Triển khai năng lượng xanh: Doanh nghiệp nóng lòng chờ hướng dẫn

Quy hoạch điện VIII vừa được Chính phủ phê duyệt khẳng định điện mặt trời áp mái được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, không phải cứ có sẵn mái nhà là có thể mua pin lắp lên để hoạt động mà còn phải phù hợp với các quy định pháp luật liên quan.

Ảnh minh họa

Lúng túng…

Tại Tọa đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp (DN): Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn” do Báo Diễn đàn DN (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII), ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, dưới góc độ DN, nhất là DN thủy sản với đặc thù sử dụng kho lạnh và cấp đông, nhu cầu năng lượng là rất lớn trong khi DN phải thực hiện nhiều cam kết với khách hàng về môi trường. Do đó, điện mặt trời (ĐMT) áp mái với DN là rất cấp thiết.

Ông Nam chia sẻ, cách đây 10 ngày trước khi QHĐ VIII được ban hành, VASEP nhận được văn bản của một DN miền Trung phản ảnh họ không được cấp phép lắp ĐMT áp mái cho nhà máy do vướng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó hướng dẫn về lắp hệ thống ĐMT áp mái cho DN.

“DN rất mừng vì QHĐ VIII đã được phê duyệt và mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành về mặt cơ chế, hướng dẫn để đầu tư, đáp ứng được trách nhiệm môi trường từ các nước nhập hàng đang yêu cầu; thực hiện đúng lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, hay giải quyết chi phí năng lượng…” - ông Nam nói.

Đại diện VASEP cũng đề xuất các cơ quan chức năng như: Bộ Công Thương nhanh chóng hỗ trợ về cơ chế để DN đầu tư và lắp đặt ĐMT áp mái được đấu nối và có lắp đặt thiết bị chống phát ngược; Chính phủ sớm có cơ chế mới về lắp đặt ĐMT áp mái để các DN chuyên về lĩnh vực này có thể áp dụng và giúp các DN lắp đặt đầu tư…

Ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành TCty May 10 - CTCP băn khoăn khi chia sẻ, trước đây khi xây dựng nhà máy, các DN đã được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), hàng năm đều được kiểm tra, nhưng bây giờ DN đầu tư hệ thống ĐMT có yêu cầu tổng duyệt toàn bộ nhà máy không? Nếu có sẽ phát sinh nhiều chi phí và đã phù hợp chưa?

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), QHĐ VIII sẽ tạo tiền đề cho phát triển năng lượng điện tái tạo. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là không thể tự sản tự tiêu hoàn toàn, DN cần có sự dự trữ về năng lượng. Do vậy, việc đấu nối với điện lưới quốc gia cần được xem xét, cần có chính sách để cho phép đấu nối…

Theo chuyên gia VEPR, mặc dù đã có các quy định về các yếu tố kỹ thuật để kiểm soát, lắp đặt, sửa chữa điện năng lượng tái tạo, song thể chế chính sách chưa rõ ràng, quy trình thủ tục để lắp đặt hệ thống mới, hay sửa chữa mất rất nhiều thủ tục quy trình kèm theo… Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra tại QHĐ VIII, cần có cơ chế xác nhận cho người dân làm. Đồng thời, thảo luận, sửa đổi quy trình, thủ tục, tìm phương án tháo gỡ để có cơ chế chính sách phù hợp, bởi “nếu không có phương án ngay chúng ta sẽ mất cơ hội”.

Nhiều nội dung phải rà soát, hướng dẫn

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết, từ khi sau Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT, EVN đã phát triển được 113.000 hệ thống điện áp mái. Năm 2021 - 2022, hệ thống này đưa lên lưới điện 11,3 tỷ kWh. Năm 2022 hệ thống này chiếm khoảng 4,21% điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống. Công suất phát điện quy đổi tương ứng khoảng 7700 mWh.

Khẳng định ĐMT mái nhà là một lĩnh vực rất có lợi cho chủ đầu tư, cho DN, người dân cũng như cả hệ thống điện. Đại diện EVN cho rằng, ngoài các nhà đầu tư chuyên nghiệp hiểu biết rất sâu về vấn đề, thì còn có một số nhà đầu tư theo tâm lý đám đông, trong khi chưa chắc đã hiểu hết về quy định pháp luật liên quan.

“Nhiều nhà đầu tư chỉ nghĩ đơn giản là họ có sẵn mái nhà, họ mua pin lắp lên nhưng không nghĩ đến vấn đề PCCC, môi trường, hay thủ tục, giấy phép hoạt động điện lực... Chính vì việc không nắm hết các quy định quản lý nên đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp, như vi phạm đất đai, PCCC, an toàn công trình xây dựng…” - ông Bình thực tế.

Thừa nhận đâu đó một số cơ chế tiêu chuẩn liên quan chưa kịp xây dựng, ban hành cụ thể nên dẫn tới chồng chéo, khiến một số chủ đầu tư không hiểu hết và không tuân thủ, đại diện EVN cho biết, hiện có 4 vấn đề đang vướng: PCCC, an toàn công trình xây dựng, môi trường, đất đai.

“Đây là 4 vấn đề mà có nhiều trường hợp chưa được giải quyết. Câu hỏi đặt ra là sắp tới làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư vừa qua đang vướng mắc? - Đại diện EVN băn khoăn.

Lấy ví dụ vướng mắc về đất đai, ông Bình cho biết, một số nhà đầu tư làm trang trại nông nghiệp và lắp ĐMT để bán. Nhưng trong Luật Đất đai chưa quy định việc này có chuyển đổi mục đích hay không, phù hợp mục đích sử dụng hay không: Hay về PCCC, hệ thống ĐMT áp mái không thuộc đối tượng thẩm định thiết kế phê duyệt, như theo văn bản hướng dẫn về PCCC. Các quy chuẩn về xây dựng cũng chưa rõ ràng…

“Nói tóm lại, vấn đề là có một số quy định của chúng ta còn chưa cụ thể và đâu đó nhiều chủ đầu tư cũng chưa hiểu hết. Do đó, tôi đồng tình phải rà soát lại các quy định đó để hướng dẫn cụ thể” - ông nói.

Tuy nhiên, không chỉ có thế. Theo đại diện EVN, trước năm 2020 EVN cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng quy chuẩn về lắp đặt ĐMT mái nhà. Các tấm pin hay vector phải được phê duyệt mẫu, hoặc làm đánh giá điển hình để dựng rào cản kĩ thuật nhằm chặn các thiết bị hiệu suất thấp, chất lượng kém. Đồng thời, EVN đã đề xuất đưa ra cơ chế các nhà sản xuất tấm pin phải có cơ chế trách nhiệm thu hồi, mua lại tái chế các tấm pin.

Ngoài ra, việc vận hành hệ thống điện cũng rất phức tạp. An ninh hệ thống phải được bảo đảm theo kế hoạch vận hành để bảo đảm tính xuyên suốt. “Nếu không có kiểm soát về tần số điện áp,… thì rất khó quản lý vận hành. Do đó, buộc phải tuân thủ các quy định Bộ Công Thương về giám sát vận hành. Cần một cơ chế hướng dẫn cụ thể về thế nào là tự sản tự tiêu, thì cũng cần cơ chế về thế nào là tự sản tự tiêu, điện áp mái không bán điện lưới, ai giám sát, ai thống kê…” - đại diện EVN đề xuất.

“QHĐ VIII nêu rõ: “ĐMT mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các DN cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển”. Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng, các DN sản xuất còn lúng túng chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt. Do đó, cần gói giải pháp tổng thể từ phía chính quyền, DN…”.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI