WB đồng hành với Việt Nam thí điểm tín chỉ carbon và phát triển nông nghiệp bền vững

Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cùng thảo luận về thí điểm tín chỉ carbon; chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao; dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long (MERIT) với bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Chia sẻ với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch WB đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt coi Việt Nam là một điển hình cho khu vực và thế giới về tăng trưởng xanh như trồng rừng, bán tín chỉ carbon, nghiên cứu lúa giảm phát thải…

Theo đại diện WB, tín chỉ carbon là tài nguyên quý giá đối với nông dân sống phụ thuộc vào rừng, do đó WB mong muốn hỗ trợ Việt Nam thu lại lợi nhuận, tạo thương hiệu carbon Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh COP28 (diễn ra từ 30/11 - 12/12), WB đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét thông báo về dự kiến đấu giá tín chỉ carbon dư thừa, tiên phong việc tài chính hóa giảm phát thải, thu hút sự quan tâm quốc tế.

Quang cảnh buổi làm việc

Đối với Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), Bộ trưởng Bộ NNPTNT thông tin, 10,3 triệu tấn CO2 đã hoàn thành ngay tại kết quả kỳ báo cáo lần 1, WB đã giải ngân cho Bộ NN&PTNT. Với 5,91 triệu tấn CO2 còn dư, Bộ sẽ đề nghị chuyển nhượng thêm 1 triệu tấn CO2 từ kết quả báo cáo kỳ 1; thí điểm đấu giá từ 500.000 - 1 triệu tấn CO2; nghiên cứu phương án thương mại, chuyển nhượng lượng CO2 còn lại cho các đối tác tiềm năng để hỗ trợ phát triển rừng tại vùng Bắc Trung Bộ.

Thời gian tới, Bộ sẽ cử chuyên gia giúp nâng cao năng lực cho các nhà tài trợ của Quỹ Tài chính carbon. Điều này đảm bảo các hoạt động hỗ trợ giảm phát thải và phát triển bền vững có thể được triển khai xuyên suốt giữa cơ quan quản lý, nhà tài trợ và nhà cung cấp tín chỉ carbon.

Về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được triển khai từ năm 2024, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đề án không chỉ nhằm giảm phát thải khí metan mà còn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Thông qua các sáng kiến tái chế, xử lý rơm rạ, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ hạn chế được lượng khí thải từ việc đốt rơm sau thu hoạch.

Bộ trường cho biết, Bộ sẽ tiến hành rà soát toàn diện về nhu cầu vốn, đảm bảo rằng mục tiêu giảm phát thải được thực hiện một cách hiệu quả. Để hỗ trợ quá trình này, Bộ sẽ thành lập nhóm Đối tác đổi mới lúa gạo carbon thấp để cùng thảo luận, đề xuất giải pháp trong lĩnh vực giám sát, báo cáo và xác minh (MRV), truyền thông, ứng dụng công nghệ số để quản lý sản xuất lúa giảm phát thải.

Với riêng dự án MERIT, Phó Chủ tịch WB đề nghị Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng trình dự án tới Hội đồng quản lý WB. Việc tăng tốc chuẩn bị dự án là vô cùng cần thiết để đảm bảo đời sống người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khi El Nino sẽ kéo dài trong năm tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề cập tới dự án Phát triển thủy sản bền vững nhằm đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Theo Bộ trưởng, ngoài hiện đại hóa ngành thủy sản Việt Nam, dự án còn tập trung gỡ thẻ vàng của châu Âu về đánh cá bất hợp pháp (IUU). Hiện dự án đã sẵn sàng, được Chính phủ và Bộ NN&PTNT ưu tiên hàng đầu. Trong tương lai gần, Bộ sẽ phối hợp với 6 địa phương tiến hành phê duyệt nghiên cứu khả thi. Dự kiến, hiệp định với WB sẽ được ký trước tháng 6/2024.

Đại diện WB cho biết sẽ cam kết về vốn để hỗ trợ hoàn thành các thủ tục trình và duyệt nghiên cứu khả thi của dự án trên. Dự án là mốc đánh dấu quan trọng trong phát triển ngành thủy sản bền vững, thể hiện trách nhiệm chung về bảo vệ môi trường và kinh tế biển Việt Nam.

Khánh An

Nguồn:WB đồng hành với Việt Nam thí điểm tín chỉ carbon và phát triển nông nghiệp bền vững (nangluongsachvietnam.vn)