Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) đang đổi mới các phương pháp quản lý và vận hành hệ thống năng lượng toàn cầu. Với nhiều ngành, AI được coi là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi.
Khi AI vào lưới điện
Nhu cầu tiêu thụ điện đang ngày một gia tăng. Trước đây, các lưới điện truyền thống nằm dưới sự quản lý tập trung. Nhưng giờ đây, chúng phải thích ứng được với việc trao đổi điện đa chiều, trước sự xuất hiện không ngừng nhiều nguồn cung cấp điện mới.
Ngày càng có nhiều thiết bị mới được hòa lưới điện, chẳng hạn như trạm sạc xe điện và các tấm pin năng lượng mặt trời dân dụng. Do đó, khả năng điều chỉnh của mạng lưới điện đã trở thành một thách thức. Hơn nữa, quá trình điện hóa trong lĩnh vực giao thông, công nghiệp và xây dựng đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi mức độ trao đổi thông tin cao hơn và những công cụ điều chỉnh tiên tiến hơn.
AI xuất hiện sẽ giúp giải quyết những vấn đề này và khả năng của AI tiếp tục được mở rộng. Sức mạnh tính toán của nó tăng lên theo cấp số nhân, mang lại những tiến bộ đáng kể trong việc nhận dạng ngôn ngữ và hình ảnh, chuyển dịch dữ liệu âm thanh và tự động hóa tác vụ. Tiến trình này cũng được áp dụng cho việc tự cải tiến các thuật toán và sửa đổi mã lập trình bản thân chúng.
Ngành năng lượng chỉ vừa mới bắt đầu khai thác tiềm năng của AI nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy đổi mới. Đặc biệt, lưới điện thông minh tạo ra khối lượng dữ liệu khổng lồ. Ví dụ, đồng hồ điện thông minh gửi dữ liệu đến công ty điện nhiều hơn hàng nghìn lần so với các thiết bị analog. Những thiết bị giám sát dòng điện mới truyền nhiều dữ liệu hơn đến khâu vận hành, giúp họ quản lý tài nguyên chính xác và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, các mô hình AI tinh vi còn giúp cải thiện độ chính xác của dự báo sản lượng gió và thu hẹp phạm vi sai lệch, giảm thiểu rủi ro cho nhà vận hành lưới điện và nhu cầu phụ thuộc vào nguồn dự trữ tốn kém. Tương tự, nhờ dự đoán được sự thay đổi về nhu cầu điện bằng AI, các dịch vụ công giảm được chi phí vận hành và tối đa hóa độ tin cậy, bằng cách cải tiến năng lực quản lý các nhà máy điện và hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng tốn kém và ô nhiễm trong thời gian tiêu thụ cao điểm.
Nhìn chung, kỷ nguyên của AI trong lĩnh vực năng lượng hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả và độ tin cậy cao hơn. Các công ty đầu tư vào những công nghệ này đang vạch ra những chiến lược hoạt động nhằm phát triển mạnh mẽ hơn trong một thế giới năng lượng với nhiều sự thay đổi nhanh chóng.
Việc tích hợp AI vào các hệ thống năng lượng đánh dấu một bước ngoặt quyết định hướng đến việc quản lý hiệu quả hơn và có tầm nhìn xa hơn. Sự cải tiến liên tục đang mở đường cho những mạng lưới thông minh hơn và linh hoạt hơn - điều cần thiết cho quá trình chuyển dịch năng lượng thành công và bền vững.
AI đang thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực năng lượng
Hỗ trợ giảm ô nhiễm
Những mục tiêu khử carbon sẽ thúc đẩy mức độ phức tạp lên một tầm cao mới, AI là một nhân tố được trông đợi.
Với các giải pháp lắp cảm biến thông minh nhằm giúp giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng của máy móc, giúp hạn chế ô nhiễm từ sản xuất bê tông, hay lắp đặt công cụ theo dõi lượng khí thải CO2..., AI có thể giúp khử carbon trong hoạt động công nghiệp.
