
Đối với lĩnh vực sản xuất điện gió, các
nhà sản xuất Trung Quốc đã chiếm gần 60% công suất lắp đặt trên toàn cầu
vào năm ngoái, cũng như chiếm thị phần ngày càng lớn về tấm pin mặt
trời. Công ty Goldwin của Trung Quốc chiếm 13% thị phần điện gió của thế
giới.
Trong số 15 công ty hàng
đầu thế giới về điện gió, Trung Quốc có 10 công ty, chiếm hơn 56% thị
phần lắp đặt điện gió của toàn thế giới, tăng vọt so với 37% cách đây 5
năm. Trong khi đó thị phần của các công ty châu Âu giảm còn 42% từ mức
55%.
Tính đến cuối tháng 6, công
suất điện mặt trời của Trung Quốc là 470 triệu kW, đứng đầu thế giới năm
thứ 8 liên tiếp và công suất điện gió là 389 triệu kW, đứng đầu thế
giới năm thứ 13 liên tiếp, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia
Trung Quốc (NEA). Nước này đang đẩy mạnh việc nâng cấp điện gió và điện
mặt trời nhằm đạt được chất lượng phát triển cao hơn, theo CGTN.
Tuabin
gió ngoài khơi 16 MW đầu tiên trên thế giới được lắp đặt ở ngoài khơi
tỉnh Phúc Kiến, miền đông Trung Quốc, kết nối với lưới điện, đã chính
thức phát điện vào tháng 7. Nó có công suất phát điện tổ máy đơn lớn hơn
mọi tuabin đang hoạt động trên thế giới.
Trên
thực tế, việc sở hữu công nghệ ngày càng tiên tiến, giá lắp đặt rẻ,
kênh bán hàng ngày càng rộng ở châu Âu, Nhật Bản đã khiến cho các nhà
sản xuất điện gió của Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha khó cạnh tranh với các
đối thủ Trung Quốc vì giá thành cao hơn nhiều.
Theo
Yang Xudong, một quan chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin
Trung Quốc (MIIT), ngành điện mặt trời của nước này cũng đang ghi nhận
những bước tiến trong việc đổi mới công nghệ, nhiều sản phẩm tiên tiến
cũng được ứng dụng rộng rãi hơn.

Công nghệ pin đóng vai trò quan trọng
trong quá trình cải tiến điện mặt trời. Gần đây, một loại module pin
điện mặt trời của công ty Tongwei Solar (Thành Đô) đã đạt hiệu suất
module cao kỷ lục, được chứng nhận bởi TUV Rheinland, nhà cung cấp dịch
vụ chứng nhận và thử nghiệm hàng đầu tại Đức. So với các module truyền
thống, module mới có khả năng chống chịu với nhiệt độ cao tốt hơn và có
thể tạo ra điện từ cả hai mặt, giúp tăng hiệu suất và giảm chi phí sản
xuất điện, theo Meng Xiajie, phó giám đốc bộ phận công nghệ tiên tiến
của Tongwei Solar.
Năng lượng tái tạo đang là một ngành kinh tế mũi nhọn, động lực tăng trưởng mới được chính quyền đầu tư mạnh, với nhiều ưu đãi.
Lần
đầu tiên Trung Quốc vươn lên vị trí số 1 thế giới về điện gió, vượt qua
châu Âu. Các chuyên gia cho rằng, thị phần của Trung Quốc tại châu Âu
về điện gió sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Trung
Quốc đặt mục tiêu đưa tổng công suất điện mặt trời và điện gió vượt 1,2
tỷ kW vào năm 2030 trong bối cảnh tăng tốc chuyển đổi sang hệ thống
năng lượng sạch hơn.
Bình An
Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cong-suat-phat-dien-tu-nang-luong-tai-tao-vuot-troi-tai-trung-quoc-695949.html