Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm cho 58 dự án điện tái tạo

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 11/8, đã có 18 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới, còn 6 dự án chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Cụ thể, đã có 18 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 952,12MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới.

79/85 dự án với tổng công suất 4.449,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 67 dự án (tổng công suất 3.849,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 59/67 dự án.

Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 10/8/2023 đạt khoảng 268 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

22 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 38 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Hiện còn 6 dự án với tổng công suất 284,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm cho 58 dự án điện tái tạo - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Về tình hình cung ứng điện, tháng 8/2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 825,8 triệu kWh/ngày, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình cung cấp điện trong tháng 8 dự kiến vẫn tiếp tục được đảm bảo.

Mới đây, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An chủ trì Hội nghị giữa EVN và các nhà máy nhiệt điện than để đánh giá tình hình hoạt động, huy động công suất của các nhà máy nhiệt điện cho hệ thống điện quốc gia trong thời gian tới.

Qua rà soát, EVN yêu cầu các nhà máy nhiệt điện nghiêm túc rút kinh nghiệm, phân tích kỹ nguyên nhân gây sự cố, dừng, suy giảm công suất tổ máy; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo vận hành các tổ máy.

EVN sẽ mời đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước uy tín, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về nhiệt điện than để tư vấn, hỗ trợ cho các nhà máy nhiệt điện trong quá trình vận hành.

Khẳng định các nhà máy nhiệt điện vai trò quan trọng trong hệ thống điện, ông Đặng Hoàng An yêu cầu lãnh đạo các tổng công ty, đơn vị phát điện phải xác định việc duy trì vận hành ổn định các tổ máy là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

"Các đơn vị phải quyết tâm làm và làm bằng được việc đảm bảo khả dụng các tổ máy nhiệt điện, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện", ông An nói.

Để chuẩn chị cho cung ứng điện mùa khô 2024, ông Đặng Hoàng An yêu cầu các đơn vị phải chủ động phối hợp với đối tác cung ứng than, thực hiện các hợp đồng mua than cụ thể cho từng nhà máy, đảm bảo chất lượng, số lượng than, không để thiếu nhiên liệu phát điện trong mọi tình huống.

Cũng tại hội nghị, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc phối hợp chặt chẽ với EVN trong việc đảm bảo cung ứng than đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng, khi nhiên liệu là yếu tố tác động trực tiếp đến việc vận hành tin cậy, ổn định của các tổ máy.

Ông Trần Đình Nhân yêu cầu người đại diện phần vốn EVN ở các đơn vị phát điện nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong thực hiện các công việc đảm bảo vận hành các tổ máy nhiệt điện, nhất là trong cao điểm mùa khô.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trong tuần từ 7 – 13/8, các nhà máy nhiệt điện được huy động theo nhu cầu của hệ thống và không có tổ máy nhiệt điện bất khả dụng do thiếu than. Sản lượng nhiệt điện than trung bình ngày trong tuần đạt 264.2 triệu kWh. Bộ Công thương hiện nay vẫn đang duy trì các đoàn kiểm tra để làm việc với những nhà máy nhiệt điện vẫn còn các sự cố để nắm tình hình, đôn đốc tiến độ sửa chữa, khắc phục.

Theo dự báo trong tháng 8 này, có khả năng xuất hiện từ 2 - 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Do đó, EVN tiếp tục chỉ đạo các Công ty/Nhà máy thủy điện vận hành hồ đập theo đúng chỉ đạo điều hành của BCĐ Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và BCĐ của các tỉnh/ thành phố, tăng cường tuyên truyền về vai trò của thủy điện trong việc cắt/ giảm lũ.

Các Tổng Công ty/Công ty Điện lực tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo điện mùa khô, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h để kịp thời ứng phó thiên tai bão lũ, cũng như các tình huống quá tải cục bộ, xử lý kịp thời sự cố, tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng.

Đồng thời, để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện, EVN rất mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ và tích cực phối hợp của người dân, các cơ quan công sở, doanh nghiệp sản xuất trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h30 đến 14h30), cao điểm tối (từ 20h00 đến 22h00); đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26 -27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn…

Tạ Nhị

                   Nguồn:Bộ Công thương phê duyệt giá tạm cho 58 dự án điện tái tạo (kinhtemoitruong.vn)