Vì sao không nên bỏ pin vào thùng rác?

Khi pin lithium-ion ngày càng trở nên phổ biến, số lượng lớn của chúng đặt ra thách thức đối với các hệ thống tái chế và quản lý chất thải.

Một báo cáo của Hiệp hội Tái chế & Chất thải Quốc gia Mỹ (NWRA) và công ty tư vấn RRS ước tính, hơn 5.000 vụ cháy nổ xảy ra hàng năm tại các cơ sở tái chế rác thải ở Mỹ.

Thực trạng ngày càng có nhiều cơ sở gặp phải các vụ hỏa hoạn thảm khốc là do người tiêu dùng ném nhầm pin lithium-ion vào cùng với rác thải sinh hoạt của họ.

Nguy cơ nổ pin lithium-ion ngày càng tăng tại các cơ sở tái chế rác thải. (Ảnh: Aïda Amer/Axios)

Nguy cơ nổ pin lithium-ion ngày càng tăng tại các cơ sở tái chế rác thải. (Ảnh: Aïda Amer/Axios)

Tất nhiên, khi việc sử dụng pin lithium-ion ngày càng tăng thì nguy cơ hỏa hoạn tại các cơ sở tái chế rác thải cũng phải tăng theo.

Jim Riley, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Tái chế & Chất thải Quốc gia Mỹ (NWRA) cho biết: “Pin lithium-ion có nhiều trong các loại rác thải sinh hoạt trộn lẫn hơn chúng tôi nghĩ. Bên cạnh làm ảnh hưởng đến các cơ sở tái chế, những cục pin này còn là mối đe dọa đối với toàn bộ hệ thống xử lý tái chế và chất thải rắn, từ khâu thu gom đến xử lý.

Nó cũng tác động đến sức khỏe của các nhân viên hoạt động tại các cơ sở tái chế rác thải hàng ngày”.

Theo Jim Riley, người dân không nên vứt chúng chung với rác thải sinh hoạt, bởi các hợp chất dễ bay hơi trong pin có thể tự phát ra tia lửa điện. Khi pin lithium bắt lửa thì rất khó để dập tắt.

Hỏa hoạn tại các cơ sở này có thể gây ra tổn thất lớn cho cộng đồng, ô nhiễm không khí, thương tích và thậm chí là gây tử vong. Nếu đám cháy đủ nghiêm trọng, nó có thể khiến toàn bộ cơ sở phải đóng cửa trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí là vô thời hạn. 

Với những rủi ro mà chúng gây ra, điều quan trọng là người tiêu dùng cần hiểu rằng, không nên vứt bỏ pin lithium-ion chung với rác thải sinh hoạt, mà nên bỏ vào các thùng được phân loại dành cho rác thải điện tử, vật liệu dễ cháy nổ.

Jim Riley cũng lưu ý rằng, nguy cơ cháy nổ pin lithium-ion ngày càng tăng tại các cơ sở tái chế rác thải đã làm tăng chi phí bảo hiểm cho các cơ sở này, tỷ lệ tổn thất thảm khốc cũng đã tăng 41% trong 5 năm qua tại Mỹ.  

Ngoài ra, nguy cơ hỏa hoạn và chi phí bảo hiểm dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới, khi việc sử dụng pin lithium-ion tiếp tục tăng theo cấp số nhân, nếu con người không biết cách phân loại rác thải pin lithium-ion một cách khoa học, đúng quy trình và chuẩn mực an toàn.

Huỳnh Dũng

Nguồn:Vì sao không nên bỏ pin vào thùng rác? (vtc.vn)