Cà Mau - Ðiểm sáng năng lượng tái tạo

Quan điểm phát triển của tỉnh Cà Mau trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhấn mạnh việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, nổi trội và riêng biệt làm điều kiện, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách nhanh, bền vững và toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Năng lượng tái tạo được nhắc lại như là ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế (cùng với công nghiệp chế biến, khí - điện - đạm, hoá chất).

Tại Quyết định số 500/QÐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), tại khu vực Tây Nam Bộ, tập trung thực hiện các giải pháp, đầu tư xây dựng hạ tầng, nghiên cứu kết nối trong nước và khu vực phục vụ nhập khẩu khí thiên nhiên và LNG để đảm bảo nguồn khí cho các nhà máy điện tại Cà Mau. Ðịnh hướng phát triển theo quy hoạch là tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...).

Với những định hướng chiến lược trong phát triển năng lượng, đặc biệt năng lượng gió như trên, Cà Mau đã có những bước đi khá chủ động và mở đường vững chắc ban đầu, cùng với tầm nhìn mới, tiên phong, hứa hẹn trở thành điểm sáng, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng và cả nước.

 

Trung tâm truyền tải năng lượng điện gió Tân Thuận - Cà Mau.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương, cho biết, Cà Mau hiện có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt, với tổng công suất 1.000 MW. Trong 14 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 800 MW, có 5 dự án tổng công suất 170 MW, đã vận hành thương mại (1 dự án 50 MW đã vận hành thương mại 25 MW, 25 MW còn lại đang tiếp tục triển khai thi công) và 6 dự án tổng công suất 480 MW đang triển khai thi công, 3 dự án tổng công suất 125 MW đang thực hiện các thủ tục đầu tư để chuẩn bị thi công.

“Hiện có 2 dự án điện gió, tổng công suất 200 MW, đã được nhà đầu tư đề xuất, tỉnh Cà Mau đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định. Ðối với điện mặt trời, có 1 dự án tại huyện Ngọc Hiển, công suất 60 MW, có nhà đầu tư đã đề xuất dự án nhưng chưa đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư”, ông Nguyễn Chí Thiện thông tin.

Ðược biết, ngoài danh mục dự kiến nguồn điện và lưới điện theo phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch, tỉnh Cà Mau vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung nội dung liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo hướng tới xuất khẩu điện.

Trên thực tế, Cà Mau có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo; tuy nhiên, chưa tận dụng hết để khai thác. Cà Mau cũng là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án xuất khẩu điện vùng biển ngoài khơi tỉnh (tại Quyết định số 48/QÐ-TTg ngày 3/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Cụ thể, cần bổ sung vào Quy hoạch điện 8 thêm 41 dự án mới tại Cà Mau. Trong đó, 29 dự án điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi (tổng công suất 7.712 MW); 10 dự án điện khí và các nguồn điện khác (tổng công suất 11.934 MW); điện gió, điện mặt trời không nối lưới mà để sản xuất hydro và xuất khẩu điện (tổng công suất 4.950-11.450 MW). Các nhà máy sản xuất hydro có tổng công suất 82.248 tấn/năm).

 

Dự án điện gió Tân Thuận 1 (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) là Dự án điện gió đầu tiên tại Cà Mau được vận hành thương mại, điền tên Cà Mau lên bảng đồ điện gió Quốc gia, hướng đến trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. 

 

Theo Quy hoạch điện 8, ước tính nguồn điện gió ngoài khơi dùng để sản xuất năng lượng mới đến năm 2035 khoảng 15.000 MW và đến năm 2050 khoảng 240.000 MW. Ðể thực hiện nhanh lộ trình chuyển đổi này, cần có thêm nhiều cơ chế về sản xuất điện không nối lưới, cơ chế sản xuất năng lượng mới (về giá, về thị trường) để kích thích các hình thức đầu tư. Cà Mau hiện có nguồn điện tái tạo rất lớn, trong đó điện gió khoảng 12.018 MW, điện mặt trời khoảng 2.846 MW.

Theo Quy hoạch điện 8, cần đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu. Dự kiến đến năm 2030, hình thành các trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng. Trung tâm liên vùng này dự kiến bao gồm các nhà máy điện năng lượng tái tạo công suất 2.000-4.000 MW (chủ yếu là điện gió ngoài khơi).

Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện 8, công suất nguồn điện nối lưới cho phép thực hiện ở Cà Mau chỉ khoảng 1.200 MW, trong đó có gần 1.000 MW là các dự án đang triển khai được chuyển tiếp thực hiện, lượng công suất tăng thêm rất ít so với tiềm năng. Ðã có nhà đầu tư đến tỉnh Cà Mau đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo để đề xuất thực hiện dự án sản xuất năng lượng mới (hydro xanh và amoniac xanh) và địa phương cũng đã quy hoạch vị trí xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh tại xã Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời)./.

Trần Nguyên

Nguồn:https://baocamau.vn/ca-mau-iem-sang-nang-luong-tai-tao-a30149.html