27 nước châu Âu thông qua luật tăng gấp đôi năng lượng tái tạo

Thứ Hai (ngày 9/10), 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua đạo luật tăng gấp đôi tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng đến năm 2030, đưa hydro được sản xuất từ năng lượng hạt nhân vào thỏa thuận theo mong muốn của Pháp.

27 nước châu Âu thông qua luật tăng gấp đôi năng lượng tái tạo

Đạo luật này đã được Nghị viện châu Âu (MEP) thông qua vào giữa tháng 9 và tín hiệu đèn xanh từ Hội đồng EU đã mở đường cho quyết định ban hành. Sự kiện này diễn ra 2 tuần trước khi công bố các quy tắc mới do Brussels đề xuất để hỗ trợ ngành năng lượng gió.

Văn bản được thông qua nhờ một thỏa thuận được ký kết vào cuối tháng 3 giữa Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên, với mục tiêu bắt buộc đạt ít nhất 42,5% năng lượng tái tạo được tiêu thụ ở châu Âu đến năm 2030, so với mức hiện tại là khoảng 22%. Đồng thời các quốc gia sẽ phải cố gắng đạt được mục tiêu "chỉ định" là 45%.

Đạo luật mới đặc biệt đẩy nhanh các thủ tục cấp phép thể hiện qua việc thiết lập các "khu vực dành riêng" cho các cơ quan quốc gia có thẩm quyền, yêu cầu họ phê duyệt các cơ sở năng lượng tái tạo mới trong vòng tối đa 12 tháng (hạn cuối là 24 tháng, 3 năm đối với điện gió ngoài khơi). Trong trường hợp không có phản hồi đối với các dự án trong khu vực dành riêng, thỏa thuận sẽ được coi là được chấp thuận.

Những quy định này có thể được nới lỏng thêm đối với các tuabin gió trong các đề xuất pháp lý do Ủy ban chuẩn bị.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, đến năm 2030, các quốc gia thành viên sẽ phải giảm 14,5% cường độ phát thải khí nhà kính nhờ năng lượng tái tạo và đạt 29% năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong ngành. EU còn lên kế hoạch sử dụng 49% năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà.

Cuối cùng, ở mỗi quốc gia, tỷ lệ hydro tái tạo trong ngành công nghiệp sử dụng hydro phải đạt ít nhất 42% vào năm 2030.

Thỏa thuận sẽ mang lại sự linh hoạt cho các quốc gia có công suất hạt nhân đáng kể có thể sản xuất hydro không carbon, cho phép họ giảm một nửa mục tiêu hydro "xanh" với điều kiện tỷ lệ hydro được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 23% trong tổng mức tiêu thụ.

Tuy nhiên, Pháp cho rằng ngưỡng này không thể áp dụng được do sản lượng amoniac lớn trong nước (nguyên liệu thô dùng để sản xuất phân đạm), từ hydro được sản xuất bằng quá trình tái tạo khí tự nhiên từ hơi nước.

Sau các cuộc thảo luận gay gắt với các quốc gia phản đối năng lượng hạt nhân, dẫn đầu là Đức, Paris đã đạt được thỏa thuận rằng các nhà máy amoniac có liên quan sẽ được loại khỏi tính toán trong một số điều kiện nhất định khi đã được đầu tư để giảm lượng khí thải CO2.

Ngoài ra, văn bản còn củng cố các tiêu chí "bền vững" cần thiết cho sinh khối (đốt gỗ để sản xuất năng lượng) khiến các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường thất vọng.

 

Ý Thiên

Nguồn:27 nước châu Âu thông qua luật tăng gấp đôi năng lượng tái tạo (petrotimes.vn)