Bản tin Năng lượng xanh: Tăng trưởng của năng lượng tái tạo không làm thay đổi sự thống trị của nhiên liệu hóa thạch

Hôm thứ Hai (26/6), Viện Năng lượng và các chuyên gia tư vấn của KPMG và Báo cáo Năng lượng Thế giới Kearney cho năm 2022, cho biết mức tăng trưởng năng lượng tái tạo kỷ lục không làm thay đổi sự thống trị của nhiên liệu hóa thạch, vẫn chiếm 82% nguồn cung trong năm 2022.

Bản tin Năng lượng xanh: Tăng trưởng của năng lượng tái tạo không làm thay đổi sự thống trị của nhiên liệu hóa thạch

Sự tăng trưởng năng lượng tái tạo không làm thay đổi vai trò thống trị của nhiên liệu hóa thạch trong năm 2022

Simon Virley, người đứng đầu bộ phận năng lượng và tài nguyên thiên nhiên tại KPMG, cho biết mặc dù năng lượng tái tạo tăng trưởng kỷ lục, nhưng tỷ lệ năng lượng thế giới đến từ nhiên liệu hóa thạch vẫn ở mức 82%, càng cho thấy yêu cầu cấp bách hơn đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo báo cáo, năm 2022 được đánh dấu bằng sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, khiến giá khí đốt và than đá tăng lên mức kỷ lục ở châu Âu và châu Á. Các quốc gia tăng cường phát triển năng lượng tái tạo vì mục tiêu an ninh năng lượng..

IEA dự báo tổng công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới, khi các quốc gia tìm kiếm an ninh năng lượng lớn hơn.

Lượng khí thải nhà kính tăng 0,8% khi thế giới sử dụng nhiều năng lượng hơn về tổng thể. Chủ tịch Viện Năng lượng, cơ quan công nghiệp toàn cầu có trụ sở tại Anh, cho biết mặc dù năng lượng gió và mặt trời trong lĩnh vực điện tăng trưởng mạnh hơn nữa, nhưng tổng lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng toàn cầu lại tăng trở lại.

Mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong năm tới, có khả năng mang lại lượng khí thải nhà kính cao hơn, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt của Covid đối với việc đi lại trong năm 2023.

Bán tháo cổ phần năng lượng của Siemens ngày càng sâu, mất giá trị thị trường lên 8 tỷ USD

Cổ phiếu của Siemens Energy đã giảm phiên thứ hai liên tiếp hôm thứ Hai (26/6), do bị ảnh hưởng bởi một loạt các đợt giảm giá và hạ xếp hạng do các vấn đề liên quan đến bộ phận tua-bin gió của công ty, xuất hiện trong tuần trước, nghiêm trọng hơn dự kiến.

Giá cổ phiếu của Siemens Energy đã giảm 3,3% vào lúc 12h52 GMT, ở mức thấp nhất trong chỉ số DAX blue-chip của Đức, khiến khoản lỗ định giá thị trường của tập đoàn lên đến 7,4 tỷ euro (8,1 tỷ USD).

Cuối ngày thứ Năm (22/6). Siemens Energy đã buộc phải đưa ra một tuyên bố đặc biệt ngắn gọn, rút lại triển vọng lợi nhuận sau khi biết rõ ràng rằng các vấn đề sẽ phát sinh liên quan đến tua-bin sẽ cần chi phí hơn 1 tỷ euro. Các nhà phân tích của Citi cho biết, sau cảnh báo hôm thứ Năm, cổ phiếu Siemens Energy đã giảm hơn một phần ba, niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng lợi nhuận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, liên quan đến những rủi ro khó định lượng về việc sửa chữa các tua-bin gió.

Hôm thứ Hai, cổ phiếu của Siemens Energy được giao dịch khoảng 14 euro mỗi cổ phiếu, mức thấp nhất trong bảy tháng rưỡi qua. Trả lời câu hỏi của Reuters, Người phát ngôn của công ty cho biết "Chúng tôi hiện đang chờ kết quả phân tích đầy đủ trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào nữa".