Đây là ván cược của nhiều công ty. Tại các hội nghị về biến đổi khí hậu, việc bắt gặp công ty khởi nghiệp quảng bá về khả năng đo lường và giảm lượng khí thải của họ không còn là chuyện hiếm gặp. Ta có Watershed của Mỹ, Carbme của Đức hay Greenly của Pháp, chuyên phân tích hoạt động của các công ty để xác định được mức phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh ChatGPT - vốn đã gây chú ý trong những tháng gần đây, AI còn rất nhiều ứng dụng khác, nhất là trong hỗ trợ truy xuất nguồn gốc tốt hơn. Đây là một yếu tố cần thiết cho quá trình khử carbon.
Trên thực tế, giới doanh nghiệp dễ dàng biết được mức phát thải trực tiếp của họ, nhưng phát thải gián tiếp (được gọi là Scope 3) thì ít dễ dàng hơn, bao gồm cả mức phát thải từ những nhà cung ứng. Theo một báo cáo gần đây của CapGemini, lượng khí thải gián tiếp chiếm 92% tổng lượng khí thải năm 2022 của những công ty châu Âu đã trả lời khảo sát của họ.
AI cũng có thể được sử dụng cho các mục đích khác, bao gồm cải thiện quy trình sản xuất trong nhà máy. Ông Paul Pinault là một trong những nhà quản lý của công ty Braincube (Pháp) - chuyên cung cấp giải pháp kỹ thuật cho doanh nghiệp. Ông mô tả ý tưởng như sau: “Nhờ thu thập dữ liệu, chúng ta có thể tìm ra lý do gây sản xuất kém hoặc tốt”. Hàng triệu dữ liệu như vậy sẽ giúp đánh giá và tìm ra quy trình công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng nhất.
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã cho ra mắt phần mềm tích hợp AI. Ví dụ, Suez của Pháp có phần mềm Aquadvanced, giúp quản lý mạng lưới dẫn nước; Siemens của Đức phát triển phần mềm đo lượng khí thải trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Các gã khổng lồ công nghệ (Gafam) cũng tham gia vào cuộc chơi: Vào năm 2022, Meta (Mỹ) đã hợp tác với Đại học Illinois nhằm thiết kế một thuật toán giúp sản xuất bê tông với độ phát thải thấp.
Ngoài việc khử carbon trong nhiều quy trình và sản phẩm, AI còn có thể trợ giúp quá trình đưa ra quyết định kinh doanh. Thực tế, động lực lớn nhất của các doanh nghiệp khi tìm đến AI là môi trường và tiết kiệm. Ông Geoffroy Petit khẳng định: “Một khi kết hợp khía cạnh tài chính và khía cạnh khí hậu, các công ty sẽ đưa ra quyết định nhanh hơn nhiều”.
Các ứng dụng của AI trong ngành dầu khí
Tác động của AI đến dầu khí
Việc ứng dụng AI và các công nghệ kỹ thuật số khác trong ngành dầu khí đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong những thập niên tới. AI đang được coi là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi đối với ngành dầu khí, được ứng dụng để giảm chi phí vận hành, cải thiện tính bền vững, tăng tốc và tối ưu hóa các quy trình.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Mordor Intelligence, việc sử dụng AI trong thị trường dầu khí dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 10,81% từ năm 2022 đến năm 2027. Và theo một cuộc khảo sát gần đây của Ernst & Young, 92% các công ty dầu khí trên thế giới đang đầu tư vào AI hoặc có kế hoạch đầu tư phát triển AI trong vòng 5 năm tới. Mặc dù nhiều ứng dụng công nghệ AI đã được chú trọng tăng tốc, song tốc độ các công ty áp dụng AI vẫn chậm hơn so với tốc độ phát triển và ứng dụng nó trong các lĩnh vực khác.
