Australia và Việt Nam sẽ hợp tác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đưa phát ròng bằng 0.
Australia hợp tác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam
Ngày 7/3, trong chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Australia hợp tác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam
Tuyên bố chung nêu: Hai bên cam kết nắm bắt các cơ hội trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở mỗi nước để củng cố nền kinh tế và đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon toàn cầu. Hai bên sẽ hợp tác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đưa phát ròng bằng 0 thông qua việc kích thích tăng mức tài chính và đầu tư của khu vực tư nhân vào nỗ lực giảm nhẹ và thích ứng của Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường quản trị.
Để thúc đẩy an ninh năng lượng chung trong quá trình chuyển đổi, hai bên sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên, bao gồm thông qua đẩy mạnh thương mại và đầu tư. Hai bên cũng tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo mới nổi, bền vững, đa dạng thông qua tích hợp giải pháp công nghệ giúp cả hai nước đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Bên cạnh đó, hai bên tái khẳng định cam kết đối với cơ chế Đối thoại cấp bộ trưởng về năng lượng và khoáng sản và sẽ tìm kiếm cơ hội tăng cường hợp tác về hàng hóa, sản phẩm, công nghệ, dịch vụ liên quan đến hệ thống và phương tiện vận chuyển năng lượng, sản xuất điện, khai thác mỏ, chế biến, khoáng sản và các nhiên liệu hóa thạch bao gồm than, dầu và khí đốt.
Tập đoàn Hàn Quốc đề xuất triển khai dự án sản xuất hydorgen xanh và lưu trữ CO2 tại Việt Nam
Mới đây, tại Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn SK của Hàn Quốc để nghe đề xuất triển khai dự án công nghệ mới sản xuất hydorgen xanh và lưu trữ CO2.
Giám đốc quốc gia của SK tại Australia đã giới thiệu với Thủ tướng về chuỗi giá trị LNG trung hòa carbon với các dự án xuyên biên giới đang được triển khai tại nhiều quốc gia (Hàn Quốc, Australia, Timor Leste). Các dự án này sử dụng nguồn khí thiên nhiên để sản xuất hydrogen xanh với điểm mấu chốt là dùng những mỏ khí đã cạn kiệt làm nơi lưu trữ vĩnh viễn CO2 thải ra trong quá trình sản xuất. Lãnh đạo SK khẳng định chuỗi dự án này có thể tạo năng lượng sạch vì thu giữ được 98% lượng khí thải ra. Tập đoàn SK mong muốn triển khai dự án tại Việt Nam.
Trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn SK, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hydrogen là một trong lĩnh vực ưu tiên hiện nay của Việt Nam và đề nghị đại diện tập đoàn thông tin thêm về giá thành khai thác LNG của chuỗi dự án tại Australia.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn SK làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan để thúc đẩy chuẩn bị dự án theo quy định. Các cơ quan sẽ triển khai các thủ tục theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Đồng thời, Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn SK hợp tác lâu dài với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là đối tác có năng lực tốt và nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này; đồng thời cạnh tranh lành mạnh với các đối tác khác.
Nghệ An thông qua chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện rác 3.100 tỷ đồng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Galax đầu tư dự án nhà máy điện rác tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, thay thế dự án khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi cũ.
Cụ thể, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ lò ghi Martin của Đức kết hợp phát điện hiện đại tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) để xử lý rác thải 1.500 tấn/ngày đêm, kết hợp phát điện với tổng công suất 30MW.
Dự án có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn phân kỳ. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, với công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 20MW, công suất xử lý chất thải y tế 3 tấn/ngày đêm. Dự kiến giai đoạn 1 dự án sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2027. Ở giai đoạn 2, dự án có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV/2030, sẽ nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt thêm 500 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 10MW, tái chế 6 tấn nhựa PE/ngày đêm, tái chế 3 tấn dầu DO/ngày đêm.
Ảnh minh họa
Trước đây, dự án khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi đã được cấp phép thực hiện với công suất 300 tấn rác thải sinh hoạt và 3 tấn rác thải y tế/ngày đêm. Tuy nhiên, do không đáp ứng được yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường nên năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động.
Theo quy hoạch, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên có chức năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại phát sinh của vùng liên huyện gồm: thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu. Toàn bộ khu liên hợp có 8 hố chôn lấp rác. Trong đó hiện chỉ còn 3 hố để tiếp nhận rác thải, dự kiến đến năm 2027 sẽ đầy. Do đó, dự án nhà máy điện rác được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được yêu cầu xử lý rác thải, bảo đảm môi trường với công nghệ hiện đại.
Ngân Hà
Nguồn:Bản tin năng lượng số 8/2024 (nangluongsachvietnam.vn)