Bình Định ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

Việc triển khai các dự án năng lượng tại tỉnh Bình Định sẽ là bước tiến lớn trong việc tận dụng năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển và xu thế sử dụng năng lượng sạch trên thế giới.

Bình Định với chiều dài 134km bờ biển có tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời. Với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, trong thời gian đến, Bình Định tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ và các nguồn năng lượng khác như điện sinh khối, điện rác, địa nhiệt.

Theo Sở Công Thương Bình Định, tính đến hết tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh có 21 nhà máy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất 878,9MW, gồm 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất là 347,9MW; 04 nhà máy điện gió với tổng công suất 107,4MW và 05 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 529,5MWp.

Ngoài ra, còn có các hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 223MWp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có dự án Thủy điện hạ lưu đập dâng Phú Phong, công suất 2,9MW đang triển khai thi công và dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4, công suất 18MW đang hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai thi công xây dựng. 

Toàn tỉnh có 9 nhà máy điện mặt trời (ĐMT) và điện gió đang hoạt động như: Nhà máy ĐMT Cát Hiệp (Phù Cát); Nhà máy ĐMT đầm Trà Ổ, Nhà máy ĐMT Mỹ Hiệp, Nhà máy ĐMT Phù Mỹ (Phù Mỹ); Nhà máy ĐMT Fujiwara Bình Định, Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (Khu kinh tế Nhơn Hội)…Các nhà máy này góp phần nâng sản lượng điện sản xuất trong năm 2023 tăng gấp 2 lần so với năm 2021.

Nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: Halcom. 


UBND tỉnh Bình Định cho biết, phát triển năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bình Định là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo như: Thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện rác, địa nhiệt, điện sinh khối… 

Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai đầu tư và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo. Các dự án nguồn năng lượng tái tạo đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và mở ra triển vọng về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Để đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Công ty Truyền tải điện 3 tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong quá trình quản lý, vận hành; thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo các công trình điện thuộc phạm vi quản lý, theo Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt sớm triển khai đầu tư xây dựng Trạm biến áp 500kV Bình Định, Trạm biến áp 220kV Nhơn Hội trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao độ tin cậy của lưới điện truyền tải, góp phần giải tỏa công suất các dự án nguồn điện trong thời gian đến, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn.

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ tại tỉnh Bình Định. 


UBND tỉnh Bình Định cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các dự án được đầu tư, xây dựng hoàn thành đảm bảo tiến độ, hoạt động thuận lợi và hiệu quả. Thông tin từ UBND tỉnh Bình Định, trong quý II/2024, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục quy hoạch, thủ tục lập dự án đối với các dự án Nhà máy Điện gió ngoài khơi của PNE AG; Nhà máy điện gió trên bờ, gần bờ và xa bờ của Liên danh IDG Capital - STS Development và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội; dự án Tổ hợp sản xuất Hydro, Cảng tổng hợp và dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ...

Theo Đề án quy hoạch phát triển điện mặt trời đến năm 2030, tỉnh Bình Định sẽ có 40 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 2.280 MWp, điều này phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn năng lượng này trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bùi Tuyền

Nguồn:Bình Định ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo (thiennhienmoitruong.vn)