AI có thể được áp dụng theo nhiều cách khác nhau trong ngành dầu khí, việc sử dụng AI có thể giúp cải thiện đáng kể việc quản lý chuỗi cung ứng với khả năng giảm lỗi 20-50%. Đây được coi là một vấn đề rất cần được chú trọng sau sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong và sau đại dịch Covid-19. Sự chậm trễ trong sản xuất và phân phối các thành phần năng lượng đã dẫn đến lượng tồn kho tăng, cùng nhiều hoạt động khiến chi phí và thời gian cũng tăng mạnh. Do đó, việc ứng dụng AI để quản lý hệ thống chuỗi cung ứng có thể giúp giảm bớt những áp lực này trong tương lai.
Các ứng dụng AI mới nổi cũng có thể giúp cải thiện đáng kể các tiêu chuẩn an toàn, giám sát tốt hơn các giàn khoan dầu khí để giúp bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động. AI còn được sử dụng để giám sát các đường ống và cơ sở hạ tầng khác nhằm ngăn ngừa rò rỉ và tràn dầu. Điều này có thể giúp các công ty tiết kiệm tới hàng triệu USD cũng như tránh thiệt hại lớn cho môi trường. Cho đến nay, một số công ty năng lượng khổng lồ như Shell, BP và ExxonMobil đã bắt đầu ứng dụng AI vào các hoạt động của mình.
AI đang được coi là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi đối với ngành dầu khí, được ứng dụng để giảm chi phí vận hành, cải thiện tính bền vững, tăng tốc và tối ưu hóa các quy trình.
Chính sách quản lý sự phát triển của AI
Mặc dù AI mang lại nhiều lợi ích nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Không chỉ các nhà phân tích mà ngay cả các chính trị gia cũng đã lên tiếng thẳng thắn về các mối đe dọa do AI gây ra.
Thời gian gần đây, các mối đe dọa từ AI thường là tâm điểm chú ý của các nhà phân tích và truyền thông. Nhiều người hoài nghi rằng AI có thể được sử dụng để tạo ra vũ khí sinh học hoặc vũ khí điều khiển từ xa. Ngoài ra, nếu bất kỳ mô hình AI nào bị đánh cắp hoặc công khai thì sẽ không thể ngăn chặn được làn sóng công nghệ này lan rộng trên toàn thế giới. Nhiều người thậm chí còn cho rằng AI có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và biến con người thành nô lệ của chúng.
Tất cả những lời cảnh báo này không hẳn đều vô căn cứ, nhưng đây cũng chỉ là một giả định trong tương lai. Tuy nhiên, có một lĩnh vực mà mối đe dọa từ AI đã trở thành hiện thực. Đó là việc AI góp phần vào các chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch trên diện rộng.
Các nước Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đều nhất trí về việc quản lý sự phát triển của AI và tích cực đưa ra các đề xuất để điều tiết sự phát triển của AI. Về mặt lý thuyết, các bên liên quan chỉ cần họp mặt và thiết lập các quy tắc chung nhằm điều tiết lĩnh vực này. Nhưng trên thực tế, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Nguyên nhân chính là do là tất cả những người chơi chủ chốt của phương Tây đều muốn giành quyền chi phối trong cuộc đua AI.
Ngày 8-12-2023, EU đã đạt được thỏa thuận chính trị liên quan tới những quy định toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý AI. Mặc dù Đạo luật AI vẫn cần được Nghị định châu Âu (EP) và các nước thành viên EU phê chuẩn chính thức, song việc đạt được thỏa thuận chính trị nói trên đồng nghĩa rào cản lớn cuối cùng đã được gỡ bỏ.
Không chỉ EU có bước tiến trong quản lý AI, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp về tiêu chuẩn an toàn đối với AI vào tháng 10-2023. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đưa ra các quy định tạm thời về quản lý AI, có hiệu lực từ tháng 8 năm nay.
Theo Mordor Intelligence, việc sử dụng AI trong thị trường dầu khí dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 10,81% từ năm 2022 đến năm 2027. Và theo Ernst & Young, 92% các công ty dầu khí trên thế giới đang đầu tư vào AI hoặc có kế hoạch đầu tư phát triển AI trong vòng 5 năm tới.
S.Phương
Nguồn:Trí tuệ nhân tạo nhân tố thay đổi cuộc chơi (petrotimes.vn)