Công nghiệp nặng châu Âu trước chuyển đổi lớn trong năng lượng

Ngành công nghiệp nặng châu Âu đang khởi động một bước chuyển đổi lớn, bằng cách áp dụng hydro xanh.

Một nhà máy luyện kim ở Đức

Châu Âu đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghiệp, lấy sự phát triển của hydro xanh làm trụ cột cho quá trình chuyển dịch năng lượng. Trọng tâm của sự chuyển đổi này là một dự án đầy tham vọng nhằm sản xuất hydro xanh với sản lượng công nghiệp. Đây là một sáng kiến quan trọng nhằm khử carbon trong ngành công nghiệp nặng. Việc lắp đặt máy điện phân lớn nhất ở châu Âu là minh chứng cho dự án này.

Cuộc cách mạng “thép xanh”

Trong bối cảnh đó, hydro xanh được xem là giải pháp đầy hứa hẹn nhằm thay thế nhiên liệu hóa thạch trong nhiều lĩnh vực then chốt như ngành thép. Thật vậy, gã khổng lồ ngành thép Thyssenkrupp của Đức có kế hoạch biến đổi những lò cao lâu đời của họ bằng cách áp dụng công nghệ hydro xanh. Việc sử dụng hydro nhằm khử trực tiếp quặng sắt sẽ là cách mạng hóa hoạt động sản xuất thép, giúp ngành công nghiệp từ bỏ than đá – nguồn nhiên liệu mà họ đã sử dụng trong hơn 1,5 thế kỷ.

Những đối tác trong công cuộc đổi mới

Sáng kiến này không hề bị phớt lờ. Những công ty lớn khác trong ngành, như Siemens Energy và Air Liquide, cũng đã tham gia cuộc đua hydro xanh. Mối quan hệ hợp tác giữa hai bên đã dẫn đến việc thành lập một nhà máy khổng lồ nhằm sản xuất những mô-đun thiết bị điện phân. Nhà máy này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hydro xanh trên quy mô lớn.

Những thách thức về tài chính và sản xuất điện phi carbon

Khó mà phủ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ cho những dự án này. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Pháp Roland Lescure và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều bày tỏ lòng hào hứng với những sáng kiến trên. Điều này nhấn mạnh tiềm năng của hydro xanh trong việc chuyển đổi hoàn toàn những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Quá trình chuyển đổi này mang tính rất cấp bách, nhất là ở những khu vực có lịch sử lâu dài phụ thuộc vào than và khí đốt, chẳng hạn như bang North Rhine-Westphalia - khu vực đóng vai trò quan trọng trong ngành hóa chất và thép của Đức.

Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch sang hydro xanh phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Việc tài trợ cho những dự án như vậy và tăng cường sản xuất đủ lượng điện phi carbon cho hoạt động chuyển dịch vẫn là những trở ngại lớn. Cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng (do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra) cũng làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của nguồn cung năng lượng của châu Âu, khiến nhiều nhà sản xuất phải suy nghĩ lại chiến lược đầu tư của họ.

North Rhine-Westphalia - Trung tâm của quá trình chuyển dịch năng lượng

Thyssenkrupp đã đạt được nhiều thỏa thuận cung cấp điện cho cơ sở đầu tiên có trang bị máy điện phân của họ, nhưng quy mô nhu cầu trong tương lai vẫn là một thách thức. Công ty dự kiến cần đến 500.000 tấn hydro/năm cho những hệ thống khử sắt trực tiếp bằng hydro (DRI) - một con số khổng lồ so với công suất sản xuất hiện tại của máy điện phân Oberhausen.

Những diễn biến này cho thấy một sự thay đổi sâu sắc trong cách châu Âu nhìn nhận về tương lai năng lượng của họ. Thời gian 3 năm tới sẽ là giai đoạn rất quan trọng nhằm xác định liệu thị trường hydro có thực sự phát triển hay không, và liệu các ngành công nghiệp lâu đời có thể thích ứng kịp thời nhằm đối phó với những thách thức về khí hậu hay không.

Nhìn chung, châu Âu đang bước vào bình minh của một kỷ nguyên mới, lấy hydro xanh làm trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp. Quá trình chuyển đổi này, mặc dù đầy trở ngại, mang đến cơ hội chưa từng có nhằm định hình lại ngành công nghiệp nặng và đạt sự tiến bộ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thành công từ việc thay đổi mô hình sẽ còn phụ thuộc vào mức độ hợp tác giữa các doanh nghiệp, chính phủ và những doanh nghiệp đổi mới, cũng như ước muốn cùng nhau ưu tiên theo đuổi một tương lai bền vững.

 

Ngọc Duyên

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cong-nghiep-nang-chau-au-truoc-chuyen-doi-lon-trong-nang-luong-699819.html