Cảnh báo đáng ngại về an ninh năng lượng của Đức

Đức sẽ phải áp dụng thêm các hạn chế tiêu thụ khí đốt hoặc đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng nếu mùa đông tới lạnh giá.

Cảnh báo đáng ngại về an ninh năng lượng của Đức

Giá dầu diesel và xăng tại một trạm xăng ở Frankfurt, Đức. Ảnh: Xinhua

Dự báo của Hiệp hội lưu trữ khí đốt quốc gia Đức (INES) ngày 19.4 cho biết, mức tiêu thụ hiện tại và các yêu cầu nạp khí vào kho dự trữ hợp pháp sẽ không đủ trong trường hợp mùa đông lạnh giá.

Hiện các kho chứa khí đốt của Đức chỉ được yêu cầu đầy 40% vào cuối tháng 1.2024.

Báo cáo của INES chỉ ra, theo các quy định hiện hành, Đức sẽ vượt qua mùa đông tới “nếu nhiệt độ ấm áp”.

“Nếu nhiệt độ từ trung bình đến lạnh, các cơ sở lưu trữ khí đốt sẽ cạn kiệt hoặc cạn kiệt hoàn toàn”, báo cáo lưu ý.

Trong trường hợp xấu nhất, các cơ sở lưu trữ sẽ “hoàn toàn trống rỗng vào tháng 1.2024 trong điều kiện thời tiết lạnh giá".

INES lưu ý, Berlin khó có thể bù đắp cho lượng còn thiếu và sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong phần còn lại của mùa đông.

“Mùa đông sắp tới, an ninh cung cấp khí đốt ở Đức vẫn chưa được khôi phục. Điều quan trọng là phải lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt và giảm đáng kể mức tiêu thụ khi trời lạnh" - Giám đốc điều hành INES Sebastian Bleschke cảnh báo.

Ông Bleschke cũng kêu gọi mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt của Đức để có thể “được kích hoạt trong thời gian ngắn và thực sự cung cấp thêm khí đốt trong mùa đông sắp tới".

Dự báo do INES đưa ra mô tả “nhiệt độ mùa đông ấm áp” tương tự nhiệt độ quan sát được ở các khu vực của châu Âu năm 2020, khi mùa đông ở khu vực Biển Baltic, Phần Lan và phía tây của Nga ấm hơn trung bình tới 8 độ C.

Kịch bản “mùa đông lạnh giá” dựa trên mùa đông năm 2010-2011, với nhiệt độ lạnh kỉ lục được ghi nhận ở Anh, Ireland, Pháp và một số khu vực Scandinavia vào đầu tháng 11.

Đức, cùng với các quốc gia EU khác, đã giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraina bắt đầu.

EU không hoàn toàn cấm nhập khẩu khí đốt của Nga qua đường ống nhưng dòng chảy vẫn giảm đáng kể do các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraina và sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream 1 - một trong những tuyến đường chính dẫn khí đốt của Nga đến châu Âu.

Thanh Hà

Nguồn:Cảnh báo đáng ngại về an ninh năng lượng của Đức (laodong.vn)