẩy thay đổi hệ thống năng lượng toàn cầu (petrotimes.vn)