Các kịch bản phát triển cho ngành năng lượng của Việt Nam đến năm 2050

Báo cáo “Tầm nhìn ngành năng lượng Việt Nam: Hướng tới 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050” xây dựng 3 kịch bản phát triển cho ngành năng lượng của Việt Nam đến năm 2050 gồm: kịch bản phát triển thông thường (BAU), kịch bản 80% năng lượng tái tạo (80RE) và kịch bản 100% năng lượng tái tạo (100RE).

Tại Hà Nội, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) vừa tổ chức hội thảo giới thiệu báo cáo “Tầm nhìn ngành năng lượng Việt Nam: Hướng tới 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050”. Báo cáo được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Đối tác đa bên hướng tới 100% năng lượng tái tạo góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC” (100% RE MAP)

Theo kịch bản BAU, tiêu thụ năng lượng dự kiến sẽ tăng từ 65 lên 244 triệu tấn dầu tương đương đến năm 2050. Tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế vẫn còn sử dụng nhiên liệu hóa thạch (74%). 

Ngành giao thông vận tải tăng trưởng từ 6 đến 7 lần so với mức hiện tại nhưng giống như tất cả các lĩnh vực khác, sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. 

Tỷ trọng nhiệt điện trong phát điện giảm từ 60% xuống 42% và các nguồn năng lượng tái tạo khi đó sẽ được khai

thác để bù vào mức giảm của nhiệt điện. 

Trong cơ cấu của nhiệt điện, khí đốt sẽ thay thế than để trở thành công nghệ phát điện chủ đạo do không có nguồn nhiệt điện than mới nào được đưa vào hệ thống từ năm 2037 trở đi và 15 GW trong số các nhà máy than hiện có sẽ ngừng hoạt động.

 

Báo cáo “Tầm nhìn ngành năng lượng Việt Nam: Hướng tới 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050” xây dựng 3 kịch bản phát triển cho ngành năng lượng của Việt Nam đến năm 2050

Trong kịch bản 100RE, mức tiêu thụ năng lượng tăng lên 223 triệu tấn dầu tương đương vào năm 2050, thấp hơn 8% so với kịch bản BAU, nhờ đạt được mức hiệu suất năng lượng cao hơn ở tất cả các các ngành tiêu thụ.

Tất cả các lĩnh vực chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo thông qua kết hợp giữa điện khí hóa và chuyển đổi sang nhiên liệu tái tạo. Trong hệ thống điện, 100% điện năng được sản xuất từ các nguồn tái tạo thay thế cho than và khí đốt.

Quy mô công suất điện mặt trời và điện gió được mở rộng và được đảm bảo dự phòng bằng các hệ thống pin lưu trữ có dung lượng cao. Năng lực truyền tải của lưới điện cao hơn tới 8 lần so với trong kịch bản BAU.

Kịch bản 80RE có các xu hướng phát triển tương tự với kịch bản 100RE, ngoài điểm khác biệt là cho phép duy trì khoảng 20% mức tiêu thụ năng lượng từ nguồn hóa thạch vào năm 2050. 

Với tỷ lệ về hiệu quả năng lượng chỉ thấp hơn một chút so với kịch bản 100RE, mức tiêu thụ vào năm 2050 tăng lên 229 triệu tấn dầu tương đương, thấp hơn 6% so với kịch bản BAU. Có 52 GW công suất phát điện bằng khí đốt sẽ vẫn duy trì hoạt động trong hệ thống điện cùng với 9 GW than. 

Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện tăng lên 86%. Công suất truyền tải điện trong kịch bản này cao gấp 6 lần so với trong kịch bản BAU.

Tổng yêu cầu đầu tư năng lượng cho toàn nền kinh tế cao nhất đối với kịch bản BAU ở mức 5.133 tỷ USD, thấp nhất ở kịch bản 80RE là 3.817 tỷ USD (thấp hơn 26% so với kịch bản BAU), tiếp đó là kịch bản 100RE với mức tổng đầu tư là 4.089 tỷ USD (thấp hơn 20% so với kịch bản BAU). 

Kịch bản 80RE có mức đầu tư thấp nhất vì tránh chi phí chuyển đổi năng lượng ở một số lĩnh vực đòi hỏi chi phí chuyển đổi cao; các lĩnh vực này chỉ thực hiện chuyển đổi thành 100% năng lượng tái tạo trong kịch bản 100RE.

Theo kịch bản 100RE, trong hệ thống điện, 100% điện năng được sản xuất từ các nguồn tái tạo thay thế cho than và khí đốt

Dựa trên những kết quả nghiên cứu, báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị chính sách như quy hoạch ngành năng lượng; lập kế hoạch đầu tư: lập bản đồ tài nguyên và tích hợp các yêu cầu quy hoạch xuyên suốt qua các khâu gồm mạng lưới, yêu cầu hệ thống điện, môi trường và chăm sóc sức khỏe. Điện gió ngoài khơi cần chú ý bổ sung các nội dung liên quan đến khảo sát, đánh giá và cấp phép. Sử dụng phương thức đấu thầu, là cơ chế đã được áp dụng thành công tại những nước khác. 

Cải thiện vận hành hệ thống điện; tăng cường thể chế. Về giá và hợp đồng năng lượng: có cơ chế khuyến khích linh hoạt, tích hợp các nguồn phân tán, thu thập thông tin chính sách kịp thời và khuyến khích ứng dụng năng lượng tái tạo thông qua chứng chỉ xanh cùng hệ thống tín chỉ carbon. 

Ngành giao thông vận tải: khuyến khích điện khí hóa và sử dụng xe điện thông qua hỗ trợ tài chính cho những người sử dụng sớm và cung cấp các hạ tầng cần thiết…

Về khí hậu, sức khỏe và môi trường: xây dựng khung quy hoạch tổng thể tích hợp các chính sách khí hậu, chiến lược khử carbon và mục tiêu NDC. Các chính sách này sẽ mang lại những kết quả tốt hơn trong chăm sóc sức khỏe thông qua giảm ô nhiễm, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và tích lũy lợi ích.

 

Cẩm Hạnh

Nguồn:Các kịch bản phát triển cho ngành năng lượng của Việt Nam đến năm 2050 (nangluongsachvietnam.vn)