Các vấn đề với tua-bin gió của Siemens Gamesa và thách thức đối với ngành năng lượng gió

Trong hai thập kỷ qua, ngành năng lượng gió đã phát triển nhanh chóng, giảm chi phí công nghệ xuống ngang bằng hoặc thậm chí rẻ hơn so với nhiên liệu hóa thạch ở một số nơi trên thế giới và tăng hiệu suất thông qua các tua-bin ngày càng lớn hơn.

Hôm thứ Hai (26/6), theo báo cáo Đánh giá thống kê về Năng lượng Thế giới, năng lượng gió và mặt trời trên toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục chiếm 12% sản lượng điện vào năm ngoái, vượt qua năng lượng hạt nhân. Đầu năm nay, Hội đồng năng lượng gió toàn cầu cho biết công suất năng lượng gió kỷ lục 680 gigawatt (GW) dự kiến sẽ được lắp đặt vào năm 2027.

Trong bối cảnh đó, việc các vấn đề trong bộ phận tua-bin gió của Siemens Energy có thể tiêu tốn hơn một tỷ euro (1,09 tỷ USD) để khắc phục đã làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào toàn ngành năng lượng gió, và đã dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu của các công ty năng lượng gió trong tuần trước.

Ngành năng lượng gió đang phải đối mặt với một số thách thức như sau:

(i) Cũng như trong các ngành công nghiệp khác, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chậm trễ trong xây dựng dự án trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, một số công ty đã bị lỡ thời hạn chính sách, có nghĩa là qua thời hạn đó, họ không được nhận trợ cấp của chính phủ mà họ đã đủ điều kiện trước đó. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng đã tạo ra các vấn đề hậu cần và chuỗi cung ứng, trở nên trầm trọng hơn trong một số trường hợp do tác động của các biện pháp cấm vận.

(ii) Áp lực về tài chính, lạm phát tăng và lãi suất tăng nhưng doanh thu dự kiến của những người xây dựng tua-bin gió đã không tăng lên cùng đồng thời. Các nhà phân tích tại Wood Mackenzie cho biết, nhiều Chính phủ lập chỉ số giá phải trả cho năng lượng gió, thường thông qua đấu giá, thường quá thấp. Đầu năm nay, Cơ quan công nghiệp WindEurope cho biết việc tăng giá hàng hóa, như thép, cũng làm tăng giá tua-bin gió lên tới 40% trong hai năm qua.

(iii) Cạnh tranh gia tăng. khi nhiều chính phủ công bố các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, gia tăng áp lực đối với các công ty trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Các nhà sản xuất năng lượng gió truyền thống, vốn đã phải cạnh tranh với nhau để giảm chi phí linh kiện và công nghệ, đồng thời tăng hiệu quả của các trang trại gió với các tua-bin khổng lồ, ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đại gia dầu khí đang tìm cách đa dạng hóa nguồn năng lượng.

(iv) Các vấn đề về tua-bin, trong đó có các vấn đề phát sinh từ việc vận hành tua-bin gió, hao mòn cánh tua-bin theo thời gian.Kích thước ngày càng tăng của cánh quạt trên tua-bin cũng làm tăng nguy cơ sét đánh và sửa chữa. Đối với trang trại gió ngoài khơi, điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng có thể dẫn đến ăn mòn nền móng hoặc tua-bin.

Từ năm 2020, nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu Vestas đã cảnh báo các vấn đề về chất lượng với các cánh tua-bin trong đội tàu trên bờ của họ và phải cấp thêm 600 triệu euro để khắc phục. Hôm thứ Sáu (23/6), cổ phiếu của Vestas đã giảm hơn 6%, trong khi cổ phiếu của Siemens Energy, nhà sản xuất tuabin gió lớn thứ hai thế giới, giảm 37%./.

Thanh Bình

 

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-tang-truong-cua-nang-luong-tai-tao-khong-lam-thay-doi-su-thong-tri-cua-nhien-lieu-hoa-thach-688165.html